Tòa án sẽ là chỗ dựa vững chắc cho người dân

Ai đã từng một lần đến Gia Lai, một lần đắm say trong tiếng còng chiêng, bên ché rượu cần thì khó lòng quên được mảnh đất này. Giữa mênh mông bạt ngàn sương - núi, tình người giữa đội ngũ cán bộ Tòa án và nhân dân như xích lại gần nhau hơn, vì nhau hướng đến những điều tốt đẹp...

Thân thiện, gần gũi, nhiệt tình và tận tâm... là những gì người dân vùng núi Gia Lai nhận xét về những cán bộ Tòa án. Đối với họ, cán bộ Tòa án chẳng khác nào những người thân trong gia đình. Chẳng vậy mà bất cứ lúc nào người dân không bằng lòng một điều gì đó thì họ luôn tuyên bố “để tôi hỏi cán bộ Tòa án”. Chính sự tận tâm của mỗi cán bộ Tòa án nơi đây khi gần dân, hiểu dân đã được dân mến, dân yêu, dân tin tưởng.

Gia Lai có nhiều dân tộc sinh sống, tuy nhiên trình độ dân trí của người dân còn thấp, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn chưa cao. Để nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho người dân, TAND tỉnh Gia Lai đã có nhiều chương trình ý nghĩa như kết nghĩa buôn, làng, thôn… để từ đó định hướng người dân đến sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Lãnh đạo hai đơn vị Tòa án Gia Lai và Chăm Pa Sắc ký biên bản hợp tác ghi nhớ (Ảnh chụp tháng 12/2019)

Lãnh đạo hai đơn vị Tòa án Gia Lai và Chăm Pa Sắc ký biên bản hợp tác ghi nhớ (Ảnh chụp tháng 12/2019)

Với “sứ mệnh” giải quyết, hòa giải, hàn gắn những “mảnh vỡ” trong cuộc sống, thời gian qua những cán bộ TAND tỉnh Gia Lai đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác chuyên môn trong hệ thống Tòa án hai cấp luôn được ưu tiên và đặt lên hàng đầu. Cũng vì vậy, ngay từ đầu năm 2019, lãnh đạo TAND tỉnh Gia Lai đã lên phương án, đề ra các mục tiêu cụ thể, tổ chức các phong trào thi đua, hướng đến việc thực thi công lý một cách công bằng, khách quan.

Gia Lai là một địa bàn rộng, trong đó có nhiều đơn vị hành chính tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Người dân nơi đây có lợi thế để đón nhận sự giao thoa văn hóa, kinh tế các bên nhưng cũng chính sự “kết nối” này khiến một số bộ phận xấu lợi dụng để làm điều phi pháp. Chính vì vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, TAND các huyện còn phụ trách công tác kết nghĩa, giúp đỡ các làng, xã theo sự phân công của cấp ủy địa phương. Việc làm này cốt là giúp dân hiểu biết rõ hơn về pháp luật, về những điều cấm để họ tự bảo vệ mình và những người thân của họ. Đến với dân bằng sự chân thành, bằng những việc làm thiết thực, cán bộ TAND tỉnh Gia Lai đã được chính quyền các cấp đánh giá cao. Kết quả của sự kiên trì, vượt qua khó khăn của mỗi một cán bộ Tòa án đã giúp kéo giảm tình hình tội phạm về số lượng lẫn tính chất, đời sống của bà con vùng cao được cải thiện đáng kể.

Nói đến công tác kết nghĩa buôn làng phải kể đến TAND huyện Kbang. Đây là đơn vị hiện đang nhận kết nghĩa, giúp đỡ xã xa nhất, khó khăn nhất của huyện KBang. Với phương châm giúp đỡ thiết thực, hiệu quả cả về vật chất và tinh thần, lãnh đạo Tòa án đã phân công các các cán bộ, thường xuyên về nắm bắt cơ sở ở xã kết nghĩa Kon Pne.

“Cho cơm không bằng cần câu cơm” là điều mà cán bộ Tòa án khi đi rà soát thực tế đặt ra. Với sự hiểu biết hạn chế, với nguồn kinh tế khó khăn, việc giúp đỡ dân là cần thiết nhưng giúp đỡ như thế nào để có sự dài lâu, bền vững mới là điều cần làm. Vật nuôi, con giống...là phương án cán bộ Tòa án đưa ra. Vậy là sau khi giúp dân lợp lại mái nhà, dựng lại liếp phiên đủ để tránh mưa, tránh gió... nhiều con giống như bò, dê cũng đã được trao cho người dân cùng với những buổi tập huấn trực diện.

Đoàn công tác của Tòa án Chăm Pa Săc và Tòa án Gia Lai chụp ảnh lưu niệm

Nói về công tác “con giống, vật nuôi” và ân tình kết nghĩa của đơn vị mình, Chánh án Nguyễn Thị Hồng Phương chia sẻ, đơn vị đã giúp đỡ 2 hộ gia đình thoát nghèo. Riêng năm 2019, đang triển khai giúp 3 hộ ở xã Kon Pne và Tơ Tung. Mỗi tháng, đơn vị sẽ họp để đánh giá công việc cũng như cắt cử cán bộ thường xuyên xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền sở tại giúp đỡ cho các tập thể và cá nhân gặp khó khăn.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ tòa án từ Thẩm phán, Thư ký ở các Tòa đều phải vượt qua khó khăn, chẳng vậy mà nhiều người còn dí dỏm “muốn làm được trước hết phải vượt qua chính mình”!.

Với mục đích hướng tới là làm sao giảm thiểu tối đa những đổ vỡ, tốn kém, căng thẳng, hận thù... trong các vụ án liên quan đến Hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự, đa phần các Thẩm phán luôn nỗ lực hết mình để hòa giải, đối thoại. Từ đó đã góp phần hàn gắn hạnh phúc nhiều cặp vợ chồng, hóa giải nhiều mâu thuẫn trong xóm làng.

Nói về những khó khăn mà đội ngũ cán bộ TAND hai cấp tỉnh Gia Lai thường gặp phải kể đến địa hình và thời tiết. Ở Gia Lai vào mùa nắng, gió mạnh thổi đất đỏ bazan bay lên mù mịt còn mùa mưa thì sình lầy khiến cho viêc đi tống đạt các quyết định ở các bản, làng của các Thư ký gặp rất nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, các Thư ký tòa án cấp huyện hằng ngày đã vượt 50-80km, băng qua những thác gềnh, đồi núi để đưa các quyết định tống đạt kịp thời đến với từng người dân.

Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Hà Viết Toàn- Phó Chánh án TAND tỉnh Gia Lai cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, ngay từ đầu năm, lãnh đạo TAND tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều kế hoạch cụ thể, cũng như phát động các phong trào thi đua sâu rộng, thiết thực. Đến nay, đã phát huy được tinh thần đoàn kết, vượt lên khó khăn trên toàn đơn vị. Chất lượng án từng bước được nâng cao một cách hiệu quả, là chỗ dựa vững chắc cho lẽ phải, cho nhân dân, doanh nghiệp… trên địa bàn.

Vượt qua tất cả những khó khăn, bằng sự yêu nghề, sự quyết tâm trong năm 2019, TAND hai cấp tỉnh Gia Lai đã thụ lý hơn 7.200 vụ việc, tỉ lệ giải quyết gần 6.550 vụ, việc. Số lượng án còn lại chưa giải quyết đều trong thời hạn của quy định pháp luật. Đặc biệt, với số lượng án giải quyết nhiều, nhưng đến nay Tòa hai cấp chỉ bị hủy 0,4% và sửa 0,15%.

Đây là kết quả, thể hiện rõ quyết tâm phát huy cán cân công lý, vượt lên khó khăn để đoàn kết, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó của hệ thống TAND hai cấp tỉnh Gia Lai.

Trần Sỹ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/trao-doi-nghiep-vu/toa-an-se-la-cho-dua-vung-chac-cho-nguoi-dan-34389.html