Tô lo cứu người còn đâu thời gian để sợ!

'Cứu người là trên hết nên cả nhóm lên các ca nô vượt sóng dữ ra hướng đã xác định để cứu người', giám đốc cứu hàng trăm người giữa tâm bão số 12 chia sẻ.

Một số thành viên trong nhóm của anh Nguyễn Bá Luân

Anh Nguyễn Bá Luân (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa), Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam chia sẻ với Báo Giao thông về câu chuyện cứu người giữa tâm bão số 12 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết thư biểu dương.

Nhóm các anh đã cứu được hơn 200 người tại khu vực vịnh Vân Phong khi bão số 12 hoành hành. Việc này diễn ra thế nào?

Sáng sớm 4/11, bão số 12 đổ bộ, gió rất mạnh quật ngã cây cối, tốc mái nhiều nhà, sóng cao dữ dội đánh chìm nhiều thuyền bà con neo đậu. Lúc đó, chúng tôi đang đứng trực bão tại cầu cảng (công ty của anh Luân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, mua sắm ca nô để phục vụ khách - PV) thì phát hiện một ngư dân mặc áo phao đang chơi vơi ngoài biển. Lập tức, anh em lao ra đưa người này vào bờ. Tưởng chỉ vậy, ai ngờ người này bảo còn nhiều người khác đang mắc kẹt ngoài biển.

"Cả nhóm 8 người đều bất ngờ khi nhận thông tin được Thủ tướng khen. Đến giờ chưa được cầm tận tay bức thư ấy nhưng đọc qua mạng ai cũng mừng, vinh dự, ấm lòng."

Anh Nguyễn Bá Luân

Nhìn lớp sóng cao 5-7m, tàu thuyền bị cấm hoạt động khiến việc di chuyển cũng hết sức khó khăn, đặc biệt ca nô càng bất lợi. Tuy nhiên, chúng tôi trao đổi nhanh, cùng quyết tâm lên đường. Cứu người là trên hết nên cả nhóm lên các ca nô vượt sóng dữ ra hướng đã xác định để cứu người.

Căng nhất là khi chuyến đầu tiên cập bờ (cứu được 7 - 8 người), người dân lại đến báo tin còn nhiều người thân trên lồng bè ở vịnh Vân Phong. Mỗi người lại báo một địa điểm, cách nhau cả chục hải lý. Lúc này trời đã tối mịt nhưng nhóm vẫn quyết định lấy 2 canô còn lại lên đường, chia làm 3 hướng. Một hướng đi về vùng biển phía Bắc huyện Vạn Ninh, một hướng đi về phía Nam và một hướng đâm thẳng ra Bãi Giếng ở phía Đông. Anh em ở nhà lo chuẩn bị xăng, tiếp nhận và có thể thay thế cho phiên sau.

Các anh có thấy liều mạng khi những phương tiện dùng để cứu hộ, cứu nạn không thể hoạt động trong điều kiện bão lớn?

(Cười). Giờ nghĩ lại thì đúng là lúc đó tụi mình liều thật. Biển động rất mạnh nên việc di chuyển khó khăn, lại trong đêm tối, phải tập trung hết sức để điều khiển ca nô không bị đánh úp. Có một chi tiết mà đến giờ không ai giải thích được đó là tất cả các chuyến chạy đêm nhưng không ai va phải vô số vật dụng lồng bè khi đó bị bão đánh tan ngoài biển. Nếu va chạm trong bão chắc chắn ca nô sẽ bị hư hại, bị thủng giữa biển khơi.

Nhiều bà con chơi vơi trong sóng dữ, buộc tay chặt vào thùng phao vì bám tay không chịu nổi. Ai nấy đều lả đi khi mình kéo lên. Có những người trôi dạt hơn 20 hải lý, mãi từ vùng Khải Lương ở phía Bắc trôi về Vạn Giã ở phía Nam. Thấy mình, họ mừng khóc, nói như chết đi sống lại. Bà con được cứu cũng hô to, rọi pin tìm người bị nạn. Càng thấy thế, anh em càng quyết tâm cứu người đến cùng.

Ca nô bình thường chỉ chở được 20 người, nhưng có chuyến đưa hơn 30 người về bờ.

Cảm ơn anh!

Quốc Nhựt (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/to-lo-cuu-nguoi-con-dau-thoi-gian-de-so-d232402.html