Tọa đàm quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9

Ngày 19-11, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 (còn gọi là ga Hồ Hoàn Kiếm), thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Tham dự có nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quy hoạch…

Tại cuộc tọa đàm, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội một lần nữa khẳng định, vị trí đặt ga ngầm C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch được duyệt. Quy hoạch này đã được hình thành, phát triển nghiên cứu từ năm 2004 đến nay, thể hiện tính thống nhất, quá trình xuyêt suốt có tính kế thừa đối với các quy hoạch.

Thiết kế và phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, kết quả khảo sát địa hình, địa chất được thực hiện và thẩm định bởi các cơ quan chuyên môn đủ năng lực và thẩm quyền, đã được nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, xã hội, tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ, đề ra các biện pháp để giảm thiểu tối đa, phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực, đến cảnh quan, môi trường và công trình di tích trong quá trình thi công, bảo đảm giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử; bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn là những vật thể cấu thành không gian văn hóa Hồ Gươm và không gian phố cổ, không ảnh hưởng tới “không gian văn hóa của Trung tâm Thủ đô”.

Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Việc đặt ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ không ảnh hưởng đến di sản, mà còn góp phần phát huy giá trị di tích. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Ý… cũng đã xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và đặt các ga ngầm phía dưới các di sản. Nhất là với công nghệ tiên tiến như hiện nay, công tác thi công sẽ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến khu vực chung quanh. Do đó, các chuyên gia đề nghị sớm triển khai quy hoạch ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để bảo đảm tiến độ dự án.

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, vị trí ga ngầm C9 đặt ngay giữa khu vực phố cổ nên thu hút được nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia các nhà khoa học và trong đó có nhiều ý kiến trái chiều cũng là lẽ thường tình. Nêu quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Hồng Tiến ủng hộ vị trí ga C9 đã đưa ra và cho rằng, nên quyết để sớm đưa dự án vào triển khai, vì càng kéo dài thì dự án càng đội vốn lớn. TP Hà Nội nên dứt khoát đưa ra ý kiến, báo cáo Chính phủ và cho triển khai dự án.

Đồng tình quan điểm này, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đã trải qua 10 năm với hàng chục cuộc họp bàn về vị trí ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa thể phê duyệt. “Dự án đã qua 10 năm rồi nhưng vẫn chưa thể triển khai mà vốn vay ODA để càng lâu sẽ bị đội vốn. Đến giờ này vẫn còn tranh cãi về vị trí một nhà ga thì rất khó. Phải quyết đoán, duyệt phương án để đưa vào thực hiện” - KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38290802-toa-dam-quy-hoach-tong-mat-bang-ga-ngam-c9.html