Tòa án nhân dân Tối cao lấy ý kiến 17 dự thảo án lệ

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và tiếp nhận các đề xuất án lệ, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xây dựng 17 dự thảo án lệ để đưa ra xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với tổ chức Liên minh châu Âu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo án lệ và dự thảo báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội thảo.

Lấy ý kiến 17 dự thảo án lệ

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và tiếp nhận các đề xuất án lệ, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xây dựng 17 dự thảo án lệ để đưa ra xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Về hình sự, có 5 dự thảo án lệ: về xử lý phương tiện phạm tội là tài sản chung của vợ chồng; về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để bị hại chuộc lại tài sản mà bị cáo đã trộm cắp; về xử lý phương tiện phạm tội là tài sản bảo đảm trong hợp đồng thế chấp hợp pháp; về phân biệt tội "Chống người thi hành công vụ" và tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ;" về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông.

Về dân sự, có 8 dự thảo án lệ, gồm: về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha, mẹ đã ly hôn do con chưa thành niên gây ra; về xác định thời hiệu khởi kiện đòi tài sản đặt cọc và tiền phạt cọc; về xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 là quyền tài sản; về trường hợp đất do cá nhân khai thác nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng từ trước năm 1975; về trường hợp được Nhà nước giao đất trước năm 1975 nhưng không sử dụng mà cho người khác quản lý, sử dụng;

Về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường; về người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng; về hợp đồng chuyển đổi quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người ký tên, người còn lại biết mà không phản đối.

Về kinh doanh thương mại, có 2 dự thảo án lệ: về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ ; về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm.

Về việc dân sự liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam, có 2 dự thảo án lệ: về xác định thòi hiệu khởi kiện thuộc nội dung vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài giải quyết; về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng thương mại do người không có thẩm quyền xác lập.

Trước đó, Cổng thông tin điện tử Tòa án Nhân dân Tối cao đã đăng tải các dự thảo án lệ và bản án, quyết định được Hội đồng thẩm phán lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia góp ý...

Nâng cao kỹ năng vận dụng án lệ trong xét xử

Tại hội thảo, theo tiến sỹ Nguyễn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao - Trưởng nhóm nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam), ngày nay, án lệ thực sự đóng một vai trò không thể thiếu trong hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, viện dẫn án lệ sẽ giúp cho Tòa án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp. Nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu chưa thống nhất và vận dụng khác nhau.

Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành án lệ của Tòa án nhân dân Tối cao.

Nghị quyết đã làm rõ được khái niệm án lệ, các tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, đồng thời đưa ra một quy trình ban hành án lệ hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ đến khâu thông qua án lệ. Trên cơ sở Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành 26 án lệ.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi hành, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

Kể từ khi ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đến trước ngày 15/7/2019 (ngày Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành), Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành được 26 án lệ, trong đó có 4 án lệ về hình sự, 14 án lệ về dân sự, 6 án lệ về kinh doanh thương mại, 1 án lệ về hành chính và 1 án lệ về lao động. Ngay sau khi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực pháp luật, Tòa án Nhân dân Tối cao đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển án lệ theo quy trình của Nghị quyết mới, đã thông qua 3 án lệ.

Góp ý kiến tại hội thảo, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty luật Trách nhiệm hữu hạn Bizconsult) cho rằng, so với Nghị quyết số 03 trước đây, với kỳ vọng quy trình lựa chọn án lệ theo Nghị quyết 04 vừa phải đảm bảo tính chặt chẽ nhưng cần đơn giản hóa hơn về mặt thủ tục.

"Yếu tố này sẽ tạo ra bước phát triển mới cho công tác phát triển án lệ, giúp Tòa án Nhân dân Tối cao thông qua được nhiều án lệ hơn nữa trong tương lai" - Luật sư Nghĩa nêu.

Về các đặt tên án lệ, theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, khoản 2, Điều 7, Nghị quyết 04 có đề cập đến nội dung công bố án lệ trong đó có nhắn đến tên án lệ. Tuy nhiên, về cách đặt tên án lệ vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.

"Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc thống nhất cách đặt tên cho án lệ là vô cùng cần thiết vì không những giúp ích cho công việc tra cứu, tìm kiếm án lệ mà còn thể hiện sự đồng nhất, thống nhất, có trật tự của các văn bản và nâng cao kỹ thuật xây dựng, công bố án lệ" - Luật sư Nghĩa cho ý kiến trong tham luận.

Bên cạnh đó, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham luận, góp ý kiến, phân tích về lý luận và thực tiễn về những dự thảo án lệ đang lấy ý kiến.

Kết luận hội thảo, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Ban soạn thảo, Tổ nghiên cứu sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp vào các dự thảo án lệ. Trong thời gian tới, Chánh án đề nghị quán triệt cho đội ngũ Thẩm phán các cấp, địa phương tích cực tham gia việc tạo nguồn cho án lệ.

"Thẩm phán nào có bản án được giới thiệu làm án lệ thì Hội đồng Thẩm phán sẽ có hình thức tuyên dương, khen thưởng thỏa đáng" - Chánh án Bình nhấn mạnh. Bên cạnh đó là nâng cao kỹ năng vận dụng án lệ trong thực tiễn xét xử. Vấn đề này rất quan trọng, là một trong những yếu tố năng cao năng lực của thẩm phán./.

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/toa-an-nhan-dan-toi-cao-lay-y-kien-17-du-thao-an-le/612153.vnp