Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tỉnh Hà Giang

Ngày 25/12, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với UBND tỉnh Hà Giang về việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa (thứ hai từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn (thứ nhất từ trái sang) tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư Hà Giang. Ảnh: VGP/Hà Chính

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Tổ phó Tổ công tác dẫn đầu, với sự tham gia của lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của VPCP và đại diện các bộ, cơ quan.

Tổ phó Tổ công tác Nguyễn Trọng Thừa đề nghị UBND tỉnh báo cáo về 6 nội dung: Tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và thực thi; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết Hà Giang là tỉnh có điều kiện rất khó khăn và trong những năm qua luôn rất được Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, đời sống của bà con được cải thiện nhiều. “Nếu trước đây, từ Hà Giang đi về Hà Nội từ 4 giờ sáng thì 7 giờ tối mới đến nơi, nhưng nay đã rút ngắn rất nhiều”, Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn lấy ví dụ.

Báo cáo đoàn công tác, UBND tỉnh cho biết tỉnh đã mời nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện về tiềm năng, lợi thế, các hạn chế, khó khăn... để tìm hướng phát triển, đột phá.

Tính đến ngày 15/11/2018, tỉnh được giao 170 nhiệm vụ, đã hoàn thành 54 nhiệm vụ, đang thực hiện 116 nhiệm vụ trong hạn, không có nhiệm vụ quá hạn.

Trong 2 năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành trên 20.000 văn bản để tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao. Kết quả là tỉnh cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 6,76% so với năm 2017.

Đáng lưu ý, tỉnh thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số sản phẩm bước đầu có thị trường tiêu thụ ổn định, 6 sản phẩm được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, 2 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, hoàn thành vượt chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉnh cũng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ về đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chủ trương, chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giúp chuyển biến rõ nét hạ tầng nông thôn.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 34% năm 2017 xuống còn hơn 31% năm 2018. Hiện 100% số xã, thôn bản đã có đường ô tô, đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. Tuy nhiên, ngân sách cho xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất hạn hẹp. Mới có hơn 21% các điểm trường được đầu tư kiên cố hóa...

Một trong những điểm sáng của Hà Giang là công tác cải cách hành chính trên nhiều mặt khác nhau như kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, ứng dụng công nghệ thông tin... Trong đó, tỷ lệ cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trung bình khoảng 30%.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc . Ảnh: VGP/Hà Chính

Tỉnh đã thực hiện thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ thành Ban Tổ chức - Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh thành Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh. Tỉnh cũng hoàn thành đề án sáp nhập nhiều cơ quan thành Trung tâm Tư vấn Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Giang...

Tỉnh cũng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, UBND tỉnh và các sở ngành đã phân cấp, ủy quyền được 34 nội dung, nhất là phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, gắn thẩm quyền tuyển dụng với sử dụng. Tỉnh thực hiện triển khai việc đánh giá mức độ quyết liệt với các thành viên UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh...

Tỉnh quan tâm hiện đại hóa hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, như đầu tư xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Hiện nay hệ thống quản lý văn bản đã được kết nối liên thông từ VPCP đến UBND cấp xã, 100% các cơ quan trong hệ thống chính trị sử dụng phần mềm quản trị văn phòng, 85% văn bản không mật được trao đổi dưới dạng điện tử...

Đặc biệt, tỉnh đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho hơn 95% số thủ tục, đồng thời chủ trương xây dựng lại theo hướng tất cả các dịch vụ đều cho phép cung cấp ở mức độ 4, hồ sơ của khách hàng đáp ứng ở mức độ nào thì lựa chọn mức độ đó.

Điểm sáng cải cách hành chính và nỗ lực vươn lên

Đánh giá cao các nỗ lực của Hà Giang, các thành viên đoàn kiểm tra cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần lưu ý như nợ xây dựng cơ bản của Hà Giang còn rất lớn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn ở mức thấp khi xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố năm 2017...

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của VPCP, thành viên Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng, ông Vũ Thiện Vương góp ý rằng một nhiệm vụ hàng đầu của Hà Giang là giữ gìn biên cương, giữ gìn an ninh quốc phòng của đất nước. Với địa hình chia cắt rất khó khăn, để phát triển hạ tầng giao thông, cần lồng ghép với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và ứng phó với biển đổi khí hậu.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của VPCP, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng, ông Ngô Hải Phan trao đổi lại một số vấn đề mà Hà Giang kiến nghị, nhất là về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.

“Hà Giang rất có khát vọng, tinh thần là chọn thủ tục hành chính là đột phá thông qua Trung tâm hành chính công, cơ chế một cửa... Đây là quyết định rất đúng nhưng cần làm tốt hơn trong thời gian tới. Căn cứ vào số lượng thủ tục của các lĩnh vực thực hiện qua Trung tâm Hành chính công là có thể biết địa phương đó có sôi động không, phát triển thế nào”, ông Ngô Hải Phan phát biểu.

Đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở ngành rà soát lại để đưa thêm nhiều thủ tục hành chính hơn nữa thực hiện tại Trung tâm hành chính công, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, ông Ngô Hải Phan cho biết sắp tới Chính phủ, Thủ tướng sẽ có nhiều giải pháp hơn quyết liệt nữa để đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận những kết quả đạt được của Hà Giang trong phát triển kinh tế xã hội, “tỉnh miền núi khó khăn mà thu ngân sách mỗi năm 2.000 tỷ là không đơn giản”. Đặc biệt, trưởng đoàn kiểm tra hoan nghênh tỉnh đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, không có nhiệm vụ quá hạn. Với nhiệm vụ đang trong hạn, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện bảo đảm thời gian, tiến độ, chất lượng công việc.

“Các đồng chí có trách nhiệm không chỉ với Hà Giang mà còn với cả nước. Tỉnh có vị trí chiến lược, tinh thần cách mạng rất cao. Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác làm việc với Hà Giang để nắm bắt tình hình và các kiến nghị”, ông Nguyễn Trọng Thừa nói.

Đồng tình với báo cáo, giải trình của UBND tỉnh, Thứ trưởng khẳng định Hà Giang có ý chí vươn cao, không chỉ đề xuất về tài chính mà còn mạnh dạn kiến nghị nhiều vấn đề cơ chế, chính sách. Nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông của Hà Giang, ông cũng nhắc tới nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh như công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, các lợi thế du lịch... cần được khai thác hiệu quả hơn nữa.

Đánh giá cao kết quả cải cách hành chính của Hà Giang với tinh thần coi đây là công tác quan trọng, Chủ tịch tỉnh trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực này, nhất là việc xây dựng Trung tâm hành chính công hoạt động rất hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh bộ máy, con người là quyết định.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn; nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng an ninh...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hà Chính

Trưởng đoàn công tác lưu ý tỉnh về công tác bảo vệ, phát triển rừng, quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nhất là thường xuyên quan tâm xử lý các kiến nghị của người dân.

Về các kiến nghị của tỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận cơ bản đều xác đáng và cần thiết, giúp giải quyết các vấn đề không chỉ của Hà Giang mà con cho cả nước. Tổ công tác sẽ tổng hợp và báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp diễn ra.

Hà Chính

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/to-cong-tac-cua-thu-tuong-kiem-tra-tinh-ha-giang/355303.vgp