'Tô hồng' phải hết sức chính xác, 'bôi đen' càng phải thận trọng hơn'

Một ĐB đã phải thốt lên như vậy khi tranh luận tại diễn đàn QH. Điều đó cho thấy những tranh luận đã 'nóng' đến mức nào. Đặc biệt, ý kiến của các ĐB Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa… bị một số ý kiến bác bỏ thẳng thừng.

Chậm trễ trong bộ máy tư pháp là điều khủng khiếp với người dân

Trong phiên thảo luận ở Hội trường về công tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật ngày 6 và 7 tháng 11 được truyền hình trực tiếp, người dân chứng kiến các cuộc tranh luận thẳng thắn hiếm gặp từ trước đến nay. Có những ý kiến tranh luận với cả những phát biểu từ phiên thảo luận tình hình phát triển KT - XH trước đó mấy ngày. Chính những trao đổi qua lại một cách trực diện, giúp dư luận hiểu hơn bức tranh tổng thể.

Luật sư, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đưa ra nhận xét khái quát: Chậm trễ trong bộ máy tư pháp là điều khủng khiếp với người dân. Một trong những nguyên nhân này là nạn lót tay. Có lót tay, có cò thì việc mới chạy.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) giơ bảng tranh luận. Ảnh: Tuổi trẻ.

Không đồng tình quan điểm này, ĐB Mai Khanh (Ninh Bình) trước khi trình bày quan điểm của mình đã nhấn mạnh: “Việc “tô hồng” là chúng ta phải hết sức chính xác, việc “bôi đen” càng phải thận trọng hơn". ĐB Mai Khanh cho rằng "ĐB Trương Trọng Nghĩa nói như thế là còn thiếu cơ sở vững chắc và chưa có căn cứ để khẳng định mang tính phổ biến ở nước ta”.

Ông Kình gãy chân là do giằng co

Thực tế tham gia bào chữa nhiều vụ việc, luật sư, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đã nêu cụ thể diễn biến ngắn gọn một số vụ án rồi đưa ra nhận xét “nhiều vụ án đưa ra xét xử nhưng không đủ căn cứ kết tội, lẽ ra phải tuyên bị cáo không phạm tội theo tinh thần cải cách tư pháp nhưng hồ sơ lại được điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung hết không chứng minh được tội phạm lẽ ra phải đình chỉ điều tra vụ án nhưng lại tạm đình chỉ điều tra bị can.” Vậy, vì lẽ gì để xảy ra tình trạng này? ĐB Chiến cho rằng, “sợ trách nhiệm làm oan nên xem ra tạm đình chỉ là giải pháp an toàn”.

Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (ĐB Hà Nội) tranh luận về 2 vụ án mà ĐB Chiến cho rằng có dấu hiệu oan sai. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hữu Chính một mặt thừa nhận, có sự vi phạm về mặt thời gian tố tụng và có sự vi phạm về mặt điều tra, điều tra bổ sung nhiều lần. Tuy nhiên, ĐB Chính cho rằng, vấn đề là vi phạm này quan điểm chúng tôi xem có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Và, vụ án chưa kết thúc, do vậy chưa thể kết luận rằng vụ án có oan hay không.

Tiếp đó, ĐB Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc CA Hà Nội) cho rằng, ĐB Chiến “chỉ căn cứ vào tài liệu do cung cấp phiến diện của một chiều về phía của thân chủ mà đại biểu bảo vệ để cung cấp các thông tin, như vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan”.

Tiếp đó, ĐB Hải tranh luận với ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc được nêu từ phiên thảo luận về tình hình KT- XH trước đó. Với vụ án ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, nếu ĐB Quốc nêu câu hỏi, vì sao chưa xử lý cán bộ công an gây thương tích cho ông Kình, thì ĐB Hải cho rằng, “gia đình nhà ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và đã xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gẫy chân”. Sau đó, ĐB Quốc tranh luận lại một cách ngắn gọn: “Tôi thấy việc đó không nên biện bạch, các đồng chí nên công khai nói sự việc ấy để nhân dân bình luận…”

“Xin tranh luận với lợi ích cá nhân tôi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng”

Là người thường phát biểu thẳng vào các vấn đề gai góc, lần này ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) vẫn vậy. Khá thận trọng, ĐB Nhưỡng “rào trước, đón sau” khi cho rằng, thẩm phán là nghề rất rủi ro bởi công việc rất nhạy cảm, căng thẳng. Tiếp đó, ĐB Nhưỡng mới nhận xét: “Tòa án nhân dân chưa trở thành biểu tượng công lý trong mắt người dân”. Sau đó, ĐB Nhưỡng đi vào nội dung cụ thể: “Qua nhiều trường hợp cho thấy nguyên tắc độc lập xét xử dường như còn mới chỉ tồn tại trên văn bản pháp luật, trong khi đó lại là nguyên tắc cốt tử của tố tụng tư pháp”.

Rõ ràng, đây là những nội dung cực kỳ nhạy cảm, nên không có gì lạ khi có nhiều ý kiến tranh luận lại. Thậm chí, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói rất rõ khi tranh luận “với tư cách của một người từng làm Tòa án 27 năm, tôi xin tranh luận với lợi ích cá nhân tôi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng”. Bởi như ĐB Bộ khẳng định “tôi cống hiến trong sạch”.

Một thẩm phán khác, ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) tranh luận với ĐB Nhưỡng về tính độc lập của thẩm phán trong xét xử. ĐB Chính nhấn mạnh: Độc lập trong xét xử là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong xét xử. Do đó, thực tiễn không có bất cứ tòa án nào quy định yêu cầu thẩm phán phải báo cáo án, những ý kiến trao đổi chỉ là tham khảo.

Ở góc nhìn tích cực thì đây là thành tích

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đưa ra cách đánh giá: “Lĩnh vực nào có chương trình phòng ngừa giảm thiểu thì kết quả thực hiện thường có chiều hướng ngược lại”. Để minh chứng cho đánh giá của mình, ĐB Hiền dẫn lại ở một lĩnh vực hình sự, tham nhũng, ma túy… đều tăng so với cùng kỳ những năm trước. ĐB Hiền cũng nêu ví dụ đang được dư luận quan tâm là một người mẹ đơn thân viết đơn tố cáo kẻ hiếp dâm, nhưng cơ quan điều tra lại cho rằng đó là thông dâm và tổ chức họp báo. Điều đó khiến danh dự của 3 mẹ con bà mẹ đơn thân này bị ảnh hưởng trầm trọng.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) cho rằng, ý kiến ĐB Hiền chỉ là góc nhìn một chiều, bởi “ở góc nhìn tích cực thì đây là thành tích, là dấu hiệu đấu tranh tích cực, là chính sách tích cực của pháp luật chúng ta đã đạt được”.

Là ĐB của địa phương xảy ra việc bà mẹ đơn thân làm đơn xin rút quyền công dân của mình, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) sau khi dẫn lại quá trình các cơ quan chức năng làm việc, rồi khẳng định: “Vụ việc đại biểu Hiền nêu như trên là không chính xác, là không đúng". Theo ĐB Dung, cho đến nay cũng không có các khiếu nại tiếp.

Vương Hà

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/to-hong-phai-het-suc-chinh-xac-boi-den-cang-phai-than-trong-hon-a345915.html