Tọa đàm giới thiệu tập thơ 'Quá một như không' của Trần Hưng

Sáng 11/11/2020, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Viết văn, Báo chí phối hợp với Nhóm thơ FACEBACH tổ chức tọa đàm, giới thiệu tập thơ 'Quá một như không' của nhà thơ Trần Hưng.

Bìa tập thơ “Quá một như không” và chân dung nhà thơ Trần Hưng.

Bìa tập thơ “Quá một như không” và chân dung nhà thơ Trần Hưng.

Tham gia tọa đàm có nhiều nhà nghiên cứu, lí luận phê bình văn học, như PGS. TS Đỗ Lai Thúy, PGS. TS La Khắc Hòa, PGS. TS Trương Đăng Dung, PGS. TS Ngô Văn Giá, TS ĐỗThị Thu Thủy… nhiều nhà nhà thơ, nhà văn, như Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Đăng Bảy, Phùng Văn Khai, Nguyễn Văn Học, Hoàng Xuân Tuyền, Thi Nguyên… các thành viên của nhóm thơ Facebach; sinh viên ngành Sáng tác văn học của Khoa Viết văn, Báo chí và đông đảo bạn đọc yêu thơ.

Trần Hưng được biết đến từ phong trào thơ đình đám ở Hà Thành những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi anh còn là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Sau gần ba thập kỉ, Trần Hưng vẫn vẹn nguyên niềm đam mê và “thủy chung như nhất” với thơ ca , nhưng không xuất hiện nhiều trên thi đàn. Anh ém mình để chín đến độ, để đủ biện bày cho độc giả yêu thơ một bữa tiệc thơ với nhiều sắc điệu của nghệ thuật và cảm xúc. Và “Quá một như không” trình hiện như kết quả viên mãn của “mối tình thế kỷ” với thơ của anh. Tập thơ “Quá một như không” gồm 48 bài, được chia làm hai phần: Phần Một và Phần Không. Từ phần Một đến phần Không là một hành trình thơ với hai chặng vừa riêng vừa thống nhất, xuyên suốt với những rong ruổi, trải nghiệm, tìm kiếm và sáng tạo.

Mở đầu phần nội dung tọa đàm, TS Mai Anh Tuấn (trong vai trò điều hành, dẫn dắt buổi tọa đàm) khẳng định, Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) luôn cẩn trọng trong việc giới thiệu những tác phẩm văn chương mới và chỉ tổ chức giới thiệu sau những quan sát, theo dõi và đọc kĩ về các hiện tượng văn chương Việt Nam đương đại cũng như lắng nghe những tiếp nhận, phê bình xung quanh các hiện tượng văn chương đó.

Do vậy, mục đích của buổi tọa đàm là mong nhận được các ý kiến trao đổi để tiếp tục làm rõ những giá trị nghệ thuật của tập thơ “Quá một như không” và nhận diện phong cách, gương mặt thơ Trần Hưng trong bối cảnh thơ ca Việt Nam những năm gần đây.

Là người có ý kiến trao đổi đầu tiên, PGS. TS Ngô Văn Giá cho rằng, qua “Quá một như không” có thể phác thảo được “gương mặt thơ Trần Hưng” với những dấu ấn như “tâm thế sáng tạo với vẻ ngoài rất thong dong nhưng bên trong nhiều suy tư, dằn vặt về đời sống và thân phận người”, “một giọng điệu thơ riêng (đi giữa giọng chơi giỡn và suy tư) và rất dụng công vào câu chữ, hình ảnh để tạo ra sự mới lạ về ngôn từ”.

Nhà thơ Trần Hưng (áo trắng) cùng bạn văn, bạn thơ trong buổi tọa đàm.

Cùng mạch nhận diện cốt cách thơ Trần Hưng, PGS. TS Đỗ Lai Thúy cho rằng, “chất tạo nên thi sĩ Trần Hưng là tinh thần “đứa trẻ - thi sĩ”. Nói cách khác, người thơ Trần Hưng trong “Quá một như không” là hợp thể “đứa trẻ - người lớn”. Tinh thần “đứa trẻ” trong thơ Trần Hưng là cảm xúc luôn ngỡ ngàng trước cuộc sống và ham muốn tìm hiểu cuộc sống đó còn tinh thần “người lớn” là chất suy tư sâu sắc”. Ở một quan sát khác, PGS. TS La Khắc Hòa nhận đình Trần Hưng có hướng đi riêng trong các hướng đi của văn học đương đại. Theo ông, văn học Việt Nam những năm nửa cuối thế kỷ XX nói chung, thơ ca Việt Nam giai đoạn này nói riêng đi theo ba hướng: hướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (quay trở lại với hệ thống từ chương, viết theo các mã và nội dung có sẵn), hướng lấy mĩ học của thơ mới làm điểm xuất phát(đi lên chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại) và hướng hiện-đại cổ điển (hoàn thiện và phát triển mĩ học của Thơ mới). Trần Hưng đi theo hướng thứ ba. Toàn bộ cố gắng cách tân của Trần Hưng dồn vào từ pháp trên cơ sở mĩ học của Thơ mới.

Nhiều ý kiến trao đổi trong buổi tọa đàm cũng đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong lao động nghệ thuật của Trần Hưng qua việc lắng nghe và quan sát diễn biến của thể loại. Ở “Quá một như không”, Trần Hưng thể hiện những thể nghiệm/trải nghiệm phong phú về thể loại, từ thơ tứ tuyệt, thơ cách luật, thơ tự do đến thơ Haiku và đặc biệt là thơ lục bát. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, cái tạng của Trần Hưng chắc chắn là thơ lục bát.

Thơ lục bát của Trần Hưng đã rẽ đi một lối đi rất khác với cách lao động chữ, lao động câu rất tinh tế và mới. Phong cách dân gian và phong cách cổ điển cứ đan vào nhau, điệu nói của dân gian đôi khi lấn át giọng nói cổ điển. Anh viết một cách tung tẩy, giễu nhại (chất dân gian) nhưng tầng sâu của Trần Hưng trên bề nổi của lớp ngôn từ, giọng điệu giễu nhại đã chạm tới triết lí, suy tư.

PGS. TS La Khắc Hòa cũng nói thêm rằng: “Trần Hưng có cách xử lí chất liệu cực kì chuyên nghiệp, biến lục bát thành hiện tượng câu thơ. Trần Hưng mang lục bát ra chơi, rất sâu sắc. Chơi, tự khắc là cách tân”.

Nói về mình, Trần Hưng bộc bạch những đoán định và niềm tin khiến anh kiên trì dấn bước trên hành trình thơ rằng: “Thơ ca có con đường riêng của nó trong đời sống tinh thần của xã hội ngày nay. Nó thanh sạch hóa đời sống tinh thần, giúp giải tỏa những áp lực của đời sống đương đại. Nên thơ ca từ chỗ là cứu cánh nghệ thuật trở thành cứu rỗi tinh thần”.

Như vậy, có thể nói thơ và hành trình thơ của Trần Hưng đủ là một hiện tượng thơ ca Việt Nam đương đại, đủ sức “đánh động, khiến chúng ta giật mình suy nghĩ nghiêm túc về thơ, khe khắt hơn với công việc sáng tạo nghệ thuật” (Phùng Văn Khai).

Đoàn Tiến Lực

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/toa-dam-gioi-thieu-tap-tho-%E2%80%9Cqua-mot-nhu-khong%E2%80%9D-cua-tran-hung-80576