Tọa đàm 'Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng': Kiến nghị hàng loạt chính sách hỗ trợ

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành du lịch, các bộ - ngành, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã kiến nghị hàng loạt chính sách hỗ trợ, đang chờ Chính phủ thông qua.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tại tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách", ngày 23-12.

Sau khi lắng nghe các doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh dưới tác động của đại dịch Covid-19, khó khăn về vốn tín dụng, tiếp cận các gói hỗ trợ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết những ý kiến này có thể được bộ tổng hợp để trở thành khung chính sách, trình Chính phủ trong thời gian tới.

Với khó khăn của doanh nghiệp, thực tế vốn luôn mang tính chất quyết định vì doanh nghiệp muốn phát triển phải có vốn. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, khi ban hành chính sách về tín dụng cũng đã cung cấp đủ, kịp thời các nguồn vốn cho các thành phần kinh tế.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tại tọa đàm

Vậy các chính sách này có chậm với doanh nghiệp không? "Thực sự là không chậm, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đã có nhiều cuộc khảo sát cho thấy trong thực tiễn có nhiều doanh nghiệp du lịch cần vốn, nhưng cũng có những doanh nghiệp không biết dùng vốn làm gì. Đây là nghiệt ngã của thị trường. Vì khi thị trường khách quốc tế đóng băng, vay vốn để làm gì, chuyển đổi mô hình cũng không hẳn hiệu quả. Nên bài toán sử dụng đồng vốn cũng cần tính toán kỹ" - ông Hùng phân tích.

Về những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước, phối hợp các bộ - ngành sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay… cho các doanh nghiệp. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư này.

Về chính sách đối với doanh nghiệp lữ hành, Bộ VH-TT-DL là cơ quan chủ trì đề xuất, đến nay cũng đã báo cáo trình Chính phủ kiến nghị giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành (số tiền ký quỹ hiện nay từ 100-500 triệu đồng tùy loại hình doanh nghiệp) và sẽ giảm trong 2 năm để tạo dòng tiền hỗ trợ doanh nghiệp.

"Hiện các bộ, ngành đang họp bàn, thống nhất để trình Chính phủ sớm ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa đề xuất các chính sách hỗ trợ cần được chỉnh sửa để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn

Chia sẻ về giải pháp để các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ từ ngân sách, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết thực tiễn những chính sách hỗ trợ cần sửa đổi nhiều hơn để doanh nghiệp tiếp cận được. Đơn cử, Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vừa rồi được sửa đổi nhưng chưa đủ.

"Chúng ta vẫn sợ lợi dụng chính sách nên quy định rất chặt chẽ, nhưng đây lại là rào cản doanh nghiệp tiếp cận vốn" - lãnh đạo Sở Du lịch TP nói.

Dẫn chứng cho điều này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết để hưởng chính sách về Bảo hiểm xã hội thì phải chứng minh khoảng 50% lao động của mình cho nghỉ việc, nhưng trên thực tế, DN phải giữ chân người lao động, chỉ tạm nghỉ không hưởng lương thì không được hưởng chính sách này.

Người lao động muốn được hưởng theo Nghị quyết 42 thì phải chứng minh không còn khả năng trả lương, kể cả dùng quỹ dự phòng, và người lao động được hưởng chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, mà mỗi quận - huyện có cả hội đồng xét duyệt… Qua quá nhiều thủ tục chặt chẽ như vậy, quy định rất khó đi vào cuộc sống.

Do đó, các DN mong muốn cần tiếp tục sửa đổi để các chính sách đi vào cuộc sống, nhất là nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, phí, lãi suất, điện nước, internet…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, khẳng định ngành ngân hàng trên địa bàn TP không thiếu vốn cho doanh nghiệp

Về vốn tín dụng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho hay ngành ngân hàng đã có cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng nhất, với lãi suất tốt nhất.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP khẳng định ngành ngân hàng trên địa bàn không thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng TP đặt ra trong năm nay là 14%. Tính đến 11 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đạt trên 8%, như vậy dư địa cho vay còn khoảng 6% (tương đương khoảng 124.000 tỉ đồng các ngân hàng thương mại có thể bơm ra thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịp cuối năm).

"Ngành ngân hàng TP khẳng định không thiếu vốn cho tất cả đối tượng doanh nghiệp. Các ngân hàng không được từ chối khách hàng có nhu cầu vay, nếu đáp ứng đủ điều kiện" - ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

Thái Phương. Ảnh: Tấn Thạnh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/toa-dam-ket-noi-doanh-nghiep-du-lich-va-ngan-hang-kien-nghi-hang-loat-chinh-sach-ho-tro-20201223174401309.htm