Tọa đàm ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam

Chiều 29-5, tại TP Đà Nẵng, Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội đồng Tư vấn về Khoa học, giáo dục và môi trường tổ chức tọa đàm 'Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam'.

Đây là một chủ đề quan trọng được cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội quan tâm.

Theo thống kê của Bộ TN-MT, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, trong những năm qua, Bộ TN-MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện. Hiện Việt Nam có nhiều dự án điện rác nhưng phần lớn không mang lại hiệu quả.

Bãi rác Khánh Sơn

Bãi rác Khánh Sơn

Trong đó, Đà Nẵng được xem là địa phương đang có nhiều quan tâm đến dự án xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu), đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn chính xác công nghệ tối ưu và nhà đầu tư phù hợp nhất để giải quyết cơ bản và lâu dài bài toán ô nhiễm rác thải tại địa bàn.

Đề cập về công nghệ xử lý thải không chôn lấp của Việt Nam tại Đà Nẵng, TS Mai Huy Tân, giám đốc công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức cho hay, công ty Môi trường Việt Nam tại Đà Nẵng có một hệ thống xử lý bán cơ giới để phân loại rác. Các rác thải nhựa và túi ni lông được nấu và biến thành các loại như dầu, FO và RO,... và những chất thải khác được đốt và trộn với xi măng và một số phụ gia để ép thành vật liệu xây dựng không nung. Tuy nhiên chi phí để sản xuất ra những sản phẩm tương đối cao nhưng giá thành của các sản phẩm đầu ra sau khi tái chế thì thấp vì vậy mà dự án đã dừng lại.

Trước thực trạng ô nhiễm rác thải tại địa bàn, ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng nhìn nhận, khi đề cập loại công nghệ nào có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm thì các nhà chức tránh luôn quan tâm đến chi phí xử lý. Để hướng đến mục tiêu mà các nhà nghiên cứu đưa ra thì bài toán ngân sách luôn là vấn đề nan giải của các địa phương.

“Hiện nay Đà Nẵng vẫn đang xử lý theo phương pháp chôn lấp, chi phí Đà Nẵng chi trả cho 1 tấn rác để chôn lấp là 42.000 đồng/1 tấn, trong khi các loại công nghệ mà các nhà đầu tư giới thiệu cho thành phố thì không có loại nào dưới 20USD”, ông Hùng nhìn nhận.

Ông Tô Văn Hùng cho biết thêm, quy định tiếp cận với dự án đốt phát điện còn gặp nhiều trở ngại. Riêng việc đưa vào quy hoạch tham mưu điện lưới quốc gia thì cần tham mưu ý kiến của nhiều cơ quan trong thời gian dài. Để đưa ra một đàm phán, có hợp đồng và xác định giá trị đầu tư để xử lý rác là vấn đề lớn bởi hiện nay vẫn chưa có định giá về công nghệ xử lý. Đồng thời, việc tìm kiếm nhà đầu tư, kêu gọi cũng là khâu phức tạp để phù hợp với hoàn cảnh từng địa bàn.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/toa-dam-o-nhiem-rac-thai-va-giai-phap-phat-trien-cong-nghe-dien-rac-tai-viet-nam-664859.html