Tọa đàm thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Mở ra cơ hội lớn cho gỗ Việt

Sau 6 năm đàm phán, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU đã được ký kết vào ngày 19.10.2018. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền (ảnh) – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho gỗ Việt.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sau khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết?

- Mấy năm gần đây, thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới và số 1 châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đồ gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... Năm 2017, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 8,032 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp đã liên kết trồng rừng với người dân để đảm bảo tính hợp pháp của gỗ. Ảnh: T.L

Hôm nay 31.10, sẽ diễn ra tọa đàm trực tuyến “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ Việt Nam” do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức. Tại tọa đàm, những cơ hội và thách thức của gỗ Việt khi thực thi VPA/FLEGT sẽ được nhà quản lý, các chuyên gia phân tích, mổ xẻ.

EU được coi là một thị trường vô cùng quan trọng với gỗ Việt, vì vậy, việc ký VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ xuất khẩu trực tiếp vào 28 nước châu Âu mà không cần phải qua một nước trung gian nào. Thị trường sẽ rộng mở hơn, tôi dự đoán, trong vài năm nữa, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD.

Nhưng điều quan trọng hơn là theo tôi Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế, đặc biệt góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu.

Để đạt được kỳ vọng, theo ông, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ còn gặp phải những khó khăn gì khi thực thi VPA/FLEGT?

- Với VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp, dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu thì vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Điều này sẽ khiến chi phí tăng, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng.

Theo tôi, đây là một đòi hỏi tất yếu của thị trường thế giới, ví dụ ở Mỹ là đạo luật Lacey Act cũng với nội dung tương tự VPA/FLEGT về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ. Vì vậy, tự bản thân các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa trong mọi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, công nhân để thực hiện nghiêm túc việc này, từ đó giữ vững thị trường xuất khẩu.

Liên kết trồng rừng, nói không với gỗ bất hợp pháp

Theo ông, nguồn gốc gỗ hợp pháp có phải là một rào cản đối với doanh nghiệp Việt?

- Tôi không cho đó là một rào cản vì thực tế trong 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đã làm rất tốt điều này, gỗ nguyên liệu đều có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Năm 2015, các doanh nghiệp trong hiệp hội cũng đã ký cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp.

Điều đáng ghi nhận là, thay vì phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu vốn rất khó khăn trong quá trình tìm kiếm để đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, các doanh nghiệp đã chủ động liên kết với người trồng rừng để phát triển rừng bền vững, có chứng chỉ FSC.

Ví dụ, Công ty CP Lâm sản Nam Định (NAFOCO) đã thực hiện mô hình chứng chỉ nhóm hộ tại Yên Bình (Yên Bái) với quy mô khoảng 1.000 - 3.000ha, 494 hộ tại 5 xã của huyện tham gia. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 1.737ha.

Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đánh giá, NAFOCO còn hỗ trợ vốn hoặc tạm ứng cho các hộ trồng keo chứng chỉ từ năm thứ 6 trở đi nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn. Công ty cũng cam kết sẽ mua gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC cao hơn ít nhất 10% so với giá bán trên thị trường vào thời điểm giao dịch.

Cũng là nhà cung cấp chính của IKEA, từ năm 2016, Công ty Woodsland đã ký thỏa thuận liên kết trồng keo có chứng chỉ FSC với 197 hộ dân tại 3 xã Công Đa, Phú Thịnh và Tiến Bộ của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) với diện tích 848,09ha. Hiện toàn bộ diện tích này đã được cấp chứng chỉ FSC.

Với các làng nghề, việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp có là một khó khăn, thưa ông?

- Đúng là hiện các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn gốc gỗ do quy mô sản xuất chủ yếu hộ gia đình, trình độ công nghệ, lưu trữ thông tin còn hạn chế, phần lớn các sản phẩm đều tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhưng về lâu dài, dù là tiêu thụ ở đâu thì vấn đề đảm bảo tính hợp pháp của gỗ cũng phải được tuân thủ. Hiện, chúng tôi đang có dự án nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh tại làng nghề về FSC, một số làng nghề như Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) đang có sự chuyển biến rõ nét.

Hay Công ty TAVICO đã liên kết với một số hộ gia đình thuộc làng nghề gỗ tại Hố Nai (Đồng Nai) để sản xuất các sản phẩm đảm bảo chứng minh rõ nguồn gốc gỗ, được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong mô hình này, TAVICO chịu trách nhiệm đào tạo, nâng cao tay nghề cho các hộ; phối hợp với các hộ nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển kênh phân phối sản phẩm… Đổi lại, TAVICO cung ứng gỗ nguyên liệu đầu vào cho các hộ làng nghề.

Xin cảm ơn ông!

Giấy thông hành đặc biệt

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Hai bên chính thức đàm phán từ tháng 11.2011, kết thúc vào ngày 11.5.2017.

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU gồm 27 điều và 9 phụ lục kỹ thuật. Nội dung chính của hiệp định là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định EUTR 995 khi xuất khẩu vào EU. Đây được coi là “giấy thông hành đặc biệt” để các lô hàng gỗ của ta được tự do vào EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

P.V

Anh Thơ (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/toa-dam-thuc-thi-hiep-dinh-vpa-flegt-mo-ra-co-hoi-lon-cho-go-viet-926065.html