Tô Ngọc Vân và học trò trong 'Họa sĩ khóa kháng chiến'

Họa sĩ khóa kháng chiến (1950-1954) là một chuyên khảo về khóa học chính thức đầu tiên của Trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam kể từ khi thành lập (tháng 10-1945).

Đây là một trong năm ngôi trường cao đẳng được thành lập dựa trên nền tảng cơ sở hệ thống giáo dục sau phổ thông từ thời Pháp thuộc cho thấy tầm quan trọng của mỹ thuật đối với sự phát triển của văn hóa và xã hội.

Nhà trường đã tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1946 nhưng việc học chỉ kéo dài được hai tháng thì bị gián đoạn do cả nước bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (tháng 12-1946). Trường CĐ Mỹ thuật Việt Nam nay chính là ĐH Mỹ thuật Việt Nam hiện ở địa chỉ 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Toàn bộ kinh phí thực hiện cuốn sách Họa sĩ khóa kháng chiến (1950-1954) đều do Quỹ Kim Long thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Long (Hà Nội) tài trợ và do NXB Mỹ thuật cấp phép xuất bản. Cuốn sách dày 300 trang, khổ 27 x 21cm, in màu trên giấy couche với 255 hình ảnh sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân và các học trò của ông mà phần lớn hình ảnh chưa từng công bố.

Nội dung cuốn sách chia làm ba phần. Phần một khái quát về lịch sử khóa học, diễn biến chính trong khóa học và vai trò của nó cũng như của họa sĩ - giám đốc nhà trường Tô Ngọc Vân. Phần hai trình bày chi tiết chân dung 22 sinh viên của khóa học, trong đó một số người đã thành danh như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam… Một số khác có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam như Đào Đức, Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Ngọc Linh...

Bên cạnh đó, có những người mà cuộc đời và nghệ thuật của họ chưa ngừng gây nên các cuộc tranh luận như họa sĩ Lê Huy Hòa. Một số khác có vẻ lặng lẽ hơn nhưng nếu một lần được biết đến gia tài nghệ thuật họ để lại, hẳn thế hệ sau không khỏi ngạc nhiên như Ngô Minh Cầu, Đặng Đức, Ngọc Linh... Phần nội dung này sẽ mở thêm một ô cửa sổ kiến thức về những học trò đặc biệt nhất của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong cuộc đời dạy học của ông.

Phần ba của cuốn sách là góc chia sẻ những suy cảm của tác giả sau hành trình khảo cứu về khóa học này với rất nhiều điều được giới nghiên cứu mỹ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam tiếp tục tìm hiểu với các góc nhìn sâu sắc hơn nữa.

Hy vọng của tác giả là cuốn sách sẽ mở ra những gợi ý, suy ngẫm mới cho bạn đọc hôm nay về vai trò của mỹ thuật và của người họa sĩ trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc nói riêng và rộng hơn là trong lịch sử xã hội Việt Nam hiện đại nói chung.

HÀ VÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/to-ngoc-van-va-hoc-tro-trong-hoa-si-khoa-khang-chien-728097.html