Tô đậm cái 'Tôi chính diện'

Nhà báo được xem là những người năng động, nắm bắt và sử dụng thông tin có hiệu quả nhất. Đây không phải là những lời ca ngợi dành cho họ, mà là yêu cầu phải có để tồn tại và hành nghề.

Nhà báo thời 4.0 bắt buộc phải thay đổi

Ký hiệu “4.0” gợi nên một cái gì đấy bí ẩn và hấp dẫn. Đây là cách viết tắt để chỉ cách mạng công nghiệp 4.0. Khác với phần lớn các thuật ngữ khác là xuất phát từ tiếng Anh, “4.0” xuất phát từ tiếng Đức: “Industrie 4.0”; nó khởi nguồn từ một dự án công nghệ cao của Chính phủ Đức. Đến nay, chúng ta có thể hiểu vắn tắt thế này: 4.0 phát triển trên 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Sự kết hợp này làm xóa nhòa các ranh giới, kết nối vạn vật lại với nhau. Với báo chí, nó mở ra khả năng siêu kết nối, siêu tương tác, đa phương tiện…; nghĩa là nó thay đổi hẳn cung cách làm báo.

"Những cái tít của những bài báo thời 4.0 có ý nghĩa lớn hơn ngày xưa? Đúng vậy nhưng xin đừng lạm dụng! Tít bài khi nào cũng phải tương ứng với nội dung".

TS Hồ Bất Khuất

Vài năm gần đây, tôi đọc hàng trăm bài báo nói về những thách thức và cơ hội đối với báo chí do 4.0 mang lại. Tôi cho rằng, đây là cách nói theo công thức đã khá cũ và không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Trong thực tế, những tiến bộ khoa học – kỹ thuật chưa bao giờ cản trở, mà chỉ thúc đầy sự phát triển của báo chí. Đầu tiên nhân loại chỉ có báo in; nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật, nay chúng ta đã có phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử.

Như vậy, nếu 4.0 có đặt ra thách thức thì chỉ thách thức với từng tòa soạn, với từng nhà báo đơn lẻ chứ không hề đặt ra thách thức với tất cả hoạt động báo chí. Còn 4.0 tạo ra cơ hội cho báo chí thì rất rõ: Hiện nay, các kênh thông tin ở trong môi trường số cho phép 4 loại hình báo chí tác động qua lại, điều chỉnh sự phát triển hợp lý để cung cấp thông tin cho con người nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Làm báo thời 4.0 có nhiều điều phải thay đổi để phù hợp với những cái mới. Ví dụ, trước đây việc “săn” tin là điều quan trọng nhất với nhà báo; nay, việc thẩm định sự xác thực của tin mới là quan trọng. Hoặc, trước đây người ta cho rằng những thông tin thú vị nhất nên đưa ra vào cuối bài để tạo ra sự bất ngờ thú vị. Nay các nhà lý luận kêu gọi người viết báo đưa một số thông tin hay nhất, hấp dẫn nhất vào trong 200 chữ đầu tiên của bài báo. Vì sao vậy? Vì cần phải giữ độc giả. Khi độc giả đọc báo trên mạng Internet, họ có vô số lựa chọn; thấy một bài báo có tít hấp dẫn, họ dừng lại đọc nhưng khi không thấy điều gì thú vị, họ chuyển qua bài báo khác, thậm chí là qua tờ báo khác.

Như vậy, những cái tít của những bài báo thời 4.0 có ý nghĩa lớn hơn ngày xưa? Đúng vậy nhưng xin đừng lạm dụng! Tít bài khi nào cũng phải tương ứng với nội dung. Nếu chỉ có cái tít hấp dẫn không thôi thì cũng chỉ gây chú ý được một vài lần đầu, sau đấy độc giả cảm thấy mình như bị lừa, họ không quan tâm đến những cái tít giật gân nữa.

Làm chủ thế giới đa phương tiện

Một nhà báo thời 4.0 phải biết viết, biết chụp ảnh, biết ghi hình. Đây là 3 thao tác cơ bản buộc người làm báo phải biết. Ngoài ra, nhà báo cần biết sử dụng đồ họa, biết trình bày; biết lập trình nữa thì càng tốt. Những điều này có thể học được. Các cơ sở đào tạo những người làm báo hiện nay đã đào tạo để đáp ứng điều này, họ đào tạo đa phương tiện.

Tuy nhiên, những đòi hỏi ở trên mới chỉ là những kỹ năng “cứng”, điều quan trọng với nhà báo là những phẩm chất thuộc về tư cách đạo đức – những đòi hỏi thuộc phần “mềm” đối với người làm báo. Đó là phải luôn luôn tôn trọng sự thật, đấu tranh vì sự công bằng. Điều này không có loại công nghệ hay máy móc hiện đại nào thay thế được cả (kể cả trí tuệ nhân tạo). Do vậy, những phẩm chất như trung thực, nhiệt tình, xông xáo, dũng cảm… là những thứ nhà báo cần phải có.

Làm báo thời 4.0 buộc các nhà báo phải biết ngoại ngữ và hiểu sâu sắc những khái niệm cơ bản thường gặp trong lĩnh vực báo chí.

Nếu hiểu rõ các khái niệm, nhà báo tránh được việc đưa tin mập mờ có tính hai mặt. Ví dụ, vào cuối tháng 5/2019, nhiều báo Việt Nam đưa tin với tít bài “Kinh tế Việt Nam được dự báo sớm vượt Singapore”. Các bài báo này nhằm mục đích ca ngợi kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu lớn, vượt Singapore là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, người đưa ra dự báo này chỉ dựa vào một tiêu chí duy nhất là quy mô của nền kinh tế. Và nhiều độc giả đã ngậm ngùi khi biết được GDP (tổng thu nhập quốc dân) của một đất nước có gần 100 triệu người, mà phải đợi 10 năm nữa mới bằng GDP của một đất nước có chưa tới 6 triệu người! Như vậy là hiện Việt Nam đang tụt hậu quá xa so với Singapore.

Những cái “Tôi” tô đậm

Trong lĩnh vực văn chương - báo chí, cá tính sáng tạo của từng tác giả là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí, khi hàng ngàn người viết về cùng một chủ đề, cá tính sáng tạo của từng cá nhân tạo sự khác biệt cho từng bài viết. Cá tính sáng tạo ở đây được thể hiện qua những cái “Tôi” khi ẩn, khi hiện.

Trong báo chí, theo quy định, ở mỗi bài viết, dù đó chỉ là một mẩu tin cũng phải có tên tác giả. Việc có tên tác giả trong từng bài viết nhằm bảo đảm cái “Tôi” của mỗi cá nhân. Tin là thể loại ngắn nhất, đơn giản nhất nhưng theo quy định, vẫn phải có tên người viết. Ở Việt Nam, một số báo thường đề hai chữ PV (phóng viên) ở cuối một mẩu tin. Điều này là sai quy định. Chỉ có một thể loại duy nhất không có cái “Tôi”, đấy là Xã luận. Còn trong tất cả các thể loại khác đều có cái “Tôi”.

Cái tôi trong báo chí được thể hiện rõ nhất trong các thể loại Phóng sự, Bình luận, Chuyên luận, Phỏng vấn… Đó là “Cái tôi nhân chứng”, cái “Tôi thẩm định”, “Cái tôi tự sự”, “Cái tôi cảm xúc”, “Cái tôi chính kiến”… Trong nhiều cái “Tôi” như vậy, có một cái “Tôi” đã được nâng lên thành nguyên tắc. Đó là “Cái tôi chính diện”. Cái tôi này đòi hỏi người xưng “tôi” trong tác phẩm báo chí phải là nhân vật chính diện. Cái “Tôi” này đòi hỏi nhà báo phải luôn luôn đứng về phái cái thiện, chống lại cái ác.

Ở mỗi thể loại khác nhau, cái “Tôi” có ý nghĩa khác nhau nhưng những cái “Tôi” đó đều thể hiện bản lĩnh của từng nhà báo. Làm báo giữa thời siêu tương tác, siêu kết nối, những cái “Tôi” giúp từng nhà báo, từng tòa soạn tạo bản sắc riêng để không bị chìm lấp trong hàng chục ngàn nhà báo, hàng trăm tòa soạn. Những cái “Tôi” sẽ giúp các tòa soạn khẳng định sự có mặt của mình là cần thiết trong tiền trình quy hoạch báo chí.

TS Hồ Bất Khuất

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/to-dam-cai-toi-chinh-dien-988528.html