Tọa đàm 'Làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông cho xe khách?'

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Đặc biệt, tai nạn từ xe khách có chiều hướng gia tăng khiến những người thường xuyên phải di chuyển bằng phương tiện này hết sức lo ngại.

Phó Tổng biên tập báo Lao Động Phan Thu Thủy tặng hoa cho các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Trước thực tế này, sáng 6.11, Báo Lao Động phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thanh tra Giao thông Hà Nội và một số doanh nghiệp vận tải xe khách các tỉnh phía Bắc tổ chức buổi tọa đàm “Làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông cho xe khách?”.

Báo Lao Động hy vọng, tại tọa đàm hôm nay, các đại biểu có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe khách.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các khách mời:

- Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia

- Ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội

- Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội

- Thượng tá Trần Quốc Huy - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nam

- Ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Cty cổ phần xe khách Hà Nội

Tới dự chương trình còn có đại diện một số công ty vận tải ở khu vực phía Bắc.

Tai nạn giao thông xe khách - những con số giật mình

MC: Để có cái nhìn toàn cảnh hơn, chúng tôi xin mời ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia - trình bày báo cáo về tình hình trật tự an toàn giao thông của nước ta thời gian qua.

Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG:

Về tình hình TNGT:

- TNGT 9 tháng đầu năm (tính từ ngày 16.12.2017 đến 15.9.2018): Toàn quốc xảy ra 13.242 vụ TNGT, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. So với 9 tháng đầu năm 2017, giảm 1.120 vụ (giảm 7,8%), giảm 113 người chết (giảm 1,84%), giảm 1.467 người bị thương (giảm 12,45%);

Nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; vi phạm tốc độ xe chạy; do chuyển hướng không chú ý; vi phạm quy trình thao tác lái xe; sử dụng rượu bia…

Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG. Ảnh: Hải Nguyễn

Cũng theo ông Thái, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 38 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 137 người chết, 115 người bị thương, so với cùng kỳ 2017 giảm 13 vụ (-25,5%), giảm 17 người chết (-11,03%), giảm 30 người bị thương (-20,6%). Đặc biệt, trong quý III đã xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ôtô chở khách tại Kon Tum (16.6.2018), Cao Bằng (23.7.2018), Quảng Nam (30.7.2018) và Lai Châu (15.9.2018), làm 34 người chết, 37 người bị thương. Vụ TNGT tại Quảng Nam và Lai Châu có số người tử vong/1 vụ lớn nhất (13 người) trong 4 năm trở lại đây (kể từ vụ TNGT tại Lào Cai ngày 1.9.2014).

Các vụ TNGT nghiêm trọng trên, nguyên nhân trực tiếp chủ yếu do người lái xe. 4 vụ TNGT đều có phần nguyên nhân do sự chủ quan trong điều khiển phương tiện của người lái xe. Vụ TNGT ở Quảng Nam, người lái xe mệt mỏi, ngủ gật do làm việc quá thời gian quy định; 3 vụ còn lại đều có nguyên nhân từ thói quen chủ quan, không thực hiện nguyên tắc điều khiển xe đi đường đèo, xuống dốc dài, dẫn đến hệ thống hãm bị mất tác dụng, gây tai nạn.

Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ công tác quản lý. 3 trong số 4 vụ TNGT nêu trên (trừ vụ TNGT ở Lai Châu) các xe chở khách gây tai nạn đều vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (xe 34B 002.69 của nhà xe Đức Chính gây TNGT tại Đèo Lò Xo 3 ngày không gửi dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; xe 75B - 000.52 gây TNGT ở Quảng Nam khi không có giấy phép kinh doanh vận tải, chưa sang tên đổi chủ; xe 17K-8496 TNGT ở Cao Bằng không tìm thấy thiết bị giám sát hành trình nhưng cơ quan quản lý về vận tải cũng như lực lượng tuần tra, kiểm soát đều không phát hiện, xử lý kịp thời để xảy ra TNGT.

Một nguyên nhân khác cũng phải kể đến, hầu hết hành khách đi trên 4 xe ôtô chở khách gặp TNGT trong các vụ nêu trên đều không thắt dây an toàn, dẫn đến số lượng thương vong lớn.

Ông Nguyễn Trọng Thái cũng đưa ra hướng giảm TNGT, quan trọng nhất là có mô hình quản lý tốt cả cung và cầu. Đảm bảo cân đối cung cầu sẽ tránh được tình trạng phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách.

Ngoài ra, cần quản lý xe khách liên tỉnh theo mô hình quản lý xe buýt. Hoạt động vận tải tuyến cố định cần phải được Sở GTVT hai đầu/Tổng cục Đường bộ quản lý chặt chẽ không những về bến, thời gian xuất bến, lộ trình mà còn về thứ tự xe chạy, vị trí đón trả khách, thời gian biểu chạy xe tại các vị trí đón trả khách dọc đường. Hiện nay mới chỉ quản lý xe ở hai đầu bến, bởi vậy phương tiện tùy ý phóng nhanh tranh giành khách, hành khách không đón xe tại những điểm cố định... dẫn tới chất lượng dịch vụ kém, mất an toàn giao thông.

Bởi vậy hoạt động vận tải tuyến cố định cần phải được quản lý theo mô hình xe buýt: xe/ghế ngồi/dịch vụ vẫn là tuyến cố định liên tỉnh nhưng thứ tự các xe chạy trên tuyến, vị trí đón trả, thời gian đón trả khách cần được quản lý chặt chẽ theo đúng mô hình quản lý xe buýt hiện nay. Các nước tiên tiến đều làm theo cách này, không quốc gia nào cho phép xe tuyến cố định chạy tùy tiện không theo thứ tự, thời gian như hiện nay.

Để triển khai cần làm rõ các điều kiện để có thể quản lý, giám sát, vận hành các tuyến cố định theo mô hình xe buýt:

- Điều kiện hai đầu bến (điều kiện bến xe tuyến cố định cũng cần phải quy định rõ về các dịch vụ, đặc biệt là khả năng kết nối và cự ly với các điểm đầu cuối phát sinh chuyến đi của người dân) để bảo đảm khả năng phục vụ thuận tiện, không để ra vị trí xa lắc như hiện nay.

- Điều kiện các điểm dừng đỗ dọc tuyến cố định và thông tin xe đi xe đến tại từng điểm dừng đỗ là điều kiện bắt buộc để triển khai hoạt động vận tải. Trong trường hợp quỹ đất chưa cho phép làm theo quy chuẩn, có thể cắm tạm thời và có tổ chức giao thông hợp lý (sơn kẻ, gờ giảm tốc, biển báo)

- Các điều kiện khác tại Sở GTVT hai đầu: Để quản lý được xe liên tỉnh tương tự xe buýt thì cần những gì về thông tin, trang thiết bị, nhân lực.

Khi tổ chức quản lý và vận hành tuyến cố định theo mô hình xe buýt và có luân chuyển nốt thường xuyên theo nguyên tắc ngẫu nhiên/chia đều quyền lợi thì có thể bỏ hoàn toàn quy định này.

Cách thứ hai là tổ chức đấu thầu khai thác vận tải trên tuyến nhất định.

[Video] Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia nói về thực trạng TNGT 9 tháng đầu năm 2018:

MC: Những con số khiến chúng ta giật mình. Tai nạn giao thông xe khách đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân. Theo dõi những hình ảnh trong đoạn video của chúng tôi và những con số được cung cấp bởi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội có suy nghĩ gì?

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội: Tôi cho rằng, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông liên quan đến vận tải giao thông xe khách là một trong những yếu tố cần được quan tâm. Trong bối cảnh việc đi lại bằng phương tiện xe khách là nhu cầu cấp thiết, chúng ta phải có giải pháp, các ban ngành cần vào cuộc mạnh mẽ để hoạt động tham gia giao thông của nhân dân được đảm bảo an toàn.

Đối với Hà Nội, sau khi sáp nhập địa giới hành chính giữa Hà Tây và Hà Nội, lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn thành phố tăng lên nhanh chóng. Theo đó có khoảng 6,5 triệu phương tiện giao thông.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Thời gian qua, chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn giao thông vận tải hành khách lên hàng đầu. Trong đó, chủ động tham mưu với công an thành phố xây dựng những chuyên đề kế hoạch, tập trung xử lý những bất cập, vi phạm không đảm bảo an toàn đối với xe khách trên địa bàn TP.Hà Nội.

Ngoài lực lượng chủ công của CSGT, chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông để tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, lái xe khách, thường xuyên có hoạt động trao đổi với các đơn vị quản lý bến xe để xử lý những phương tiện xe khách ra-vào để có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Ngoài việc xử lý các phương tiện vận tải xe khách vi phạm, chúng tôi còn có số liệu theo dõi, thống kê để đánh giá được các chủ xe khách, nhà xe, lái xe nhiều lần vi phạm để có biện pháp kiến nghị với Sở GTVT đình chỉ những chủ xe vi phạm nhiều lần, hoặc kiến nghị thu hồi với những xe chạy tuyến cố định vi phạm nhiều lần.

MC: Mấy ngày nay, dư luận đang tranh cãi vụ việc xe 7 chỗ chở khách đi lùi trên cao tốc bị xe container đâm gây ra cái chết cho 4 người. Nguyên nhân xảy ra những vụ tai nạn thương tâm này. được cho là do tài xế xe 7 chỗ đã vi phạm nghiêm trọng quy định ATGT trên cao tốc và tài xế xe container cũng bị cọi là vi phạm và chịu mức án tù. Xin được hỏi ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội có bình luận thế nào về vụ việc này?

Ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội: Với Luật Giao thông đường bộ, đầu tiên phải nói đến người điều khiển Innova 16 chỗ đỗ xe trên đường cao tốc là đã vi phạm, thứ hai là việc lùi xe trên đường cao tốc là nguy hiểm đã gấp đôi.

Ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Đỗ xe trên đường cao tốc rất nguy hiểm nhưng lùi xe còn nguy hiểm hơn vì tốc độ xe container đang chạy đến và xe khách lùi lại. Việc xe container phanh được để đảm bảo không xảy ra vụ tai nạn là rất khó.

[Video] Ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội nêu quan điểm vụ xe 7 chỗ chở khách đi lùi trên cao tốc bị xe container đâm gây ra cái chết cho 4 người:

MC: Có ý kiến cho rằng, việc xảy ra những vụ tai nạn giao thông xe khách nghiêm trọng thời gian qua một phần do sự buông lỏng quản lý các tiện giao thông của cơ quan chức năng, xin hỏi Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng và Thượng tá Trần Quốc Huy có đồng tình với quan điểm này?

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội:

- Trước hết là yếu tố chủ quan của con người dẫn đến những vụ TNGT xe khách, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Lái xe là yếu tố quan trọng trong quá trình tham gia giao thông. Bên cạnh đó còn có những yếu tố khác như bố trí lái xe. Ở những tuyến đường dài, lái xe phải chạy xe trong một khoảng thời gian dài nên khá mệt mỏi, nhưng vì lợi nhuận, nhiều công ty không quan tâm, hoặc phớt lờ yếu tố an toàn dẫn đến những hệ lụy không đáng có.

Thứ hai, ở góc độ cấp giấy phép lái xe. Quá trình cấp giấy phép lái xe, có người tìm hiểu rất kỹ, chấp hành nghiêm túc, nhưng có những người chỉ cần 1 tấm bằng, cầm vôlăng rồi lái...

Thứ ba, liên quan đến bộ phận tổ chức giao thông. Lái xe không quen đường dẫn đến xử lý đoạn nguy hiểm không tốt, dễ xảy ra nguy cơ cao.

MC: Thưa ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội, từ thực tế thanh tra, kiểm tra, giám sát các phương tiện giao thông, ông có đồng tình với quan điểm của Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng và đưa ra không?

- Ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội: Tôi rất đồng tình với ý kiến, quan điểm của Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng và Thượng tá Trần Quốc Huy đã đưa ra.

MC: An toàn trong vận tải xe khách phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng, thái độ của tài xế. Thực tế, không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra gần đây nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cẩn của người cầm lái. Là những doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe khách, các ông có nhìn nhận gì về thực trạng này? Xin mời ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Cty Cổ phần xe khách Hà Nội

- Ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Cty Cổ phần xe khách Hà Nội: Là doanh nghiệp vận tải, chúng tôi cũng đồng tình với luận điểm của đồng chí Hùng, đồng chí Huy về an toàn giao thông. Về vấn đề tai nạn giao thông phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có yếu tố về chất lượng và thái độ người lái xe.

Ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Cty Cổ phần xe khách Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Thực trạng vận tải công cộng và vận tải xe khách thì bên cạnh doanh nghiệp có quy mô lớn được hỗ trợ kinh doanh vận tải bài bản còn có những doanh nghiệp nhỏ lẻ hộ cư dân. Có thể nói việc đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát và xử lí vi phạm của những đơn vị tư nhân, nhỏ lẻ không thể có điều kiện bằng các doanh nghiệp quy mô lớn. Tôi cho rằng chất lượng của lái xe, chất lượng công tác đào tạo là yếu tố cần quan tâm để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông cho xe khách

MC: Như ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG trình bày, nguyên nhân chủ yếu gây TNGT cho xe khách là ý thức chấp hành luật lệ ATGT của một số tài xế chưa nghiêm túc. Từ thực trạng trên, như mục đích của buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong lắng nghe giải pháp từ các vị khách mời, nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xe khách.

Thưa ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG, ông có “hiến kế” gì?

- Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG:

Để hạn chế TNGT, chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện bổ sung quy định về ATGT là cần thiết. Cần siết chặt chỉ tiêu về ATGT trong kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Quan trọng nhất là có mô hình quản lý tốt về cung cầu. Từ đó, đảm bảo cân đối cung cầu sẽ tránh được tình trạng phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách.

Nếu để tự do thì cần phải giảm sát chất lượng thật chặt chẽ, có giải pháp mạnh (đóng cửa) với các doanh nghiệp có nhiều vấn đề trong vận tải (có khiến nại, có vi phạm, tai nạn....).

Ảnh: Hải Nguyễn

Hoạt động vận tải tuyến cố định cần phải được Sở GTVT hai đầu, Tổng cục Đường bộ quản lý chặt chẽ không những về bến, thời gian xuất bến, lộ trình mà còn về thứ tự xe chạy, vị trí đón trả khách, thời gian biểu chạy xe tại các vị trí đón trả khách dọc đường. Hiện nay mới chỉ quản lý xe ở hai đầu bến, bởi vậy phương tiện tùy ý phóng nhanh tranh giành khách, hành khách không đón xe tại những điểm cố định... dẫn tới chất lượng dịch vụ kém, mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải cần chấp hành quy định về kinh doanh vận tải, lực lượng chức năng phát hiện xử lý nghiêm các đơn vị, các nhân vi phạm. Ví dụ, quy định xe chở khách được chở bao nhiêu, nếu quá số lượng sẽ xử phạt nặng.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông cũng rất quan trọng. Cần tập trung vào đối tượng xe khách, tập trung xử lý nghiêm vi phạm gây tai nạn như phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách… Cũng phải nói tới hành khách, khi tai nạn xe khách xảy ra, hầu hết hành khách đi trên xe đều không thắt dây an toàn, dẫn đến số lượng thương vong lớn.

Tóm lại, để hạn chế TNGT, chúng ta cần thực hiện nhiều cách đồng bộ. Có thể đưa ra đây một số lưu ý như hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan tới quản lý xe khách, xe tải và xe hợp đồng (đang dự thảo thay thế Nghị định 86), quy định xử lý trách nhiệm khi để xảy ra TNGT... tạo lập một thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, bền vững với tỷ lệ các loại hình vận tải hợp lý;

Tiếp tục giáo dục tuyên truyền sâu rộng tới doanh nghiệp, lái xe và người dân các quy định pháp luật có liên quan tới xe khách, xe tải; Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt nghiêm và truyền thông tốt với các vi phạm trong lĩnh vực xe kinh doanh vận tải; Phát huy vai trò của địa phương trong xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương (thu nhận thông tin đường dây nóng, xử lý vi phạm...); Phát huy vai trò của báo chí và người dân trong giám sát thực hiện.

MC: Như ông Nguyễn Trọng Thái vừa đánh giá, vai trò của lực lượng CSGT trong việc từng bước giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xe khách ra rất lớn. Thưa Thượng tá Trần Quốc Huy - Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nam, ông có giải pháp gì?

Thượng tá Trần Quốc Huy - Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nam: Trong những năm vừa qua, chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để có thể giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông.

Đầu tiên là làm tốt công tác tham mưu với các cấp chính quyền, tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với việc đảm bảo an toàn giao thông, phấn đấu giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Thứ hai, chúng tôi xây dựng thực hiện kế hoặc tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông tại các cụm địa bàn giao thông trọng điểm, trên phương tiện truyền thông, phát thanh, truyền hình để phổ biến pháp luật về an toàn giao thông. Đặc biệt là vấn đề đạo đức nghề nghiệp với đội ngũ lái xe.

Giải pháp tiếp theo là chúng tôi thực hiện ký cam kết trách nhiệm với các chủ xe xử lý lái xe, đặc biệt với lái xe chạy đường dài vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Thượng tá Trần Quốc Huy - Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Các đơn vị quản lý lái xe có thể mở lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cũng như xử lý các tình huống, kỹ năng, đạo đức của người lái xe. Việc này nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của lái xe, cũng như tự giác chấp hành các quy định pháp luật của người lái xe.

Tiếp theo là cần thực hiện nghiêm các quy định về việc khám sức khỏe đối với lái xe, không để tình trạng lái xe không đảm bảo yêu cầu được cấp giấy phép lái xe.

Giải pháp tiếp theo là chúng tôi luôn tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm. trong đó có việc sử dụng các camera giám sát để phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như chạy không đúng làn đường, không đúng vận tốc quy định, vi phạm các quy định về nồng độ cồn….

Giải pháp thứ 6 chúng tôi đưa ra là cần phối hợp với Sở GTVT để quản lý đội ngũ lái xe, chủ doanh nghiệp, đề nghị việc cạnh tranh phải diễn ra lành mạnh.

Trong những năm qua, số vụ tai nạn giao thông tại Hà Nam đã giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên tiềm ẩn tai nạn giao thông vẫn còn có nguy cơ. Bởi Hà Nam là một trong những tỉnh cửa ngõ thủ đô. Vì vậy, chúng tôi đã kết nối với 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, điều tiết lưu lượng các phương tiện đi qua tỉnh Hà Nam, đặc biệt là các dịp lễ tết để người dân tham gia giao thông được đảm bảo an toàn.

[Video] Thượng tá Trần Quốc Huy - Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nam nói về giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông:

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội: Ngoài những giải pháp mà các vị đại biểu đã đưa ra, tôi cho rằng để giải quyết vấn đề, nếu riêng lực lượng CSGT, dù có cố gắng đến mấy, mà các ban ngành không cùng vào cuộc thì cũng chưa đi vào thực chất.

Trong quá trình thực tế từ công tác giám sát đối với các phương tiện vận tải xe khách, cũng như xử lý các vụ tai nạn giao thông xe khách, chúng tôi cũng rút ra những kinh nghiệm và bài học.

Trước hết, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, phối hợp chặt chẽ liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là rất quan trọng.

Việc tuyên truyền với các chủ phương tiện cũng cần được quan tâm. Không nên vì lợi ích nhóm, vì yếu tố nào đó mà cạnh tranh không lành mạnh.

Với Hà Nội, vào năm 2016, chúng tôi cũng tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho hơn 22.000 lái xe và chủ doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải xe khách. Đồng thời cũng tổ chức cho các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, ký các cam kết chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường bộ và yêu cầu các lái xe thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, như: Không vòng vo đón khách, không sử dụng rượu bia khi lái xe, không chở quá số lượng người quy định, chạy đúng tuyến, đúng lịch trình…

Chúng tôi cũng phối hợp với Sở GTVT các tỉnh lân cận để có sự trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các phương tiện vận tải hành khách có những vi phạm chạy quá tốc độ.

Ngoài ra chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với ban quản lý các bến xe để nhắc nhở, xử lý những doanh nghiệp vận tải xe khách thường xuyên có vi phạm.

Chúng tôi cũng có đề xuất với các cấp lãnh đạo để lắp đặt hệ thống giám sát thời gian điều khiển phương tiện đối với xe khách, để tránh tình trạng lái xe căng thẳng, không tỉnh táo hay sử dụng rượu bia, chất kích thích tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ GTVT, các đơn vị có chức năng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần thực hiện nghiêm việc đào tạo về giờ giấc, bằng cho đội ngũ lái xe. Lồng ghép các nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với lái xe.

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng cần nâng cao chế tài đối với các vi phạm xe khách để đảm bảo tính răn đe. Trong trường hợp xe khách gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì cần có chế tài xử lý nghiêm, để các doanh nghiệp không dám đánh đổi, vì lợi nhuận trước mắt mà để lại hậu quả lâu dài cho xã hội.

[Video] Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội nói về giải pháp giảm thiểu TNGT:

MC: Báo Lao động đã từng có loạt bài điều tra về dịch vụ mua giấy phép lái xe rất lộn xộn ở Hà Nội. Đây được cho là nguyên nhân khiến những lái xe không đủ trình độ vẫn cầm lái và tính mạng của hàng chục, hàng trăm hành khách bị đe dọa. Xin được hỏi ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội – thực trạng này đã được giải quyết thế nào và Sở GTVT Hà Nội đã có giải pháp gì để xử lý triệt để?

- Ông Nguyễn Văn Tòng - Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội: Về tình trạng giấy phép lái xe giả, chúng tôi nghĩ đây là một phương thức lợi dụng vì lợi nhuận. Có cả những đăng kí ôtô cũng làm giả, chứng tỏ các đối tượng liên tục tìm cách kiếm tiền dể lừa đảo những người nhẹ dạ. Việc này tôi được biết Sở GTVT Hà Nội đã quán triệt, các cơ quan điều tra tìm ra các đối tượng, đồng thời đối với các trung tâm đào tạo chúng tôi cũng đã nhắc nhở, chấn chỉnh, quản lí chặt chẽ nhất từ khâu đào tạo đến khâu cấp bằng lái.

MC: Xe khách và xe hợp đồng là phương tiện rất đặc thù khi đằng sau vôlăng của mỗi lái xe là tính mạng, sức khỏe của hàng chục hành khách. Tuy nhiên, hiện nay, có thực trạng, ở TP.Hà Nội, xe khách len lỏi trong nội đô đón, trả khách trái phép, gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Lực lượng thanh tra giao thông và CSGT nên phối hợp như thế nào để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng này?

- Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội: Tình trạng xe khách, cụ thể là phương tiện dưới dạng Limousine hoán cải 16 chỗ xuống 10 chỗ đón trả khách trong nội đô diễn ra khắp nơi là có. Căn cứ các quy định hiện nay của Bộ GTVT, chúng tôi thấy còn bất cập trong việc quản lý, xử lý phương tiện này. Phòng CSGT Hà Nội có phát hiện những xe khách hoạt động sai quy định và đã tuyên truyền và xử lý nhưng chưa triệt để.

Việc các xe khách đón trả khách trong nội đô gây nên ùn tắc, gây tai nạn giao thông… là một thực tế đang diễn ra. Bên cạnh việc tăng cương tuyên truyền đến các chủ phương tiện giao thông, chúng tôi thường trao đổi thông tin giữa CSGT và Thanh tra giao thông để tăng thêm sự gắn kết trong việc quản lý xe khách nội đô. Thời gian tới, CSGT tiếp tục có những biện pháp mạnh để quản lý xe khách nội đô, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông trong nội đô.

MC: Thực tế nhu cầu sử dụng xe khách là phương tiện đi lại đang ngày một tăng cao. Theo ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Cty Cổ phần xe khách Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải cần phải làm gì để nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt làm thế nào để kiểm soát chất lượng tài xế, hành trình cầm lái trên đường di chuyển của đội ngũ lái xe trong doanh nghiệp của mình, góp phần đảm bảo an toàn cho hành khách?

- Ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Cty Cổ phần xe khách Hà Nội: Theo tôi, đầu tiên các doanh nghiệp vận tải cần siết chặt trong việc tuyển dụng lái xe, như vấn đề sức khỏe đầu vào. Đặc biệt cần tích cực thực hiện việc đào tạo, tuyên truyền, giáo dục pháp luật chod đội ngũ lái xe.

Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải cần thực hiện tốt việc quản lý về phương tiện, nâng cao chất lượng phương tiện qua hệ thống camera hành trình, kiểm soát được tốc độ của lái xe khách chạy trên đường.

Thứ ba, chúng tôi cũng có kiến nghị: Trong quá trình điều chỉnh, quy hoạch các tuyến, rồi xuất phát từ nhu cầu của hành khách gây ra vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Mong cơ quan quản lý nhà nước tăng cường việc quản lý để môi trường cạnh tranh lành mạnh.

MC: Tiếp tục buổi tọa đàm, rất nhiều cơ quan báo chí muốn đặt câu hỏi, trao đổi cùng các vị khách mời. XIn mời các phóng viên.

PV: Liên quan đến vụ xe Mercedes húc lan can cầu Chương Dương gây xôn xao dư luận đã cho thấy những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho làn xe máy đi trên cầu Chương Dương. Một số ý kiến cho rằng nên cấm hẳn xe ôtô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương vì hệ thống lan can trên cầu rất yếu. Tôi muốn hỏi Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng và ông Nguyễn Trọng Thái có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Trọng Thái: Chúng tôi cho rằng đây là vụ tai nạn giao thông hy hữu.

Tại sao tổ chức giao thông như vậy là do điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông qua cầu của Hà Nội còn hạn chế. Nhiều thời điểm lưu lượng mật độ khác nhau, nên Hà Nội có tổ chức ôtô đi vào làn xe máy.

Về nguyên nhân vụ tai nạn này, hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ để có công tác khắc phục. Qua việc này cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra lại để có biện pháp giải quyết, gia cố thêm.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng: Có thể nói đây là vụ TNGT hy hữu gây nên hậu quả nghiêm trọng. Mục tiêu trong vấn đề phân luồng giao thông lầ giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tối đa TNGT có thể xảy ra, với cơ sở hiện tại, khi mà các phương tiện từ điểm đi điểm đến đi qua cầu Chương Dương.

Thông qua vụ việc này, lan can cầu phải được gia cố khắc phục, xử lý làm sao để đảm bảo tối đa an toàn cho người dân.

Về ý kiến cấm hẳn ôtô đi vào làn hỗn hợp, đây cũng là một giải pháp cần lưu tâm.

Tùy từng thời điểm phối hợp với Sở GTVT, làm sao tổ chức lại giao thông hợp lý. Tuy nhiên tôi cho rằng không vì một hiện tượng mà đánh giá vấn đề, mà cần có sự nghiên cứu đánh giá.

PV: Hai ngày hôm nay, rất nhiều báo chí đưa tin về nhiều người dắt xe đi ngược chiều trên đường Tố Hữu cạnh ngã tư Lê Văn Lương (Hà Nội). Điều này đang tạo nên sự bất cập rất lớn. Không biết vụ việc này Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng đã có thông tin chưa và có biện pháp ngăn chặn giảm thiểu tình trạng này không?

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng: Sự việc này là thực tế và chúng tôi cũng đã nắm được. Tại cung đường đó đã tổ chức những điểm quay đầu, nhưng tâm lí của người dân tại khu vực đó không muốn đi lên phía trên để quay đầu nên người dân đi xe máy ngược chiều trên vỉa hè, nếu thấy sự có mặt của cơ quan chức năng thì xuống dắt xe, đây là một hình thức để chống đối.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông Hà Nội để tổ chức lại cho người dân đi lại thuận tiện, không phải đi quá xa nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông.

MC: Thưa ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, với chủ đề: “Làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông cho xe khách”, tọa đàm hôm nay đã có nhiều ý kiến quý báu từ các vị khách mời. Với vai trò là cơ quan giám sát về an toàn giao thông xin được hỏi ông Nguyễn Trọng Thái, ông có những khuyến cáo gì đến những tài xế và người dân để cùng thực hiện nghiêm túc Luật An toàn giao thông?

- Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia: Với mong muốn giảm thiểu số ca TNGT rất cần sự vào cuộc mạng hơn nữa của lực lượng CSGT, các ngành chức năng, doanh nghiệp vận tải…

Đối với Cty vận tải cần tuyên truyền nâng cao kiến thức cho lái xe. Đội ngũ lái xe rất quan trọng khi tham gia giao thông. Do đó, đội ngũ này cần được nâng cao kỹ năng, đặc biệt là lái xe qua các đoạn đường dốc, nguy hiểm. Lái xe cần tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông như không uống bia rượu, có sức khỏe… Bên cạnh đó, cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lái xe. Hiện nhiều lái xe tử vong trong các vụ TNGT, từ đó xác định rõ đạo đức nghề nghiệp lái xe.

Doanh nghiệp vận tải quan tâm đến đời sống của lái xe. Lái xe vốn là nghề vất vả, họ rất cần được quan tâm hơn để yên tâm làm việc. Ngành giao thông cần nâng cao quản lý, kiểm soát các phương tiện giao thông.

Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan tới quản lý xe khách, xe tải và xe hợp đồng (đang dự thảo thay thế NĐ 86), quy định xử lý trách nhiệm khi để xảy ra TNGT... tạo lập một thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, bền vững với tỷ lệ các loại hình vận tải hợp lý. Cần lắp đặt thêm thiết bị để có thể xử phạt nguội với các phương tiện vi phạm. Hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ hạn chế TNGT xảy ra.

Đối với hành khách nên đi tại bến và các điểm đón trả khách quy định và nhớ thắt dây an toàn trên xe ôtô.

MC: Vâng xin cảm ơn những chia sẻ của những vị khách mời!

Qua 90 phút thảo luận tại buổi tọa đàm, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến, phân tích nguyên nhân cũng như đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xe khách.

Nhiều ý kiến có nội dung tốt, mang tính giải pháp tích cực đã được đưa ra. Báo Lao Động hy vọng những thông tin này sẽ đến với đông đảo bạn đọc, đặc biệt là anh em lái xe hằng ngày vận tải khách trên khắp các tuyến đường trong cả nước. Mong mỗi cá nhân hãy tham gia giao thông một cách kỷ luật và văn hóa hơn, góp phần đẩy lùi nỗi kinh hoàng về tai nạn giao thông vẫn đang đe dọa cuộc sống của mỗi người.

[Video] Những vụ tai nạn xe khách thảm khốc từ đầu năm 2018:

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhóm PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/live-toa-dam-lam-the-nao-de-giam-thieu-tai-nan-giao-thong-cho-xe-khach-639930.ldo