Tổ hợp phòng không Morpheus Nga gây thất vọng khi tham chiến tại Syria

Chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Viktor Murakhovsky đã có một bài viết trên trang cá nhân của mình trong đó chỉ ra rằng tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 triển khai tại Syria là 'một nỗi thất vọng lớn'.

Chuyên gia quân sự Nga - Đại tá Viktor Murakhovsky đã phàn nàn rất nhiều về hiệu suất tác chiến của tổ hợp Pantsir-S1 khi nó được triển khai tại Syria.

Cụ thể theo ông Murakhovsky thì hệ thống tên lửa - pháo phòng không tầm thấp này thường xuyên bỏ lọt mục tiêu cỡ nhỏ hoạt động ở độ cao thấp như máy bay không người lái.

Chưa dừng lại đó, Pantsir-S1 còn thường xuyên báo động nhầm khi xác định chim biển cỡ lớn là phương tiện tấn công đường không của đối phương đang xâm nhập trận địa.

Ngoài ra hiệu suất tác chiến của tên lửa đánh chặn 57E6 trang bị cho Pantsir-S1 cũng bị phàn nàn rất nhiều khi nó chỉ đạt xác suất trúng đích vỏn vẹn 19%.

Rất may cho Pantsir-S1 là sau đó người Nga đã cấp tốc điều động sang Syria các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp khác là Tor-M2U và nó đã phát huy tác dụng, vá lại lỗ thủng bầu trời mà Pantsir-S1 để lại.

Mô hình tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 42C6 Morpheus. Ảnh: TASS.

Mô hình tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 42C6 Morpheus. Ảnh: TASS.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng bên cạnh Pantsir-S1 và Tor-M2U, Nga còn mang sang căn cứ Hmeimim một hệ thống phòng không tầm thấp đặc biệt khác đó chính là Morpheus.

Căn cứ vào hình ảnh vệ tinh chụp được từ căn cứ Hmeimim vào cuối tháng 7/2018, các chuyên gia quân sự xác nhận Nga đã đưa tới đây hệ thống tên lửa phòng không mới nhất 42C6 Morpheus.

Được biết hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Morpheus bắt đầu được phát triển từ năm 2007, do Phòng thiết kế thử nghiệm của Tập đoàn vũ khí Almaz-Antey nghiên cứu, chế tạo.

Morpheus có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng, nó được trang bị cả phương tiện tấn công chủ động lẫn thụ động. Hệ thống tên lửa phòng không loại này loại bỏ được mọi mục tiêu hoạt động trong tầm bắn hiệu quả 6 km.

Hệ thống được trang bị radar đa năng 29YA6 đặt trên xe chiến đấu 70N6. Ngoài ra, tổ hợp này còn được lắp thêm trạm hồng ngoại, trong khi trung tâm điều khiển hệ thống sẽ được đặt trên xe chiến đấu BAZ hoặc Tiger.

Về tổ hợp phóng, chúng cũng được đặt trên xe chiến đấu 70N6. Các tên lửa được bắn đi từ các ống phóng thẳng đứng. Mỗi tổ hợp phóng có thể mang theo tối đa 16 tên lửa.

Loại tên lửa được sử dụng là loại 9M338K với tầm bắn tối đa khoảng 6 km và tầm bắn cao khoảng 3.5 km, có thể dùng để tiêu diệt UAV, đạn pháo, cối... như vậy tính năng của chúng rất giống Iron Dome của Israel.

Tổ hợp phòng không 42C6 Morpheus đã có màn ra mắt thiếu ấn tượng tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Mặc dù triển khai tại Syria đã lâu nhưng cũng giống như S-400, Morpheus lại chưa được ghi nhận đã phóng một quả tên lửa nào lên bầu trời để đánh chặn các cuộc tấn công liên tiếp vào căn cứ Hmeimim thời gian qua.

Thậm chí trong các bức ảnh vệ tinh gần nhất, tung tích của hệ thống phòng không tầm thấp này cũng đã không còn được ghi nhận, dẫn tới nhận định nó đã được rút về nước.

Nếu thực sự như vậy, Morpheus đã có một màn ra mắt rất thiếu thuyết phục tại Syria khi chẳng phát huy được vai trò gì sau thời gian triển khai, người Nga có lẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa để hoàn thiện nó.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/to-hop-phong-khong-morpheus-nga-gay-that-vong-khi-tham-chien-tai-syria/20190901015608187