Tô Mạn Thù : Cánh chim hồng cô độc

Chắc hẳn nhiều người đã biết đến đại sư Tô Mạn Thù và tác phẩm Đoạn Hồng Linh Nhạn ký này ông, qua bản dịch với nhan đề Nhà sư vướng lụy của nhà thơ Bùi Giáng. Cuốn sách đó sở dĩ lôi cuốn được độc giả vì nó gần như là một cuốn tự truyện của Tô Mạn Thù.

Đại sư Tô Mạn Thù

Văn chương muốn cảm động được con người thì trước hết phải thực, không thực thì cho dù có bay bướm đến mấy, nó cũng chỉ là những lời phù hoa sáo rỗng. Bài viết này xin ghi lại những cảm nhận của người viết khi chậm rãi đọc lại Đoạn Hồng Linh Nhạn ký, cuốn nhật ký mang tâm sự ngậm ngùi của một nhà sư tài hoa vướng lụy.

Đại sư Tô Mạn Thù 蘇 曼 殊 (1884 - 1918) người đất Quảng Đông, tên thật là Tử Cốc 子 谷, lúc bé tên là Tam Lang 三 郎, xuất gia lấy pháp hiệu Mạn Thù, còn có các danh hiệu khác là Nguyên Anh 元 瑛, Huyền Anh 玄 瑛. Ông là nhà văn, nhà thơ, lại có tài hội họa, đồng thời là một dịch giả nổi tiếng cuối đời Thanh.

Cha ông là Tô Kiệt 蘇 杰, sinh tại Nhật Bản, lấy một phụ nữ người Nhật và hạ sinh Tô Mạn Thù. Mẹ ông tên Á Tiên 亞 仙, có tài liệu nói họ bà là Hà Hợp 河 合 (trong tác phẩm này cũng nói thế).

Năm 11 tuổi thì Tô Mạn Thù được cha đưa về Trung Quốc, theo học trường tư thục. Do mang dòng máu ngoại lai nên bị ông họ hàng bên nội ngược đãi. Theo một số tài liệu thì năm 13 tuổi, ông đến chùa Huệ Long ở Tân Hội xuống tóc đi tu, có pháp danh Bác Kinh 博 經, nhưng về sau bị người nhà tìm đến buộc phải hoàn tục.

Năm 1899, ông lúc đó 15 tuổi, gia cảnh sa sút, Tô Mạn Thù theo người anh cô cậu quay trở lại Nhật. Năm 1903. Nga xâm chiếm ba tỉnh miền đông Trung Quốc, Tô Mạn Thù tham gia đội quân chống Nga, sau chuyển về Hương Cảng. Khi Tô Kiệt còn sống, có hứa làm sui với một người tại quê nhà, nên đến lúc này người trong gia đình đến Hương Cảng bảo Tô Mạn Thù về quê cưới vợ, nhưng ông lánh mặt không gặp. Nghe lời khuyên của một người bạn, ông về quê nhưng chỉ mấy tháng sau thì quay lại Hương Cảng, đồng thời xuống tóc xuất gia, lấy pháp hiệu là Mạn Thù. Ngay sau đó, ông đến vùng Giang Triết, đảm nhận công tác phiên dịch cho tờ Quốc Dân Nhật Báo, và giao du với các ông Chương Bỉnh Lân và Liễu Á Tử.

Tô Mạn Thù là một Tăng sĩ nên rất ít am hiểu chuyện đời. Đi tu thì không trọn nghiệp, mà dấn thân vào cuộc tình của thế gian thì lại không dám hết mình. Tâm hồn tài hoa của ông biến thành bãi chiến trường cho cuộc tương tranh giữa hai tiếng gọi Đời và Đạo. Khi thì ông sống như một vị chân tu khổ hạnh, khoác áo cà sa, làu thông kinh kệ; khi thì lại lãng mạn như một lãng tử đa tình, si mê gái đẹp đến điên đảo thần hồn. Mang một khối tài hoa vào cửa thiền như Tô Mạn Thù là mang theo khổ não. Đã tài hoa ắt phải đa tình, mà đa tình thì khó lòng không vướng lụy. Một bên là cõi thanh tĩnh pháp lưu đưa ta đến Niết-bàn giải thoát, một bên là cõi đời đầy hương sắc với bao mỵ lực hấp dẫn của khách hồng nhan. Biết chọn nơi nào? Đi vào cõi đạo nhiệm mầu, xem thế gian là hư ảo, nhan sắc là phù du để hướng đến vô biên và tuyệt đích, hay nhắm mắt theo tiếng gọi của trái tim để chấp nhận nổi chìm cùng giai nhân giữa cõi người ta đầy khổ lụy, và để sắc hương đời che lấp bóng Như Lai?

Tâm trạng đó của Tô Mạn Thù chẳng khác gì tâm trạng của Đạt-lai Lạt-ma đời thứ 6 là Thương Ương Gia Thố 倉 央 嘉 措 (1683-1706). Vị Lạt-ma đa tình này đồng thời là nhà thơ Tây Tạng nổi tiếng, không chỉ ở Tây Tạng mà cả ở Trung Quốc. Bốn câu thơ của ông ôm trọn tâm tình của những nhà sư vướng lụy trong thiên hạ:

Tằng lự đa tình tổn Phạm hành,

Nhập sơn hựu khủng biệt khuynh thành.

Thế gian an đắc song toàn pháp,

Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh!

曾 慮 多 情 損 梵 行 ,

入 山 又 恐 別 傾 城 。

世 間 安 得 雙 全 法 ,

不 負 如 來 不 負 卿 !

Từng nghĩ đa tình hư khổ hạnh,

Vào non lại sợ vắng hồng nhan.

Thế gian sao trọn đôi đường được,

Không phụ Như Lai, chẳng phụ nàng.

Rất muốn sống kiếp chân tu khổ hạnh, nên tránh vướng vào hai chữ đa tình. Vì biết hễ đa tình thì lưới tình sẽ vây bủa, ngăn lấp lối vào cõi thanh tu. Nhưng vào chốn núi non thanh tịnh để tĩnh tâm tu đạo giữa cảnh non xanh nước biếc thì lại thấy cô đơn. Không phải cô đơn vì đời sống độc cư mà cô đơn vì phải xa những giai nhân khuynh thành khuynh quốc! Thế gian tìm đâu ra biện pháp vẹn toàn để vừa nương bóng Như Lai, lại vừa đắm say trong cõi ôn nhu?

Nhà thơ tiền chiến J.Leiba có bốn câu thơ thật ngậm ngùi:

Trần thế đã nhiều duyên nghiệp quá,

Lệ lòng mong cạn chốn am Không,

Cửa Thiền một khép trần duyên đứt,

Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Thử hỏi, đối với kẻ tài hoa đa tình, làm sao có thể “quên hết người quen chốn bụi hồng” được, khi mà lưới tình cứ vây khổn những kẻ đa tình chốn cửa thiền trong từng trận chiêm bao u nùng lãng đãng?

Tô Mạn Thù bộc bạch tâm trạng mâu thuẫn đó còn rõ hơn, khi tặng thơ cho một ca kỹ tài danh đất Nhật là Bách Trợ Phong Tử 百 助 楓 子. Ông xem nàng xinh đẹp không khác gì nữ thần Ô Xá trong thần thoại Ấn Độ, lãng đãng phiêu diêu như thần tiên lướt đi trên sóng. Thế nhưng khi nàng chủ động bày tỏ tình cảm của mình, muốn được “lá thắm se duyên” thì Tô Mạn Thù lại ngậm ngùi từ khước để quay về cõi thanh tĩnh pháp lưu. Quay về, nhưng lại hận sao mình không gặp nàng lúc chưa xuống tóc đi tu!

Ô Xá lăng ba, cơ tự tuyết,

Thân trì hồng diệp sách đề thi.

Hoàn khanh nhất bát vô tình lệ,

Hận bất tương phùng vị thế thời!

(Bản sự thi, bài 6)

鳥 捨 凌 波 肌 似 雪 ,

親 持 紅 葉 索 題 詩 。

還 卿 一 缽 無 情 淚 ,

恨 不 相 逢 未 剃 時 !

Đẹp như tiên nữ giáng trần,

Phiêu nhiên lướt sóng, trắng ngần làn da,

Lá hồng, cầm nối duyên ta

Tình là thế ấy, mơ là thế thôi.

Này em, chén lệ đầy vơi,

Giọt vô tình trả cho người vô tâm.

Hận thay, lúc chửa xuất trần,

Hai ta sao chẳng một lần gặp nhau?

Lời thơ Tô Mạn Thù cũng biểu hiện nỗi mâu thuẫn, như tâm trạng của ông. Lệ vốn là vật của người hữu tình, kẻ vô tình làm gì có nước mắt để mà hoàn trả? Thuở ban đầu gặp gỡ là để bắt đầu cho một cuộc mộng tình, nhưng lại để lại trong lòng người con gái kiều diễm kia bao nhiêu nỗi ngậm ngùi cay đắng!

Ngày trước, Bồ Đề Đạt Ma chín năm diện bích trên ngọn Thiếu Thất, Tung Sơn, thấy được cảnh giới “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật.” để khai sáng dòng Thiền Đông thổ, thì hậu duệ của ông là Tô Mạn Thù lại hoàn toàn khác.

Cửu niên diện bích thành không tướng,

Trì tích quy lai hối ngộ khanh.

Ngã bản phụ nhân kim dĩ hỹ,

Nhiệm tha nhân tác nhạc trung tranh.

(Bản sự thi, bài 10)

九 年 面 壁 成 空 相 ,

持 錫 歸 來 悔 晤 卿 。

我 本 負 人 今 巳 矣 ,

任 他 人 作 樂 中 箏 。

Chín năm nhìn vách, thành không,

Quay về gặp lại khanh khanh, ngậm ngùi!

Thôi, ta lỡ phụ em rồi,

Đàn tranh đành để mặc người reo dây.

Tô Mạn Thù cũng chín năm diện bích, nhưng khi cầm tích trượng quay về chốn thế gian, gặp được khách hồng nhan thì đâm ra hối tiếc, mới ngộ ra rằng chín năm diện bích thiền quán chỉ toàn là trống rỗng. Mình đã xuống tóc quy y, xem như đã lỡ phụ người. Cung đàn đã lỗi nhịp thì đành để mặc người khác gảy tiếng đàn xưa.

Trong những khách hồng nhan mà Tô Mạn Thù có cơ duyên gặp gỡ thuở bình sinh, không biết Tô Mạn Thù đã dựa vào nguyên mẫu nào ngoài đời để xây dựng nên hai nhân vật Tuyết Mai và Tĩnh Tử trong tác phẩm này. Tuyết Mai chỉ xuất hiện thấp thoáng một lần duy nhất sau tấm rèm thưa bên song cửa, phảng phất như khói, như sương. Sau đó, bạn đọc chỉ còn dõi theo hình bóng người con gái nhu mì kiều diễm ấy qua bước chân thẫn thờ của Tô Mạn Thù khi đi tìm kiếm một cách tuyệt vọng nấm mộ nàng, giữa bãi tha ma hoang lạnh chốn canh khuya. Tuyết Mai gợi ta nhớ đến một Mục Niệm Từ trong Xạ Điêu Anh Hùng Truyện của Kim Dung.

Còn Tĩnh Tử mới thực sự là một chân dung tuyệt bích, khó lòng xuất hiện lần thứ hai trong văn học Trung Quốc. Nàng vượt trên cả Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng và Nhạc Tiểu Thoa trong Kim Kiếm Điêu Linh. Đó là một Vương Ngữ Yên mang sự thông tuệ của Hoàng Dung và tâm hồn thanh khiết của Nghi Lâm. Nguyên mẫu cho nhân vật Tĩnh Tử đó, nếu có, xứng đáng là vưu vật của thế gian. Khi Tô Mạn Thù quyết đoạn tuyệt với Tĩnh Tử, bỏ trốn khỏi quê hương Nhật Bản để về lại Trung Hoa thì người con gái diễm kiều thông tuệ với dung nhan tuyệt tục ấy chỉ còn là hình ảnh một hòn vọng phu thấp thoáng trong sương khói mơ hồ.

Về sau, khi ở Thượng Hải, Tô Mạn Thù sống buông thả, ra vào chốn thanh lâu kỹ viện, rồi mất tại bệnh viện Hoàng Từ ở Thượng Hải, vào ngày 2 tháng 5 năm 1918, mới có 34 tuổi. Trước khi mất, ông để lại một bài kệ:

Nhất thiết hữu tình,

Đô vô quải ngại.

一 切 有 情 ,

都 無 掛 礙 。

(Hết thảy kẻ hữu tình,

Đều thong dong tự tại).

Hai câu kệ này nghe như đồng vọng câu nói của Trương Triều: “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn. ” ( 情 之 一 字 , 所 以 維 持 世 界; 才 之 一 字 , 所 以 粉 飾 乾 坤。Tình chi nhất tự, sở dĩ duy trì thế giới; tài chi nhất tự, sở dĩ phấn sức càn khôn).

Tuyết Mai và Tĩnh Tử đều là những nữ lang đa tình, nhưng cả hai đều vì ông mà ôm hận, đều bị “quải ngại” bởi chữ tình chốn trần gian. Tuyết Mai vì ông mà “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” để thành hồn ma phiêu dạt chốn Bắc Mang, còn Tĩnh Tử thì vì ông mà làm cô gái vọng phu tuyệt vọng nơi đất Nhật, vậy thì hỡi Tô Mạn Thù, liệu khách đa tình như ông có “vô quải ngại” được chăng, khi lìa bỏ trần gian với bao niềm hoang mang u hận?

Huỳnh Ngọc Chiến

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//nguyetsan/vanhoa/2020/06/01/1e4693/