Tọa đàm 70 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào

Trên tinh thần tự nguyện, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, được sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng Lào, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Sáng 23/10, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào tổ chức Tọa đàm với chủ đề “70 năm nghĩa tình son sắt”.

Tọa đàm được tổ chức nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cùng những chiến công, đóng góp to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đối với sự nghiệp cách mạng của hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Bên cạnh đó, tọa đàm còn góp phần khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung, Việt Nam-Lào nói riêng; đồng thời là tình cảm, mong muốn chung của nhân dân 3 nước trên bán đảo Đông Dương.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, trên tinh thần tự nguyện, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, được sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng Lào, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào; bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Bun Lua, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam; ông Huỳnh Đắc Hương, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; cùng các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Ngoại giao; Tổng cục Chính trị; các quân khu, binh chủng, quân chủng, các học viện, nhà trường; các tướng lĩnh, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn phát biểu đề dẫn tại tọa đàm

“Giúp bạn là mình tự giúp mình”

Tại buổi tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên ủy viên TW Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Phó trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào nhớ lại trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Khi đó, thực dân Pháp lợi dụng thế yếu của Lào đã mở hai mũi tấn công theo đường 8 và đường 9 nhằm hai mục đích đánh chiếm địa bàn Trung Lào, thọc sâu vào đánh chiếm địa bàn Quân khu 4 của Việt Nam. Nhận rõ ý đồ của địch, lãnh đạo Khu 4 lúc bấy giờ đã kịp thời huy động một lực lượng vượt Trường Sơn sang phối hợp với lực lượng vũ trang Lào ngăn chặn và tiêu hao tiêu diệt địch ngay trên đất Lào, giữ thế cho căn cứ hậu phương bạn, đồng thời bảo vệ sườn phía Tây của quân khu. Liên minh chiến đấu tự nhiên của lực lượng vũ trang hai bên đã dần hình thành từ đó. Cuộc kháng chiến ngày một phát triển, theo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ đối với tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế trong sáng.

Ngày 30/10/1949, tổ chức "Quân tình nguyện Việt Nam" ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến của hai dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Giúp bạn là tự giúp mình. Từ đây, cuộc kháng chiến của hai dân tộc bước sang một trang sử mới. Trên địa bàn Quân khu 4 nhiều tiểu đoàn lần lượt ra đời, vượt Trường Sơn sang sát cánh cùng các lực lượng vũ trang Bạn, vừa dẫn dắt hướng dẫn lẫn nhau, vừa vận động nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp, vừa phối hợp chiến đấu ngày một hiệu quả. Liên quân Lào Việt trên hướng Quân khu 4 ngày càng phát triển cùng với sự trưởng thành của quân đội hai bên, báo hiệu một thắng lợi của cuộc kháng chiến trên hai chiến trường.

“Từ thực tiễn qua giai đoạn chiến tranh cũng như xây dựng trong thời bình, khẳng định một điều là sự phát triển của hai nước, giữa hai quân đội do đặc điểm truyền thống, địa lý và chiến lược, là có tính quy luật được Đảng và Bác Hồ vun đắp xây dựng nên sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong suốt quá trình cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào, Quân khu 4 với các địa phương và quân đội Lào”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (thứ 2 từ trái sang) tại tòa đàm

Cũng cùng quan điểm với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho rằng, thắng lợi của cách mạng Việt Nam và chiến thắng trên chiến trường Lào, đã làm thay đổi tương quan lực lượng, có lợi cho sự phát triển của cách mạng Lào. Tổng Quân ủy Trung ương, đã chỉ đạo lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng LLVT yêu nước Lào, tập trung xây dựng Chính quyền cách mạng, bảo vệ chống địch lôi kéo khủng bố nhân dân, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng hậu phương cách mạng Lào vững mạnh.

Thực tế trong hai cuộc kháng chiến, hậu phương của cách mạng Lào cũng cũng là hậu phương của Quân tình nguyện Việt Nam. Trên chiến trường Lào cán bộ chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam luôn gắn bó, gần gũi mật thiết với cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào. Nhân dân các bộ tộc và Quân đội giải phóng nhân dân Lào, gắn bó với Quân tình nguyện Việt Nam như ruột thịt. Sự hòa quyện của hai dân tộc Việt và Lào, xuất phát từ quan hệ nhân sinh. Hai dân tộc cùng chung dãy Trường Sơn, và trong không gian sinh tồn chung đó chưa bao giờ xảy ra binh đao tranh chấp. Sự hòa quyện của hai dân tộc Việt và Lào còn được vun đắp, phát triển bởi chiều sâu lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Nâng tầm quan hệ Việt – Lào

Tham luận tại tọa đàm, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng: Cần phải tăng cường đối ngoại nhân dân. Hơn bao giờ hết, hai Đảng, hai Nhà nước phải coi việc giáo dục người dân hai nước là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là thế hệ trẻ, về truyền thống lịch sử dân tộc, về sự cần thiết, cũng như tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, để họ hiểu được trách nhiệm của mình, nhiệm vụ của mình trong việc kế tục tài sản vô giá mà các thế hệ cha ông hai nước đã tốn không biết bao xương máu để gây dựng, giúp chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Việt Nam nhấn mạnh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đòi hỏi nhân dân Việt – Lào phải tăng cường và phát triển mối quan hệ lên một bước mới theo hướng toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, quan hệ liên minh hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh là một bộ phận rất quan trọng. Trước tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt - Lào có nhiều thuận lợi mới nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ thử thách khó lường thì việc nâng cao phát huy hơn nữa mối quan hệ đặc biệt là yêu cầu nhiệm vụ bức thiết cần được đặc biệt coi trọng nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân mỗi nước và của nhân dân ba nước.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

PGS,TS Đàm Đức Vượng, nguyên Chuyên gia Việt Nam tại Lào, Trưởng Ban Biên soạn bộ Văn kiện và Hồi ký Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào chia sẻ tại tọa đàm rằng, cần nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào lên tầm cao mới qua các bản hiệp định, hiệp nước.

Tầm cao mới được nâng lên qua các hiệp định, hiệp ước phải được dựa trên những nguyên tắc bảo vệ độc lập dân tộc và giữ gìn an ninh quốc gia của mỗi nước, xem đó là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước; tiếp tục cam kết hết lòng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn công cuộc lao động, hòa bình, an ninh quốc gia của nhân dân mỗi nước, chống mọi âm mưu và hành động phá hoạt của lực lượng xâm lược, phản động nước ngoài và các thé lực thù địch; chống “diễn biến hòa bình”.

Mọi vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, có lý, có tình. Sự phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục tạo tiền đề cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam nâng lên tầm cao mới.

Tọa đàm nhận được gần 30 tham luận của các lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà ngoại giao, các cựu chiến binh; cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên… của nước bạn Lào đang công tác, học tập tại Việt Nam.

Tọa đàm cũng khẳng định, các thế hệ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quân tình nguyện và phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời không ngừng vun đắp, tăng cường, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời kỳ mới, vì tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc.

Nhóm PV

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/toa-dam-70-nam-ngay-truyen-thong-quan-tinh-nguyen-va-chuyen-gia-viet-nam-tai-lao-90752.html