Tơ lụa Bảo Lộc hồi sinh

'Một nong tằm bằng năm nong kén/ Một nong kén bằng chín nén tơ/ Thương em tháng đợi năm chờ…'. Câu ca xưa vọng về, thôi thúc tôi tìm đến với vùng đất B'Lao - nơi cây dâu, con tằm đang từng ngày hồi sinh. Ngành tơ lụa qua những năm tháng thăng trầm đang có bước đổi thay mạnh mẽ.

Biểu diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc bên bờ hồ Xuân Hương cuối tháng 12-2018. Ảnh: Nam Viên

Biểu diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc bên bờ hồ Xuân Hương cuối tháng 12-2018. Ảnh: Nam Viên

B’Lao là tên gọi cũ của thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), nơi được mệnh danh “thủ phủ tơ lụa” của cả nước. Đây là vùng đất có ngành dâu tằm phát triển với quy mô công nghiệp khá sớm. Trước năm 1975, nơi đây đã có Trung tâm Nghiên cứu tằm thuộc Ty Nông nghiệp Lâm Đồng.

Sau năm 1975, Trại giống tằm Trung ương, tiền thân của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, được thành lập. Với điều kiện đất đai, khí hậu và thời tiết thuận lợi, diện tích trồng dâu nơi đây nhanh chóng phát triển, có thời kỳ lên đến trên 3.000ha. Thế nhưng, ngành trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của Bảo Lộc trải qua nhiều bước thăng trầm. Việc phát triển dâu tằm mang tính quảng canh, chất lượng tơ kén thấp, giá không ổn định và sức cạnh tranh kém… khiến các đơn vị chế biến tơ lụa có một thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài.

Sau thời kỳ suy thoái, vài năm trở lại đây, ngành trồng dâu nuôi tằm tại Bảo Lộc bắt đầu phục hồi, phát triển. Trở lại xã Đạm B’ri, thành phố Bảo Lộc, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được là những nương dâu xanh ngút ngát. Đạm B’ri là vùng trồng dâu tằm tập trung nhất của thành phố Bảo Lộc hiện nay với khoảng 480ha.

Vừa thu hái những lá dâu giống mới xanh non, ông Nguyễn Văn Bảy (thôn 4) phấn khởi trò chuyện: Gia đình có 4 sào dâu, mỗi đợt nuôi 2 hộp trứng tằm, thu về khoảng 1 tạ kén. Những lúc dâu rộ thì mỗi tháng có thể làm đến 3 lứa. Với mức giá hiện nay là 130.000 đồng/kg kén thì tính ra doanh thu từ trồng dâu nuôi tằm cao gấp 3 lần trồng cà phê. Đó là chưa kể những lúc giá kén tăng lên đến hơn 200.000 đồng/kg. “Nhưng nuôi tằm có vất vả và tốn nhiều công lắm không, vì xưa có câu nuôi tằm ăn cơm đứng?”, chúng tôi hỏi.

Ông Bảy cười xòa: “Đó là ngày xưa thôi, chứ bây giờ nuôi tằm nhàn nhã lắm. Dâu thì nhiều giống mới, năng suất cao. Tằm cũng không cần nuôi trên nong nữa, mà cứ cho xuống sàn nhà, rất tiện. Một khâu khó nhất đó là ấp giống tằm thì đã có các cơ sở chuyên cung cấp rồi, mình chỉ mua tằm con về nuôi”.

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đạm B’ri, cho biết, dâu tằm đang là loại cây kinh tế nhất tại địa phương. Nhờ đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất, năng suất lá dâu rất cao, đạt đến 30 tấn lá/ha/năm, cao gấp 4-5 lần so với giống dâu truyền thống. Năng suất kén đạt 2 - 2,5 tấn/ha dâu. Đặc biệt là gần đây, giá kén phục hồi và giữ ổn định ở mức cao, từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg. Do vậy, doanh thu từ trồng dâu nuôi tằm đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 - 3 lần so với cây chè, cà phê.

Thu hoạch lá dâu cao sản để nuôi tằm tại xã Đạm B’ri

Khác với sự yên ả trên những nương dâu, đến các cơ sở ươm tơ, dệt lụa ở Bảo Lộc vào thời điểm này, chúng tôi luôn bắt gặp không khí hối hả của công nhân, cùng tiếng máy quay tơ, dệt lụa vang lên rầm rập.

Ngành tơ lụa nơi đây thực sự đang chuyển mình để trở lại thời hoàng kim sau một giai đoạn dài trầm lắng. Hiện trên địa bàn đã có nhiều nhà máy chế biến tơ tằm quy mô lớn. Công nghệ sản xuất tơ lụa và các sản phẩm dệt may từ tơ lụa của Bảo Lộc đã được đầu tư với nhiều thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực xe tơ, dệt lụa của cả nước.

Gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND Thành phố Bảo Lộc, ông Nguyễn Quốc Bắc, hồ hởi thông tin: Hiện trên địa bàn thành phố có 24 doanh nghiệp và một số cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tơ lụa, trong đó có 9 doanh nghiệp ươm tơ tự động, 2 doanh nghiệp ươm tơ cơ khí, 9 doanh nghiệp xe tơ, dệt lụa và 4 đơn vị kinh doanh tơ lụa. Hàng năm, các đơn vị sản xuất hơn 900 tấn tơ, hơn 3 triệu m2 lụa. Các sản phẩm chính của tơ lụa Bảo Lộc như: tơ xe, vải lụa tơ tằm, lụa Satin (dùng may áo kimono), lụa Yozu (dùng may khăn choàng đầu ở các nước khối Ả rập, Ấn Độ), vải lụa Habutai, lụa CDC… dùng may áo dài, quần áo cao cấp, trang trí nội thất. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã vươn ra các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông…

Dù vậy, ông Nguyễn Quốc Bắc trăn trở là nguồn giống tằm vẫn chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, còn giống nội địa chỉ chiếm 10%. Việc quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành tơ lụa còn nhiều khó khăn. Chất lượng tơ lụa Bảo Lộc được khẳng định từ lâu, nhưng sản phẩm chưa phong phú, còn thiếu điều kiện để quảng bá thương hiệu.

NAM VIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/to-lua-bao-loc-hoi-sinh-574517.html