Tổ hợp tác chiến điện tử 'Pole-21' của Quân đội Nga

Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Nga Kirill Ryabov về kiểu vũ khí tác chiến điện tử được coi là rất hiệu quả trong trang bị của Nga.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 21/4/2021:

Trong danh mục những tổ hợp tác chiến điện tử hiện đại đang có trong trang bị của Quân đội Nga, có một mẫu khá thú vị - đó là tổ hợp tác chiến điện tử “Pole-21” (“Cánh Đồng-21”) có chức năng bảo vệ mục tiêu trước các cuộc tấn công của vũ khí chính xác cao.

“Sản phẩm” này ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2013, và đến năm 2016, nó đã được đưa vào trang bị. Kể từ thời điểm đó, liên tục có thông tin về những đợt bàn giao tổ hợp này cho các đơn vị quân đội và về việc sử dụng chúng trong nhiều cuộc tập trận quy mô khác nhau.

Mái vòm vô tuyến điện tử

Tổ hợp “Pole-21” được thiết kế tại Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Tác chiến Điện tử (viết tắt tiếng Nga NTTs REB). Các nội dung công việc thiết kế chủ yếu đã được hoàn tất vào giữa thập kỷ trước, và đến năm 2016 tổ hợp đã được trang bị cho Quân đội Nga.

Hiện đã có thêm một phiên bản hiện đại hóa là “Pole-21M” trong các đơn vị và một phiên bản xuất khẩu là “Pole-21E” đang được quảng bá trên thị trường quốc tế.

Tổ hợp "Pole-21" được thiết kế để chống lại những loại vũ khí chính xác cao và những hệ thống khác có sử dụng thiết bị định vị vệ tinh của đối phương. Nhiệm vụ của tổ hợp này là gây nhiễu và chế áp tín hiệu từ các vệ tinh dẫn đường.

Do không thể xác định chính xác được tọa độ của mình nên tên lửa, bom, máy bay của đối phương, v.v. sẽ không thể thực hiện được những nhiệm vụ tác chiến được giao.

Tổ hợp được chế tạo theo nguyên tắc mô-đun, giúp đơn giản hóa quá trình sản xuất và triển khai. Mô-đun quy chuẩn "Pole-21" là đài phát vô tuyến R-340RP với phần thiết bị và các mô-đun ăng-ten.

Mỗi cột ăng ten của tổ hợp có một container chứa thiết bị và đến ba mô-đun ăng-ten. Trong thành phần của tổ hợp còn có một bảng điều khiển từ xa đảm bảo khả năng điều khiển hơn 100 cột ăng ten.

Mỗi mô-đun ăng-ten phát nhiễu có khả năng chế áp tín hiệu vô tuyến ở cự ly ít nhất 25 km. Công suất phát từ 300 đến1000 W. Đảm bảo cho tổ hợp làm việc trong một khu vực có góc phương vị 125 độ và góc tà là 25 độ.

Mỗi cột tiêu thụ mức điện năng lên đến 600 watt. Tổ hợp có khả năng chế áp tín hiệu của tất cả các hệ thống định vị- dẫn đường vệ tinh hiện có.

Các phương tiện của tổ hợp "Pole-21": giá đỡ với thiết bị (bên trái), mô-đun ăng-ten (trên cùng bên phải) và bảng điều khiển.

Các phương tiện của tổ hợp "Pole-21": giá đỡ với thiết bị (bên trái), mô-đun ăng-ten (trên cùng bên phải) và bảng điều khiển.

Các trạm R-340RP với ăng-ten được lắp đặt trên các tháp và các cột đã có sẵn hoặc được lắp đặt riêng với độ cao phù hợp. Cũng có thể bố trí các phương tiện của tổ hợp trên các xe ô tô.

Đảm bảo khả năng tương thích với các nguồn nuôi (điện) khác nhau. Liên lạc giữa các thành phần của tổ hợp có thể được duy trì qua đường dây hoặc bằng liên lạc vô tuyến. Cụ thể, trong trường hợp lắp đặt các trụ trên tháp điện thoại di động, có thể sử dụng ăng-ten GSM làm phương tiện dự phòng.

Cách thức tiêu chuẩn trong triển khai và sử dụng tổ hợp “Pole-21” là lắp đặt một số lượng lớn các mô-đun trên một diện tích lớn- có tính đến hình dạng và kích thước của các khu vực làm việc.

Với cách bố trí tối ưu, một tổ hợp với 100 cột ăng ten có thể phủ sóng trên một khu vực lãnh thổ diện tích 150 x 150 km. Tạo được một "mái vòm" phát nhiễu đáng tin cậy loại trừ hoàn toàn khả năng sử dụng thiết bị định vị vệ tinh của đối phương.

Các tổ hợp đang có trong trang bị

Tháng 8/2016, các phương tiện truyền thông Nga dẫn nguồn tin của mình đã đưa tin về việc tổ hợp “Pole-21” đã được đưa vào trực chiến. Khi đó, cả Bộ Quốc phòng và nhà thiết kế đều đã không xác nhận cũng như phủ nhận thông tin này. Ngoài ra, trong một thời gian khá dài đã không có tin tức nào thêm về việc đưa “Pole-21” vào trang bị.

Thông tin đầu tiên về việc đưa “Pole-21” vào trực chiến chỉ xuất hiện sau đó vài năm. Cụ thể, tháng 11/2019, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cho biết “Pole-21” đã được đưa vào trang bị cho một đơn vị tác chiến điện tử của Quân khu Trung tâm.

Cùng với đó, các quan chức quân sự Nga cũng cho biết thêm việc tái trang bị cho Quân khu Trung tâm sẽ không dừng lại ở đó, và trong tương lai gần, các đơn vị của quân khu này sẽ làm chủ các tổ hợp tác chiến điện tử mới.

Không lâu sau đó, vào đầu tháng 12/2019, có thêm thông tin về việc triển khai tổ hợp “Pole-21” tại căn cứ số 201 của Các Lực lượng Vũ trang Nga đóng quân trên lãnh thổ Tajikistan.

Theo nguồn tin này, bộ đội Nga tại căn cứ đã luyện tập cách triển khai thiết bị trong một khu vực chưa được chuẩn bị trước và thử nghiệm nó trên thực địa. Trong tương lai gần, đã có kế hoạch đưa tổ hợp này vào trực chiến tại căn cứ này .

Vào giữa tháng 4/2020, có tin là một tổ hợp tác chiến điện tử kiểu mới đã được bàn giao cho một trong các tập đoàn quân binh chủng hợp thành Quân khu Đông. Và điều đáng chú ý- đó chính là tổ hợp "Pole-21M".

Tháng 1/2021, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cho biết đến cuối năm nay, các đơn vị Quân khu Trung tâm sẽ nhận thêm 10 tổ hợp “Pole-21”. Các “sản phẩm” này sẽ được bàn giao cho nhưng đơn vị đóng quân tại Ural và Siberia. Hiện chưa có thông tin chính thức nào về việc đã triển khai bàn giao các tổ hợp nói trên hay chưa.

Cách đây không lâu, còn có tin về sự hiện diện của "Pole -21" tại căn cứ Tartus ở Syria. Tổ hợp này cùng với các tổ hợp hiện đại khác được sử dụng để chống lại các cuộc đột kích có thể xảy ra và để ngăn chặn mọi “hoạt động không mong muốn” khác của đối phương tiềm năng.

Mấy ngày trước đây, có một tin mới. Đó là việc các chuyên gia tác chiến điện tử của Tập đoàn quân 49 thuộc Quân khu Nam (gần Ukraine) đã sử dụng tổ hợp “Pole-21” của mình lần đầu tiên trong các hoạt động huấn luyện chiến đấu. Trước đây, không hề có tin gì về việc trang bị các phương tiện kỹ thuật đó cho Quân khu Nam.

Những đặc điểm sử dụng

Không lâu sau khi có những tin tức đầu tiên về triển khai "Pole-21" trong các đơn vị, đã có tiếp các thông tin về việc sử dụng những tổ hợp này trong các cuộc tập trận khác nhau. Những người đầu tiên sử dụng “Pole-21” là các chuyên gia tác chiến điện tử của căn cứ số 201 Quân đội Nga.

Vào đầu tháng 1/2020, họ đã tổ chức cho “Pole-21” diễn tập thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các khu dân cư và khu vực hành chính, các kho vũ khí và các trận địa của các tổ hợp phòng không.

Tiếp sau đó, liên tục có tin về việc sử dụng tổ hợp “Pole-21” trong các cuộc tập trận khác nhau. Các tổ hợp này có thể hoạt động độc lập hoặc phối thuộc với các hệ thống tác chiến điện tử khác phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Lần cuối cùng Bộ Quốc phòng công bố về những sự kiện như vậy mới chỉ cách đây vài ngày, vào trung tuần tháng 4. Trong một loạt các trường hợp, một số chi tiết của các cuộc tập trận đã được tiết lộ, điều này cho phép hình dung những khả năng và nhiệm vụ của tổ hợp mới này.

Được biết, trong các cuộc tập trận, "Pole-21" chủ yếu được sử dụng để chống lại các máy bay không người lái của đối phương giả định.

Tổ hợp “Pole-21” phát nhiễu làm gián đoạn hoạt động của thiết bị dẫn đường cho UAV và như vậy, làm cho nó không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Rất nhiều khả năng là các phân đội khai thác tổ hợp này đã thực hành phương án sử dụng như vậy.

Ngoài ra, cũng đã luyện tập phương án sử dụng chung "Field-21" với các hệ thống khác.

Ví dụ cụ thể là vào tháng 10 năm ngoái, bộ đội của Quân khu Trung tâm đã sử dụng tổ hợp này cùng với trạm phát nhiễu "Zhitel" để chế áp các kênh liên lạc của UAV. Tại Tartus, cùng với Pole-21, đã triển khai tổ hợp “Ratnik-Kupol” để chế áp các tín hiệu dẫn đường và các kênh điều khiển.

Các cuộc tập trận gần đây ở Quân khu Nam cho thấy khả năng của hệ thống “Pole-21” khi làm việc trong các tuyến trinh sát và tấn công của một tập đoàn quân binh chủng hợp thành.

Các phân đội tác chiến điện tử hoạt động trong thành phần của các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn và bảo vệ nhóm này trước các máy bay không người lái trinh sát. Nhờ phát nhiễu mạnh, tổ hợp làm gián đoạn hoạt động của UAV và bảo vệ được bộ đội trước các cuộc pháo kích của đối phương tiềm năng.

Bảo vệ tương lai

Việc bàn giao tổ hợp tác chiến điện tử "Pole-21 (M)" cho Quân đội mới chỉ bắt đầu cách đây một năm rưỡi, và kể từ thời điểm đó, chúng đã được các phân đội tác chiến điện tử của ba quân khu tiếp nhận.

Theo thông tin đã biết, việc sản xuất và cung cấp các thiết bị này sẽ tiếp tục trong tương lai - riêng Quân khu Trung tâm sẽ nhận thêm 10 tổ hợp mới này ngay trong năm nay.

Tổ hợp “Pole-21” đã khẳng định được những khả năng của mình trong các cuộc thử nghiệm, và giờ đây, nó còn cho thấy tiềm năng rất lớn qua sử dụng trong khuôn khổ các cuộc tập trận ở nhiều quy mô khác nhau.

Nhưng cũng không khó để nhận ra rằng tổ hợp “Pole-21”, dù với tất cả những ưu điểm đã được kiểm chứng của nó, không phải là là một tổ hợp “vạn năng”- nó chỉ là một tổ hợp chuyên dụng để chế áp tín hiệu vô tuyến cho một mục đích nhất định.

Tuy nhiên, nó có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo, và cũng có các tính năng kỹ thuật và tính năng khai thác ưu việt. Ngoài ra, nguyên tắc chế áp định vị vệ tinh là một nguyên tắc có tính đến các xu hướng phát triển của các lực lượng vũ trang và vũ khí trong tương lai.

Tổ hợp được thiết kế để đối phó với các hệ thống định vị của đối phương là “Pole-21” đã khẳng định được vị trí của mình trong cơ cấu tác chiến điện tử của Quân đội Nga. Số lượng thiết bị kỹ thuật này đang dần tăng lên; danh sách những đơn vị khai thác chúng đang mở rộng.

Và như vậy, Quân đội Nga đang tích cực phát triển và cải thiện các khả năng của chúng để đối phó hiệu quả với đối phương- việc khai thác- làm chủ tổ hợp "Pole-21"- đó chính là một bước đi quan trọng trên hướng này.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/to-hop-tac-chien-dien-tu-pole-21-cua-quan-doi-nga-3431052/