Tơ tằm tìm lại thời vàng son

Giá kén tằm tăng trở lại trong thời gian gần đây, mang lại hy vọng cho người nuôi tằm.

Sau nửa năm sụt giảm mạnh, từ đầu tháng 8 đến nay giá kén tằm được thu mua tại Việt Nam liên tục tăng trở lại, hiện đã tiệm cận thời điểm đầu năm 2020 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, những ngày qua các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ươm tơ xuất khẩu đang đẩy mạnh hoạt động thu mua kén từ người dân với giá trung bình 110.000 đồng/kg. Sở dĩ giá kén tằm tăng trở lại là do thị trường xuất khẩu tơ tằm bắt đầu ấm lên. Hiện Ấn Độ đã từng bước mở cửa lại thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp tại Bảo Lộc cũng có những đơn hàng xuất khẩu lớn.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tơ tằm Nhật Minh ở Bảo Lộc, hiện giá tơ xuất khẩu đã tăng mạnh từ 31 USD/kg lên 37 USD/kg. Thị trường xuất khẩu đã dần được khơi thông trở lại, giá kén tằm trong nước tăng nhưng sản lượng thu mua của doanh nghiệp không được nhiều như mong đợi do sản lượng kén giảm mạnh, vì những tháng qua, một bộ phận lớn người dân đã tạm ngưng nuôi tằm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm địa phương này tiêu thụ khoảng 270.000 hộp trứng tằm, hầu hết là giống tằm lưỡng hệ kén trắng được nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Từ khi xảy ra dịch COVID-19, việc nhập khẩu trứng tằm gặp rất nhiều khó khăn khiến hoạt động sản xuất tơ tằm tại địa phương bị gián đoạn. “Đây là khâu then chốt nhưng cũng là khâu yếu nhất, thiếu bền vững nhất trong toàn bộ quy trình sản xuất dâu tằm tơ tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung”, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết.

Ngoài việc phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu, sự phát triển của ngành tơ tằm trong thời gian dài chưa được quy hoạch bài bản. Khi kén tằm được giá, nhiều hộ nông dân tại Tây Nguyên ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, trong khi kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này lại rất hạn chế. Sự chuyển đổi vội vã dẫn tới nguy cơ cung vượt cầu và tiềm ẩn hàng loạt rủi ro. Tằm rất nhạy cảm với các loại thuốc trừ sâu, hóa chất, khí độc, nấm mốc. Theo đó, nghề trồng dâu, nuôi tằm cần được tập trung thành những vùng chuyên canh, có quy hoạch riêng và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhưng tại nhiều địa phương, việc trồng dâu, nuôi tằm lại đang tiến hành theo kiểu xen canh.

Mặt khác, để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc trồng dâu, nuôi tằm, bắt kén phải đưa vào các phương tiện kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường, giảm công lao động và nâng cao hiệu quả nuôi tằm. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết biến động, nhiệt độ cao như hiện nay, nhà tằm con phải có máy điều hòa và tất cả hộ chăn nuôi tằm phải lắp điều hòa để điều khiển nhiệt độ, bởi tằm cần 24-250C mới phát triển tốt. Trong hội thảo ngành tơ tằm mới đây, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang, chia sẻ: “Về việc đầu tư công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại để nuôi tằm trong phòng điều hòa với chi phí cao, người dân kiến nghị được vay vốn ưu đãi để có điều kiện đầu tư ban đầu”.

Khó khăn còn nằm ở sự khan hiếm về nguồn nhân lực chất lượng cao và hạn chế về hoạt động nghiên cứu, cải tiến công nghệ, đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Những điều này ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường tơ tằm trị giá hơn 20 tỉ USD mỗi năm của thế giới.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm S, ngành trồng dâu tằm tơ là một trong những ngành chịu biến động thị trường rất lớn. Năm 1985, Liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ Việt Nam ra đời và phát triển mạnh, đặc biệt tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Song thời kỳ hoàng kim chỉ được khoảng 10 năm. Sau đó ngành tơ tằm gặp khó khăn kéo dài trong giai đoạn 1995-2010. Từ năm 2010-2019 ngành dâu tằm tơ bắt đầu khôi phục và phát triển trở lại nhờ kinh tế tư nhân. Đặc biệt năm 2017 giá kén lên cao kỷ lục với mức từ 217.000-230.000 đồng/kg.

Ảnh: luathuonguyen.com

Hiện nay sản xuất tơ tằm tại các cường quốc sản xuất trong khu vực và trên thế giới đang có sự dịch chuyển rõ rệt khi sản lượng tơ tằm của Trung Quốc giảm nhanh, còn sản lượng tơ tằm của Ấn Độ và Việt Nam tăng đều theo từng năm và ngày càng có nhiều ưu thế về giá. Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, cho rằng: “Ở góc độ doanh nghiệp, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm của người trồng dâu nuôi tằm không phải là quá khó nhưng băn khoăn nhất vẫn là chất lượng tơ, kén bởi chỉ khi sản phẩm đạt chuẩn giá trị quốc tế thì mới xuất khẩu đến nhiều phân khúc thị trường. Từ đó, rộng mở nhu cầu bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.

Tiến sĩ Phạm S nhận định: “Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cần vận động hiệu quả hơn các thành viên là các doanh nghiệp có nhà máy ươm tơ xây dựng những chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững; chủ động liên hệ với đối tác cung ứng trứng tằm nước ngoài (Trung Quốc hoặc nước khác có nguồn trứng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam) để đáp ứng đầy đủ các thủ tục, điều kiện cần thiết theo quy định trong nhập khẩu chính ngạch trứng tằm; theo dõi bám sát tình hình sản xuất của các hội viên nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong đại dịch COVID-19, hạn chế rủi ro thấp nhất”.

Tại Nhật, Hiệp hội Tơ lụa nước này đã thống nhất các doanh nghiệp cùng đầu tư cho một dòng tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng, sản xuất đại trà. Các viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác bảo đảm không gây ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất.

Cẩm Tú

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/to-tam-tim-lai-thoi-vang-son-3336863/