Tọa đàm trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với COVID-19 của Việt Nam tới bạn bè Canada

Ngày 8/7, tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Canada (VCFA) phối hợp với Hiệp hội Canada-Việt Nam (CVS) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến 'Nhân dân Việt Nam – Canada ứng phó với COVID-19 chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam'.

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.

Buổi tọa đàm trực tuyến giúp các bạn bè và đối tác Canada có thêm thông tin về tình hình thực tế và kinh nghiệm chống dịch ở Việt Nam, cũng như quảng bá hình ảnh của Việt Nam trong việc bảo vệ người dân và xã hội.

Buổi tọa đàm trực tuyến có tương tác hai chiều khi được thực hiện qua phần mềm Zoom thu hút được gần 100 đại biểu từ hai nước Việt Nam – Canada tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu đã điểm qua tình hình COVID-19 tại Canada: tính đến ngày 7/7, Canada đã có 106.167 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.711 ca tử vong; Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho 38.000 người/ngày, trong đó 1% có kết quả xét nghiệm dương tính.

Đại biểu Canada tham dự tọa đàm.

Bà Elizabeth McIninch, thành viên ban điều hành CVS, cho biết: nhiều quốc gia hiện nay đang nỗ lực để quay lại trạng thái bình thường, trong bối cảnh thế giới tiếp tục thử nghiệm vaccine và thuốc điều trị COVID-19. Đối với Canada, Việt Nam có vai trò quan trọng khi là đối tác phát triển mạnh nhất của Canada ở Đông Nam Á, với thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những trung tâm quan trọng đối với các start-up trên thế giới.

Bà Elizabeth McIninch lạc quan khẳng định: “Bất chấp những thách thức của đại dịch lần này, con đường phía trước đang mở ra những cơ hội hợp tác to lớn cho nhân dân hai nước”.

Ông Thomas Alexander một người Canada sống tại thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá cao công tác chống dịch của Chính phủ Việt Nam. Ông chia sẻ: Trong cuộc chiến của Việt Nam với COVID-19, tôi ấn tượng nhất về tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Giới trách chức Việt Nam dường như đã sớm hiểu thấu được bản chất phức tạp của đại dịch. Người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều nhận ra các biện pháp cứng rắn là xác đáng. Tôi cảm thấy mình rất may mắn được có mặt ở đúng nơi và vào đúng thời điểm”.

TS. Vũ Ngọc Long, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã thông tin tới bạn bè Canada tổng quan về tình hình Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19. Ngày 8/7 ghi dấu 83 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ với bạn bè Canada cách tiếp cận liên ngành trong công tác phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 tại Việt Nam.

Lý giải về yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam có thể kiểm soát đại dịch COVID-19, đại diện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã khẳng định: Việc phản ứng nhanh đối với các trường hợp có dấu hiệu hoặc thậm chí không có dấu hiệu của việc lây nhiễm COVID-19 là yếu tố quan trọng nhất đối với các bác sỹ. Vì nguồn lực của họ có hạn nên việc phát hiện sớm sẽ giúp họ chăm sóc được đến từng người bệnh. Người dân đã tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của Chính phủ cũng như Bộ Y tế trong việc giãn cách, những quy trình theo đúng quy định.

Các đại biểu tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò của truyền thông. Các thông tin được truyền tải hàng ngày, hàng giờ và lặp lại liên tục từ các cấp: từ lãnh đạo Trung ương đến các Bệnh viện, nhân viên y tế, người dân… đều tiếp cận, cập nhật thông tin một cách đầy đủ để có thể tự chăm sóc và bảo vệ bản thân.

Một yếu tố làm nên thành công của Việt Nam trước đại dịch COVID-19 là ở tinh thần đoàn kết. Người Việt Nam cùng nhau chung tay tuân thủ theo hướng dẫn của Chính phủ nên việc kiểm soát đại dịch nhận được sự đồng thuận của người dân rất cao.

Đối với những trường hợp nghi nhiễm COVID-19, dù có dấu hiệu hay không có dấu hiệu thì đều được đưa đến các khu cách ly tập trung, được kiểm tra y tế 2-3 lần, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiệp hội Canada-Việt Nam tặng Bệnh viện Nhiệt đới trung ương hai tấm séc tượng trưng với số tiền 2.000 CAD.

Nhân dịp này, CVS đã gửi tặng Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhiệt đới trung ương số tiền 2.000 CAD cho mỗi bệnh viện. Đây là số tiền được CVS vận động bà con kiều bào ở Canada ủng hộ các bác sỹ Việt Nam ở tuyến đầu chống dịch.

Anh Vũ

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/toa-dam-truc-tuyen-chia-se-kinh-nghiem-ung-pho-voi-covid-19-cua-viet-nam-toi-ban-be-canada-112023.html