Tọa đàm trực tuyến nâng cao văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Chiều 25-11, Báo Hànôịmới phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh'. Sau hơn 2 giờ diễn ra sôi nổi với hàng chục ý kiến hỏi đáp và phát biểu từ đại diện các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, khu dân cư..., chương trình tọa đàm đã giúp các độc giả và khách mời hình dung được bức tranh tổng thể về công tác 'Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh' qua 5 năm thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2016-2020.

Mới nhất Cũ nhất Hình ảnh Video 0s Tự động cập nhật

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tổng kết tọa đàm.

Phát biểu tổng kết cuộc tọa đàm, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề cập 5 nhóm giải pháp để tham mưu cho Thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025:

Một là, tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với nhiều hình thức. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Báo Hànôịmới và các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội đẩy mạnh công tác truyền thông về các mô hình hay, các điển hình tiên tiến. Ngoài ra, thực hiện các cuộc tọa đàm trực tiếp và trực tuyến tại các thôn, tổ dân phố về việc thực hiện các quy tắc ứng xử.

Hai là, dự liệu tốt các nội dung của phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các tiêu chí cụ thể về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giải quyết các mâu thuẫn trong khu dân cư, làm tốt công tác hòa giải cơ sở. Tiếp tục quan tâm đến đời sống tinh thần, như xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng công viên cây xanh, tuyến đường nở hoa, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa…

Ba là, kiểm tra, giám sát việc phát huy vai trò tự quản của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể… Những công việc trên được triển khai từ thôn, tổ dân phố, từng tổ trưởng, đường trưởng, ngõ trưởng… được phân công nhiệm vụ, có trách nhiệm giám sát trực tiếp, đồng thời sử dụng hệ thống camera hỗ trợ để thực hiện công tác giám sát…

Bốn là, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Đề nghị Báo Hànôịmới tiếp tục tổ chức các tuyến bài viết về các điển hình tiên tiến, quảng bá những hình ảnh đẹp của người dân, ở các thôn, xã… tạo nên một bức tranh chung chân thực về nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.

Năm là, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện quy tắc ứng xử, vi phạm các quy định liên quan. Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với Hội Luật sư thành phố để hướng dẫn thực hiện các quy định, nghị định đã ban hành.

Sở Văn hóa và Thể thao đã phát động cuộc thi thiết kế không gian văn hóa tại các nhà hàng, quán cà phê, địa điểm công cộng… để người dân có thêm các không gian văn hóa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bùi Thị Thu Hiền khẳng định sẽ tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các địa phương để tiếp tục tham mưu cho Thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Trần Giang Nam (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) hỏi: Trong những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tốt. Đông Anh là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt việc tang văn minh trong nhiều năm. Xin cho biết thêm những kết quả cụ thể và những giải pháp căn cơ duy trì và tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh:

Năm 2019, huyện đã tổng kết 10 năm thực hiện tang văn minh, kết quả đến nay đã đạt 93,5% các hộ gia đình thực hiện hỏa táng. Một số địa phương thực hiện những mô hình tang văn minh hay, như việc thực hiện vòng hoa luân chuyển tại tổ 10 thị trấn Đông Anh, việc ăn uống ngày tang gần như không còn; 100% các thôn thành lập ban tang lễ tại thôn, cử cán bộ thôn tham gia, giúp đỡ gia đình có người thân qua đời.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, thời gian qua, huyện đã thực hiện các giải pháp để có được thành công trong việc thực hiện tang văn minh, đó là: Tuyên truyền vận động người dân (trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức được 2.000 tọa đàm, giúp người dân hiểu hơn ý nghĩa của việc thực hiện tang văn minh); xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền tại các làng, tổ dân phố; chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong cơ sở, bổ sung nội dung này vào các quy ước, hương ước của làng; thực hiện hỗ trợ hỏa táng...

Điểm mới nữa trong việc thực hiện tang văn minh tại huyện Đông Anh là việc quy hoạch nghĩa trang đồng bộ. Trên địa bàn huyện có 132 nghĩa trang đã được cải tạo đồng bộ, nâng cấp. Đây là giải pháp căn cơ và hiệu quả để giải quyết vấn đề quỹ đất đang ngày càng thu hẹp.

Bà Nguyễn Thị Hậu (huyện Thanh Trì) hỏi: "Thời gian qua, huyện Thanh Oai đã có những cách làm sáng tạo trong phong trào xây dựng, công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đề nghị ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai cho biết những đề xuất, kiến nghị của địa phương về những tiêu chí nâng cao để xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu?

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai: Thanh Oai là một trong những huyện ngoại thành, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, có mức thu ngân sách thấp của thành phố. Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 04 của Thành ủy, lãnh đạo huyện đã có sự quan tâm đặc biệt; ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho xây dựng văn hóa cơ sở.

Đến năm 2020, Thanh Oai đã có 90% hộ gia đình, 86% làng thôn và 75% cơ quan đạt danh hiệu văn hóa. Để tạo điểm nhấn, từ năm 2018, huyện có chủ trương xây dựng 4 Làng văn hóa kiểu mẫu. Đón nhận chủ trương này, các thôn đều phấn khởi, hào hứng và thể hiện trách nhiệm trong thực hiện.

Làng văn hóa kiểu mẫu xây dựng mô hình canh tác có hiệu quả từ 5.000m2 trở lên; các thôn có sân chơi thể thao tối thiểu từ 300m2 trở lên; có điểm tập kết rác sinh hoạt, bảo đảm khu dân cư được thu gom rác thải hằng ngày, không để ứ đọng trong các gia đình; có điểm tập kết vật liệu xây dựng tối thiểu 1.000m2 trở lên, không để tình trạng đi ô tô vào đổ gạch, cát trong làng nhằm bảo đảm cảnh quan; mỗi làng có 2 điểm đỗ ô tô từ 200m2 trở lên; mỗi làng có đường hoa, cây xanh; tổ chức tốt việc cưới, việc tang văn minh, thí điểm mỗi đám tang chỉ có 5 vòng hoa luân phiên...

Bạn đọc Trần Thùy Dương (quận Cầu Giấy) hỏi: Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vậy vai trò và phương thức khai thác, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện nay như thế nào để vừa bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, vừa giữ được những yếu tố truyền thống tốt đẹp của thiết chế văn hóa cơ sở.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương:

Với thực tế hiện nay, tôi xin đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong đó có việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Trước hết, việc xây dựng đời sống văn hóa liên quan đến một số công việc cốt lõi như: Xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng và nâng cao chất lượng của các thiết chế văn hóa; gây dựng và thúc đẩy hoạt động của các phong trào văn hóa; phát huy vai trò của nhà nước đồng thời với việc phát huy vai trò tự quản, giám sát của cộng đồng. Đây là các nhiệm vụ cơ bản của việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Hiện nay, xã hội đang ngày càng coi trọng giá trị đời sống văn hóa tinh thần. Để nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở thì trước hết, vai trò của truyền thông rất quan trọng, từ đó thấy được ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần làm cho con người sống tốt hơn, từ đó làm cho môi trường sống đẹp hơn, ứng xử đẹp hơn. Thứ hai, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, tổng kết thực tiễn, nhân rộng các điển hình tốt, hay, ý nghĩa. Thứ ba, nhà nước phải trở thành “bà đỡ”, nhà đầu tư cho nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người thanh lịch, văn minh. Thứ tư, huy động nguồn lực vật chất, tài chính, chú trọng nguồn lực của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong việc xây dựng thiết chế văn hóa. Thứ năm, kết hợp hài hòa vai trò hướng dẫn, quản lý, định hướng của nhà nước với sự chủ động, sáng tạo của người dân. Thứ sáu, cần coi trọng nâng cao năng lực của cán bộ văn hóa cơ sở thông qua bồi dưỡng, học tập các điển hình.

Bạn đọc Lan Hoàng Thảo (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Thời gian qua, khi 2 quy tắc ứng xử do UBND thành phố Hà Nội ban hành, đặc biệt là Quy tắc ứng xử nơi công cộng, các quận, huyện đã triển khai với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã mang lại những tác động tích cực tới nhận thức, hành động của người dân, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa Hà Nội. Nếu như quận Thanh Xuân xây dựng mô hình tổ dân phố "5 không" (không có rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không còn hộ nghèo) thì xã Cổ Loa, huyện Đông Anh lại xây dựng Đề án có tên rất đặc biệt: Đề án "Đẹp". Đề nghị huyện Đông Anh cho biết rõ hơn về đề án này?

Chị Nguyễn Thị Yến, công chức văn hóa xã hội xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Chị Nguyễn Thị Yến, công chức văn hóa xã hội xã Cổ Loa, huyện Đông Anh trả lời: Xã Cổ Loa tập trung thực hiện Đề án Đẹp, nằm trong đề án “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đề án này được triển khai tại cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, hộ gia đình. Ngoài việc niêm yết công khai nội dung Quy tắc ứng xử tại trường học, mô hình một cửa liên thông, di tích Cổ Loa… UBND xã Cổ Loa đã phát động các gia đình xây dựng vườn ươm các loại cây hoa giống.

UBND xã giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã chọn giống hoa, san lấp mặt bằng, xây dựng vườn ươm, thành lập tổ quản lý chăm sóc vườn ươm, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của nhân dân trên địa bàn xã, đội ngũ cán bộ của công chức, viên chức, các trường học trên địa bàn. Song song với đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã phát động phong trào xây dựng đoạn đường hoa, cổng rào có hoa. Qua hơn 20 buổi tập huấn về kỹ thuật, lý thuyết tại vườn ươm, xã ươm hơn 14 loại hoa với hơn 13.000 cây các loại. Người dân tại xã cũng hưởng ứng phong trào, thứ 7 hằng tuần tổ chức làm sạch vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, trồng hoa...

Đến nay, xã đã xây dựng được 22 đường hoa, các cơ quan trên địa bàn đều được trồng hoa, tạo không gian xanh, sạch, đẹp thân thiện môi trường.

Chị Nguyễn Thị Yến cho biết, mô hình Đề án Đẹp đã được huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội đánh giá cao. Mô hình đã không chỉ làm sáng lên nét đẹp của người Cổ Loa mà còn cho thấy những đổi mới tại Đông Anh, xứng đáng trở thành “miền quê đáng sống”.

Bạn đọc Đinh Thanh Hiền (Trường Đại học Thủ đô) hỏi: Sự đóng góp của các hương ước, quy ước, vốn là tập hợp các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, qua đó gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn số 2175/UBND-NC triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố. Vậy những hương ước, quy ước này có tác dụng như thế nào trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở?

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai: Hương ước, quy ước là những thiết chế gần gũi với người dân, dễ nhớ, dễ hiểu nên cần xác định những nội dung nào thực hiện có hiệu quả ở cơ sở để đưa vào. Ngoài ra, cũng cần cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật, các quy định về nông thôn mới, các quy tắc ứng xử của thành phố vào hệ thống quy ước, hương ước.

Thời gian vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai đã tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ngành để vận động xây dựng các quy ước, hương ước ở thôn, làng. Chúng tôi đã tham mưu các thôn, tổ dân phố thực hiện đồng loạt việc cập nhật thêm các quy định nói trên vào các quy ước, hương ước, đồng thời, có những văn bản hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” để người dân thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tính đến nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn đã thực hiện điều này.

Ngoài ra, chúng tôi còn gợi mở để các địa phương kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi từng gia đình thực hiện tốt quy ước, hương ước và gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết mọi mâu thuẫn của người dân ngay tại cơ sở.

“Nếu quyết liệt làm tốt hòa giải ở cơ sở thì các vụ việc sẽ được giải quyết nhanh gọn, giữ được sự bình yên của địa phương. Có nhiều vụ việc mâu thuẫn kéo dài nhiều năm ở tòa án nhưng khi cán bộ ở cơ sở vào cuộc hòa giải tích cực thì có khi 1-2 ngày đã có thể giải quyết xong mâu thuẫn”, ông Lợi cho biết.

Ông Nguyễn Đăng Xiển (quận Long Biên) hỏi: "Hà Nội đã ban hành kế hoạch để nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”. Các mô hình trên chính là yếu tố cốt lõi để hình thành nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Vậy cần phải làm gì để từng mô hình nêu trên phát huy được nội lực tại từng gia đình vốn là “tế bào” của xã hội, từng thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị?"

Bà Bùi Thị Mai Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đan Phượng.

Bà Bùi Thị Mai Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đan Phượng: Đan Phượng đã triển khai nhiều hoạt động để tạo chuyển biến mạnh mẽ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, sáng tạo các giá trị văn hóa và hưởng thụ giá trị văn hóa. Người dân cũng đã có ý thức tham gia bảo vệ phát huy các thiết chế và giá trị văn hóa đã có.

Huyện tuyên truyền làm rõ ý nghĩa giá trị truyền thống, làm cho người dân thấy rõ dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng giá trị văn hóa truyền thống vẫn mãi cần thiết với cộng đồng

Đan Phượng cũng chú trọng thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và tại nơi công cộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ: trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân.

Huyện cũng đã triển khai nhiều phong trào ứng xử văn hóa trong cuộc sống hằng ngày nói lời hay làm việc tốt. Các hoạt động, cuộc thi nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làng xóm sáng - xanh -sạch - đẹp được cán bộ, hội viên, đoàn viên các hội và đoàn thể cùng nhân dân tích cực tham gia...

Công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, tạo cảnh quan mới tích cực hơn. Hiện toàn huyện có 127/129 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, còn 2 nhà văn hóa chưa bố trí được quỹ đất; tuy nhiên đã bố trí dịa điểm sinh hoạt và nhiều di tích được trung tu, tôn tạo.

Ông Nguyễn Duy Nam (quận Hoàng Mai) hỏi: Quận Nam Từ Liêm là một trong những đơn vị được thành phố khen thưởng tại hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Vậy việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử đã có tác động như thế nào tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng để từ đó xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của Thủ đô?

Bà Đinh Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Bà Đinh Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm:

Việc ban hành 2 quy tắc ứng xử đã nêu ra được tất cả những chuẩn mực cơ bản để mỗi người trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày có định hướng, làm theo, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mỗi cán bộ, công chức là người đi tiên phong trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử, từ đó tạo sự lan tỏa đến từng người dân.

Quận Nam Từ Liêm đã thực hiện nhiều mô hình, trong đó có mô hình bộ phận tiếp nhận kết quả thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp. Mô hình này đã được nhân rộng ở nhiều phường trên địa bàn quận.

Trong quá trình triển khai mô hình này, quận Nam Từ Liêm tập trung thực hiện hai nội dung là giao tiếp ứng xử và giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, coi đây là giải pháp quan trọng. Để thực hiện hiệu quả hai nội dung này, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính rõ người, rõ việc trong nội bộ, thực hiện giao tiếp ứng xử văn minh. Hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân nào bị chậm trễ thì cán bộ công chức đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo. Quận Nam Từ Liêm cũng xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua hằng tháng đối với cán bộ công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Với nội dung giao tiếp ứng xử văn minh, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng 10 nguyên tắc ứng xử trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và quán triệt "ba không" gồm: Không để chậm trễ hồ sơ, không gây sách nhiễu phiền hà, không để người dân đi lại nhiều lần.

Kết quả triển khai thời gian qua cho thấy, việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Người dân đến làm thủ tục ứng xử văn minh hơn; công tác tiếp đón, thực hiện các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn. Đáng chú ý là khi các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, chính xác thì ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Để phát huy những kết quả này, thời gian tới quận Nam Từ Liêm sẽ tiếp tục thực hiện tốt 2 quy tắc ứng xử và sẽ cố gắng có nhiều cách làm hay hơn, mới hơn.

Bạn đọc Hoàng Ngọc Yến ở 28 Đoàn Thị Điểm, quận Đống Đa hỏi: "Hà Nội hiện có 1.206 lễ hội truyền thống trên tổng số hơn 8.000 lễ hội của cả nước. Làm sao để thực hiện công tác quản lý các lễ hội hiệu quả từng là một vấn đề nan giải trong nhiều năm đối với Hà Nội. Đề nghị cho biết những nét mới khi những nội dung của Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy nhiệm kỳ 2016-2020 được thẩm thấu vào đời sống tại cơ sở?"

Ông Hoàng Mạnh Tấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Đức.

Ông Hoàng Mạnh Tấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Đức: Những năm qua, thực hiện phong trào toàn dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, đời sống văn hóa của nhân dân huyện Mỹ Đức đã có nhiều thay đổi. Mỹ Đức có lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng kéo dài trên 3 tháng. Trước đây, vào mùa lễ hội xảy ra nhiều vấn đề phức tạp như: chèo kéo khách, bói toán, bán thịt tươi sống… Nhưng những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự hưởng ứng của nhân dân khi thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, những hiện tượng này cơ bản đã được loại bỏ.

Theo ông Hoàng Mạnh Tấn, thành công này có được là nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Từ khi có Quy tắc ứng xử nơi công cộng (từ tháng 3-2017), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với huyện tổ chức buổi tọa đàm về thực hiện Quy tắc ứng xử với sự tham gia của đại diện 22 xã, thị trấn trên địa bàn, sau đó nhân rộng việc tổ chức tọa đàm ra các thôn, mỗi thôn tổ chức một chuyên đề cụ thể phù hợp với địa phương mình.

“Chuẩn bị đến lễ hội chùa Hương, huyện lại thực hiện các lớp tập huấn; in hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền cho người dân và tại điểm di tích, tín ngưỡng. Với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, hoạt động lễ hội dần đi vào nền nếp”, ông Hoàng Mạnh Tấn nói.

Độc giả Lê Thị Hoàng Lan, quận Hoàn Kiếm hỏi: Với quận Hoàn Kiếm - “vùng lõi” của văn hóa Hà Nội, nơi các hoạt động thương mại, du lịch diễn ra sôi động thì việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai như thế nào? Đặc biệt, những nét đẹp, thanh lịch của Người Tràng An được kế thừa và phát huy ra sao để hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa?

Ông Đinh Sỹ Đạt, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm.

Ông Đinh Sỹ Đạt, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm: Cùng với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, bộ mặt đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày càng khang trang, dân số tăng nhưng nhiều nơi vẫn còn chật chội, ô nhiễm; hạ tầng được cải tạo nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ cấu dân cư phố cổ có nhiều thay đổi, nhiều khách du lịch, nhiều người từ nơi khác tập trung về gây áp lực cho quận Hoàn Kiếm, tác động trực tiếp tới cảnh quan, môi trường, lối sống, nét ứng xử của người dân… Một bộ phận người dân ứng xử văn hóa kém như chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, chèo kéo khách, nảy sinh các tệ nạn xã hội…

Thực tế, chúng tôi đã xây dựng đề án nhằm phát huy truyền thống, văn hóa ứng xử của người dân phố cổ với 5 tiêu chí, trong đó tập trung vào 2 tiêu chí chính là giao tiếp văn hóa và giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ 2009 đến nay, việc thực hiện đề án gắn với thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử đã nhận được sự ủng hộ của người dân, tạo phong trào sâu rộng thu hút đông đảo người dân tham gia và ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Quận Hoàn Kiếm cũng duy trì tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 04. Hằng tuần, Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra trên địa bàn 18 phường, nhắc nhở các vấn đề còn tồn tại cả về văn hóa và vệ sinh môi trường, thông tin tới lãnh đạo quận để khắc phục ngay các vấn đề còn tồn tại. Năm 2020, quận Hoàn Kiếm cũng làm tốt về việc xóa bỏ bếp than tổ ong. 18/18 phường đã vận động người dân chuyển đổi sang các loại bếp thân thiện với môi trường.

Chúng tôi cho rằng việc thực hiện đề án đã đi vào đời sống của người dân. Điều này có thể nhận thấy rõ trong đợt dịch Covid-19, khi Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện cách ly xã hội, dừng toàn bộ kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, người dân đã chấp hành rất tốt. Người dân cũng thể hiện tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau với nhiều nghĩa cử tốt đẹp.

Xem tiếp

Nhóm PV

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/984481/toa-dam-truc-tuyen-nang-cao-van-hoa-co-so-xay-dung-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh