Tọa đàm tham vấn 'Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia'

Ngày 31/10/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm tham vấn 'Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia'.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó các Trung tâm đổi mới sáng tạo có vai trò đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến cho các nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, hiện đại để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình.

Trên thực tế, các Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có nhiều hạn chế, chưa tạo ra tác động đáng kể về công nghệ. Năm 2018, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam giảm 0,5 điểm, xếp thứ 82/138. Vì vậy, thực tiễn đòi hỏi Việt Nam cần có các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến để nhanh chóng đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ 4.0.

Với tôn chỉ, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản, đóng góp vào thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập sẽ là trung tâm vận hành hệ sinh thái Công nghiệp 4.0. Dự kiến, trong giai đoạn đầu, NIC tập trung vào một số lĩnh như nhà máy thông minh (bao gồm phần cứng và phần mềm), thành phố thông minh; công nghiệp nội dung số (trò chơi, quảng cáo, phim ảnh, âm nhạc… ); công nghiệp an ninh mạng (giải pháp an ninh để bảo vệ các hệ thống, mạng lưới dân sự, nhà máy, thành phố, cơ quan hành chính).

Để mô hình này được thành công cần có nhiều chính sách khác biệt và mới cho hoạt động của Trung tâm này. Theo đó, CIEM đề xuất thành lập NIC dưới dạng doanh nghiệp xã hội, 100% vốn tư nhân và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. NIC phải được đảm bảo hoạt động linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường, có thể nhanh chóng đi vào hoạt động và tạo ra kết quả cho nền kinh tế. Đồng thời, đảm bảo có thể tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước vì mục đích phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước.

Bên cạnh đó, NIC được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế cao nhất dành cho doanh nghiệp, được miễn tiền sử dụng đất trong 20 năm và được phép cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động cùng lĩnh vực thuê lại mặt bằng với thời hạn tối đa của pháp luật. Đặc biệt, NIC có quyền đại diện cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng làm các thủ tục hành chính và triển khai đầu tư hạ tầng cần thiết.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Theo dự kiến, quy mô của NIC là 23ha trong Khu CNC Hòa Lạc. Mặt bằng xây dựng: 90 nghìn m2 sàn với số vốn đầu tư làg 1.900 tỷ đồng (khoảng 82 triệu USD), trong đó 1.700 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 200 tỷ vốn lưu động. NIC được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày khởi công 2019 và có thể bắt đầu hoạt động từ năm thứ 2./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41342&idcm=49