Tò mò, thói xấu của người Việt

Một trong những thói xấu của người Việt: tò mò. Hôm qua (12/4), tại nghĩa trang Phúc An Viên (TP.HCM), hàng trăm người dân đã có mặt tại nơi chuẩn bị chôn cất nghệ sĩ Anh Vũ từ rất sớm. Một số người tiết lộ lý do đến đây: 'Tôi nghe đồn có Trấn Thành, Trường Giang với nhiều người nổi tiếng đến lắm nên bỏ việc ra coi'...

Hàng trăm người hiếu kỳ vây kín các nghệ sĩ để livestream, chụp ảnh tại lễ tang. Họ trèo cả lên mộ, chen lấn, nói cười rôm rả, nhiều lần làm gián đoạn buổi lễ. Linh cữu di chuyển rất khó khăn, nhiều người trong đoàn đưa tang không thể vào khu vực chôn cất vì bị dòng người cản trở.

Các YouTuber với nhiều thiết bị cũng không bỏ lỡ cơ hội livestream câu view ngay cả trong lúc hạ huyệt. Trong giây phút đau buồn nhất của gia đình nghệ sĩ Anh Vũ, nhiều người thản nhiên cười nói, reo hò, bàn luận về dung nhan đời thường của Trịnh Kim Chi, Minh Luân, Minh Nhí…

Những cách hành xử như vừa nêu ở trên là hết sức phản cảm, vô văn hóa. Đáng lẽ phải cúi đầu trước vong linh người đã khuất, yên lặng để tưởng nhớ và bày tỏ sự tiếc thương, thì đám đông lại ngang nhiên bày tỏ sự hể hả vì đã tận mắt chứng kiến những nhân vật trong làng giải trí, vốn ít khi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp. Có thể thấy ngay rằng, họ đến đám tang để thỏa mãn sự tò mò cá nhân, chứ không phải có tình cảm với người ra đi, hay vì muốn chia sẻ với gia đình người đã khuất.

 Hàng trăm người vây kín lễ tang nghệ sĩ Anh Vũ, chỉ để thỏa mãn sự tò mò

Hàng trăm người vây kín lễ tang nghệ sĩ Anh Vũ, chỉ để thỏa mãn sự tò mò

Quan sát cách hành xử hàng ngày, có thể chứng kiến hàng trăm ví dụ tương tự về thói tò mò xấu xí của người Việt. Khi tai nạn giao thông xảy ra, khi có vụ việc mà cơ quan chức năng nhà nước can thiệp như khám xét, bắt người, người ta đứng chen chật hai bên đường, trước cửa nhà để theo dõi tình hình, bất kể cản trở giao thông hay trở ngại công việc của lực lượng chức năng.

Khi xảy ra những vụ đánh nhau, hay đánh ghen, người ta xúm đen xúm đỏ chứng kiến, bàn tán xôn xao, quay video, nhưng tuyệt nhiên không ai có ý định vào can ngăn hay bênh vực kẻ yếu thế.

Những vụ bạo lực học đường, mặc cho nạn nhân bị đánh dã man tơi tả, bị đám đông lên gối, tát vào mặt, đánh vào đầu, các em khác dửng dưng ngồi xem, không ai lên tiếng, thậm chí còn rút điện thoại ra livestream hoặc quay lại rồi tung lên mạng.

Thói xấu ấy nó không chỉ vô duyên, nó còn thể hiện một lối sống vô tình, dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người khác. Trong hoàn cảnh họ vô tâm trước nỗi đau của người khác, thì đó còn là sự nhẫn tâm, ích kỷ tới mức độc ác.

Xúm đen xúm đỏ quanh người bị tai nạn, cũng là để thỏa mãn sự hiếu kỳ

Trong cuộc sống hàng ngày, người Việt còn có thói quen tò mò tìm hiểu những chi tiết đời tư của người khác, bất chấp phép lịch sự. Rất nhiều đàn ông, câu đầu làm quen là hỏi thăm tuổi của người phụ nữ. Rồi: Em làm công việc gì? Em ở với ai? Ông xã em ở đâu, làm gì?... Thật thiếu tế nhị, và chắc chắn là người được hỏi hết sức khó chịu.

Những cô gái, chàng trai độc thân đi làm việc nơi xa, tết nhất về quê nhà luôn phải đối mặt với những câu hỏi của người thân, hàng xóm, kiểu như: Đã có người yêu chưa? Bao giờ lấy vợ/lấy chồng? Và phải nghe những lời nhắc nhở kiểu như: Sắp ba mươi rồi đấy, người ta có vợ có chồng hết rồi kìa; hay: Con A mới cưới chồng nhé, thằng B đã có hai đứa con rồi đấy…

Thói tò mò còn hết sức không đúng chỗ, khi người ta có xu hướng quan tâm thái quá đến nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác. Ngạn ngữ nước ngoài có câu: “Đừng nhắc đến sợi dây thừng trong nhà có người bị treo cổ”, thế nhưng, người Việt có lẽ luôn có hứng thú với những đề tài kiểu này. Đó không chỉ là tò mò, nó còn là sự ích kỷ, chỉ biết thỏa mãn cảm xúc cá nhân mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Dửng dưng nhìn người yếu thế bị bắt nạt, đánh đập, thậm chí còn livestream, quay clip để tung lên mạng

Sự quan tâm đến mức khiến người khác khó chịu, thực chất là một kiểu soi mói, bới móc đời tư của người khác. Để thỏa mãn thói tò mò của bản thân, nhiều khi người ta không hỏi trực tiếp người trong cuộc, mà có xu hướng túm năm tụm ba để bàn tán, buôn chuyện hết người này sang người khác. Những câu chuyện buôn dưa lê bán dưa chuột ấy, nhiều khi là sự suy diễn, thêu dệt không có căn cứ, và khi đến tai người bị đem ra bàn tán, thường xảy ra những vụ đôi co, cãi cọ kiểu “ba mặt một lời”.

Người ta thường lí giải thói tò mò như một thói quen của đời sống nông nghiệp: ở thành cộng đồng làng xã, nhà cửa sát gần nhau, nên người Việt có thói quen quan tâm đến cuộc sống của nhau. Muốn quan tâm thì phải hiểu rõ về nhau, nên người ta thường hỏi thăm nhau rất kỹ càng.

Có thể để ý thấy, khi gặp nhau, người Việt thường hỏi: Bác đi đâu thế, bác ăn cơm chưa, bác đi làm à?... thay cho lời chào. Lâu ngày gặp nhau, câu đầu tiên chào hỏi thường là: Dạo này cậu thế nào, công việc, gia đình ra sao? Đó là câu chào, nhưng đó cũng chính là biểu hiện thái độ quan tâm khá chi tiết đến đời sống người khác. Trong khi đó, người phương Tây thường hết sức tránh việc quan tâm chi tiết đến đời sống cá nhân của những người xung quanh.

Kiểu quan tâm đến đời sống riêng tư của người khác một cách thái quá, chính là dấu ấn của cuộc sống tiểu nông

Trong bối cảnh làng xã của đời sống tiểu nông, những mối quan tâm hết sức nhỏ bé, thu hẹp trong không gian sống tù đọng sau lũy tre làng. Bởi vậy, người ta soi người xung quanh kỹ hơn, và những đề tài bàn tán cũng vụn vặt hơn. Hình ảnh những bà Tám buôn chuyện can thiệp vào cuộc sống của mọi người chính là một hình ảnh tiêu biểu cho thói tò mò xấu xí của người Việt. Thói xấu ấy cần phải được khắc phục, nhất là trong cuộc sống hiện đại.

Cũng có thể thấy, khi giáo dục con cái, giáo dục học sinh, người ta cũng chưa chú ý đến việc giáo dục một thái độ tế nhị, tôn trọng người khác, đặc biệt là tôn trọng đời tư, tôn trọng tự do cá nhân của mỗi người.

Hãy quan tâm thực sự đến người xung quanh một cách chân tình, nhân ái. Khi bỏ được thói thọc mũi vào cuộc sống của người khác để soi mói những cái xấu, người ta cũng sẽ nhìn cuộc sống một cách bao dung, nhân hậu hơn, nghĩ đến người xung quanh nhiều hơn. Đó chính là cách hành xử của con người có văn hóa.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/to-mo-thoi-xau-cua-nguoi-viet-161733.html