Tổ liên kết đan mây xiên cói - mô hình kinh tế tiêu biểu của phụ nữ xã Thiệu Giang

Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình tổ liên kết (TLK) nghề mây xiên cói xuất khẩu do phụ nữ làm chủ, chị Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa), phấn khởi cho biết: toàn xã có khoảng 200 thành viên kết nối sản xuất và nhập sản phẩm cho TLK, nhiều lao động nữ nông nhàn ở vùng nông thôn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tổ liên kết đan mây xiên cói xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Nghề mây xiên cói được du nhập vào địa phương từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ. Người lao động làm ra sản phẩm tự mang đến nhập cho doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng, xã Thiệu Long. Nhận thấy nghề có xu hướng phát triển tốt, mang lại thu nhập, UBND xã Thiệu Giang đã tạo điều kiện cho người dân được học nghề và phát triển nghề, giao cho hội LHPN xã vận động hội viên tích cực tham gia. Năm 2016, hội LHPN xã đã thành lập được TLK đan mây xiên cói xuất khẩu do phụ nữ làm chủ, thu hút hơn 30 hội viên tham gia là những người có tay nghề và duy trì làm nghề thường xuyên nhằm tạo môi trường phát triển nghề khép kín từ khâu nhập nguyên liệu, xuất bán sản phẩm và hỗ trợ nhau trong quá trình làm nghề.

Chị Nguyễn Thị Yến, thôn Đa Lộc, thành viên TLK cho biết: “Tôi gắn bó với nghề đan từ nhiều năm nay. Mỗi tháng tranh thủ thời gian nông nhàn để làm và có thu nhập đạt từ 4 triệu đồng trở lên. Tôi còn tham gia thi tay nghề và đạt loại giỏi. Nghề đan mây xiên cói không vất vả, chỉ cần chịu khó và cẩn thận là được. Làm ở nhà vừa có thời gian chăm sóc con, thu dọn việc nhà mà vẫn có thu nhập ổn định và có thời gian tham gia các phong trào của hội, của địa phương, tình cảm hội viên gắn bó nhiều hơn”.

Chị Lê Thị Hà, chi hội trưởng phụ nữ thôn Đa Lộc, tổ trưởng TLK được giao nhiệm vụ làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp để tạo việc làm cho các thành viên và người lao động trong xã. Chị Hà cho biết: “Ban đầu duy trì nghề rất khó khăn nên bản thân tôi vừa tranh thủ đan, vừa mang nguyên liệu đến nhà một số hộ để động viên lao động làm. Sản phẩm bao gồm những chiếc hộp với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau được doanh nghiệp thu mua để xuất sang nhiều thị trường nước ngoài và tiêu thụ trong nước. Để duy trì nghề, chị Hà và một số thành viên còn dành thời gian học thêm kỹ thuật, mẫu mã mới về truyền đạt lại cho các hộ khác cùng làm. Giai đoạn khó khăn rồi cũng qua, dần dà nhiều chị em đến xin học nghề và nhận nguyên liệu về nhà đan.

Từ khi TLK đan mây xiên cói xuất khẩu đi vào hoạt động, hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trung bình mỗi người đan được từ 50 đến 60 chiếc hộp/tháng, thu nhập đạt từ 3 đến 4 triệu đồng/người trở lên. Với chị em ở vùng nông thôn, đây là khoản thu nhập đáng kể cho gia đình lúc nhàn rỗi.

Chị Lê Thị Bích, hộ nghèo là thành viên TLK cho biết: “Tham gia TLK đan mây xiên cói lồng xuất khẩu, tôi không phải bỏ vốn mà chỉ cần bỏ công, thị trường tiêu thụ ổn định nên hàng tháng cũng có thêm thu nhập nuôi con ăn học. Nhờ vậy, cuộc sống đỡ khó khăn hơn”.

TLK đan mây xiên cói xuất khẩu xã Thiệu Giang được biết đến là địa chỉ tin cậy, là ngôi nhà thứ hai của nhiều chị em hội viên, phụ nữ trong xã và trở thành một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Nhiều hội viên, phụ nữ cho biết: Khi mới thành lập, đa số chị em không muốn tham gia vì lo ngại đầu ra của sản phẩm, nhưng chịu khó làm, trau dồi kỹ thuật, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu và được doanh nghiệp bao tiêu nên thu nhập của chị em khá ổn định. Chị em trong tổ còn trích thu nhập hàng tháng góp quỹ hoạt động giúp nhau lúc khó khăn; động viên nhau tham gia các phong trào, hoạt động chung của hội phụ nữ xã, chi hội ở thôn, như: Trồng hoa bên đường, vệ sinh môi trường... góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Minh Trang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/to-lien-ket-dan-may-xien-coi-mo-hinh-kinh-te-tieu-bieu-cua-phu-nu-xa-thieu-giang/131799.htm