Tọa đàm: Trao đổi về xử lý cổ phiếu, cổ phần trong thi hành án dân sự

Sáng ngày 22.01, tại Cục Thi hành án dân sự (THADS ) Thành phố Hồ Chí Minh, Cục THADS phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm, trao đổi, giải đáp hướng dẫn về cách xử lý cổ phiếu trong thi hành án dân sự.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tham dự tọa đàm về phía Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có Bà Trần Anh Đào Phó Tổng Giám đốc và đại diện lãnh đạo phụ trách về quản lý thẩm định niêm yết thuộc sở. Về phía Cục THADS thành phố có Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục trưởng; lãnh đạo các phòng Nghiệp vụ 2, Nghiệp vụ 1, Văn phòng, Phòng Kiểm tra,Văn phòng Cục, Phòng Tổ chức cán bộ và toàn thể Chấp hành viên, Thẩm tra viên thuộc Cục… tham dự.

Theo số liệu báo cáo của Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh, về kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và kết quả thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự năm 2020, tổng số án phải thi hành là 361 việc, chiếm 6,23% so với cả nước, với số tiền 62.230 tỷ 599 triệu 688 nghìn đồng, chiếm 80,03% so với cả nước.Đã thi hành xong 133 vụ việc, đạt tỷ lệ 49,81%, với số tiền thi hành xong là 13.272 tỷ 082 triệu 082 nghìn đồng, chiếm 86,08% của cả nước, đạt tỷ lệ 33,44%.

Một trong những khó khăn trong quá trình xử lý tài sản trong các vụ trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đó là việc tài sản là cổ phần, cổ phiếu hiện nay chưa có quy trình hướng dẫn xử lý. Thực tế cho thấy tuy số vụ việc liên quan đến người phải thi hành án có cổ phần tại các công ty chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng vụ việc phải thụ lý của các cơ quan THADS nhưng trong quá trình giải quyết, Chấp hành viên còn gặp nhiều lúng túng bởi chưa có các hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn lớn, hàng năm thụ lý vụ việc và giá trị đứng đầu cả nước

Theo quy định tại Điều 92 Luật THADS 2014: Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.

Theo quy định của pháp luật, chứng khoán - như cổ phiếu của công ty đại chúng có thể được phép cầm cố theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc xác lập và xử lý cầm cố chứng khoán khá khác biệt so với quy định liên quan đến phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Các trao đổi, thắc mắc tại buổi tọa đàm tập chung vào một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án kinh tế tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước như: Các bước thực hiện theo quy trình xử lý; phong tỏa kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án; áp dụng các quy định như thế nào để không bị chồng chéo, đạt kết quả và đúng quy định của pháp luật; việc khớp lệnh, thực hiện theo quy định về thẩm định giá, bán đấu giá, xác định giá như nào; cơ sở nào để xác định giá khởi điểm; trình tự thủ tục xin phép - thủ tục này có phù hợp với Luật thi hành án?

Trao đổi tại buổi tọa đàm, bà Trần Anh Đào cũng thông tin về tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và một số quy định liên quan đến lĩnh vực này. Bà Đào cũng giải đáp về cơ bản một số thắc mắc của các đại biểu tham dự tại buổi tọa đàm về quy trình các bước thực hiện để xác định được cổ phần cổ phiếu của một cá nhân cụ thể…, một số tình huống có thể xảy ra, việc xác định về cổ phiếu chưa lên sàn giao dịch, các mã chứng khoán đã lên sàn, các trường hợp đăng ký vào hệ thống trung tâm lưu ký, thu hồi lại tất cả sổ cô đông bằng giấy...

Hiện nay, ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể tham gia thành lập, góp vốn vào các công ty, doanh nghiệp, nên số vụ việc liên quan đến cổ phần, cổ phiếu được dự báo trong tương lai sẽ có xu hướng tăng. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp lý về lĩnh vực này là rất quan trọng. Để hạn chế gây lúng túng cho Chấp hành viên, nâng cao hiệu quả THADS đồng thời giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục kê biên, xử lý phần vốn góp. Trong đó cần đặc biệt chú ý các vấn đề như cách xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm thi hành án, trình tự thủ tục bán đấu giá và chuyển nhượng phần vốn góp.

Cẩm Tú

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/toa-dam-trao-doi-ve-xu-ly-co-phieu-co-phan-trong-thi-hanh-an-dan-su-17408/