Tòa án nhân dân các cấp: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự

Thời gian qua, tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự. Qua đó tỷ lệ các bản án, các quyết định bị hủy, sửa cũng giảm dần qua các năm, vượt chỉ tiêu TAND tối cao đề ra.

Cán bộ Tòa án Nhân dân huyện Quảng Xương nghiên cứu hồ sơ các loại án.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án dân sự, ngành TAND tỉnh tăng cường quán triệt các văn bản của Đảng, của ngành về cải cách tư pháp, các đạo luật mới về tư pháp tới cán bộ, thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân làm công tác giải quyết các vụ án dân sự. Cử cán bộ, thẩm phán, thư ký tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu do TAND tối cao tổ chức; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, rút kinh nghiệm về chuyên môn, chỉ ra những sai lầm, thiếu sót đối với các thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân về các trường hợp mà bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; tăng cường phối hợp với viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ thẩm định, đánh giá vụ việc nên quá trình giải quyết vụ án được thuận lợi. Ngoài ra, TAND tỉnh luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của TAND tối cao để tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với công tác giải quyết các vụ án dân sự của tòa án cấp sơ thẩm. Cùng với đó, trước khi đưa ra xét xử các vụ án, TAND tỉnh yêu cầu các đơn vị căn cứ vào năng lực, trình độ của thẩm phán để giao từng vụ việc cụ thể, đồng thời theo dõi chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự. Đối với từng vụ án, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa và các thành viên hội đồng xét xử dành thời gian nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, xem xét kỹ chứng cứ đã được thu thập và đánh giá, thẩm tra để đưa ra kết luận riêng của mình đối với từng vấn đề cần giải quyết. Trong đó nguyên tắc độc lập khi xét xử được quan tâm bảo đảm thực hiện trong thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa và việc nghị án, ban hành bản án, quyết định. Khi nghị án, các vấn đề của vụ án đều được thảo luận, giải quyết bằng biểu quyết và quyết định theo đa số. Do đó hầu hết bản án, quyết định đã tuyên bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, xét xử đúng thẩm quyền, có sức thuyết phục, đảm bảo khả năng thi hành án, tạo dư luận tốt trong quần chúng nhân dân.

Song song với quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, TAND hai cấp luôn đẩy mạnh công tác hòa giải theo tinh thần Chỉ thị số 04 ngày 3-10-2017 của chánh án TAND tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND. Việc làm này đặc biệt phát huy hiệu quả đối với những án thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, án dân sự. Thực tế trong thời gian qua, lượng án dân sự, hôn nhân và gia đình khá lớn song nhờ làm tốt công tác hòa giải nên ngành TAND tỉnh đã giảm được đáng kể số vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình phải đưa ra xét xử, hạn chế được những tranh chấp căng thẳng giữa các đương sự và còn ngăn chặn được những vụ việc hình sự có thể xảy ra. Tỷ lệ hòa giải thành mỗi năm đạt trên 60% tổng số án đã thụ lý, góp phần giảm bớt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng chí Lê Thu Hương, Chánh tòa dân sự, TAND tỉnh cho biết: Để có được kết quả hòa giải thành công cao, trước khi tiến hành hòa giải, các thẩm phán phải thu thập thông tin, tìm rõ vấn đề mấu chốt của sự việc, nắm vững kiến thức pháp luật và các phong tục tập quán của từng địa phương, có liên quan đến vấn đề tranh chấp của các bên đương sự. Trong quá trình hòa giải luôn tôn trọng ý kiến của các bên đương sự, để thời gian cho các bên nói rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các bên, đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc tìm ra những điểm chung nhất, sau đó hỏi từng bên xem họ sẽ tự nguyện làm những gì để giải quyết mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, các cán bộ sẽ tìm cách đưa ra một thương lượng chính thức hài hòa quyền, lợi ích để cho các bên lựa chọn. Đồng thời kết hợp với phân tích tình hình, giải thích có lý, có tình để các bên thấy được lợi ích của việc họ hòa giải được với nhau hoặc phối hợp với chính quyền địa phương cấp phường, xã hay cơ quan, đoàn thể nơi đương sự công tác, cư trú để hòa giải tới cùng vụ việc.

Với sự nỗ lực của TAND hai cấp nên trong thời gian qua, mặc dù các vụ việc dân sự ngành TAND tỉnh phải thụ lý và giải quyết là rất lớn, trong đó có nhiều tranh chấp phức tạp nhưng các vụ việc đã được giải quyết theo thời hạn quy định của pháp luật, từng bước khắc phục các vụ án tồn đọng. 5 tháng đầu năm 2019, toàn ngành tòa án đã giải quyết, xét xử 439/736 vụ việc dân sự, đạt tỷ lệ 59,6%. Thời gian tới, TAND hai cấp của tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ thẩm phán, thư ký; cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của TAND cấp trên và các văn bản pháp luật mới được ban hành để cán bộ, thẩm phán, thư ký nghiên cứu vận dụng linh hoạt trong công tác giải quyết các vụ việc. Ngành tòa án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chuyên môn để giải quyết kịp thời các vụ án theo quy định của pháp luật, đồng thời quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/toa-an-nhan-dan-cac-cap-nhieu-giai-phap-nang-cao-chat-luong-giai-quyet-cac-vu-viec-dan-su/102560.htm