Tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật cần phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp

Chiều qua (7/3), Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp. Tham dự phiên họp có nhiều nhà khoa học đầu ngành và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Bộ trưởng Lê Thành Long (tay trái) và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì phiên họp thường kỳ của Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp.

Tại phiên họp, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ, các đại biểu đã bầu ra Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Phó Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; Thư ký Hội đồng là đồng chí Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý.

Hiểu chủ thể tổ chức thi hành pháp luật theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp?

Tiếp đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ nội hàm khái niệm tổ chức thi hành pháp luật (THPL) và cơ chế theo dõi THPL. Có ý kiến cho rằng, nội hàm tổ chức THPL được xác định bao gồm tất cả các hoạt động THPL của hệ thống các cơ quan hành pháp. Nói cách khác, tổ chức THPL là quá trình các cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cho các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình bằng các hành động tích cực.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, pháp luật tồn tại dưới hai trạng thái là trạng thái tĩnh (luật, văn bản dưới luật… do lập pháp và lập quy mà có) và trạng thái động (là sự vận động của các quy định pháp luật, do tổ chức THPL mà có). Hai trạng thái này phải cùng tồn tại một cách thống nhất. Do đó, THPL là làm cho pháp luật đi vào thực tiễn đời sống xã hội còn tổ chức THPL là hoạt động mang tính chủ quan để đưa pháp luật vào cuộc sống.

Còn TS Dương Thanh Mai cho rằng, THPL là thực hiện pháp luật, không chỉ các cơ quan hành pháp mà mọi chủ thể trong xã hội, kể cả công dân cũng phải THPL; tổ chức THPL là trách nhiệm thuộc về cơ quan hành pháp từ trung ương đến địa phương song cần gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ kiểm sát của các cơ quan lập pháp, tư pháp.

Về chủ thể tổ chức THPL, có ý kiến cho rằng, tổ chức THPL là công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ riêng có của hệ thống các cơ quan hành pháp, gắn liền với việc thực hiện quyền hành pháp. Còn ông Đường cho rằng, chủ thể tổ chức THPL, theo nghĩa rộng là tất cả các cơ quan, thiết chế trong tổ chức chính trị đều có trách nhiệm tổ chức THPL, theo nghĩa hẹp là những quy định trong Hiến pháp về trách nhiệm tổ chức THPL của các cơ quan hành pháp, hành chính nhà nước. Sau khi được Nhà nước ban hành, pháp luật cần phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các hoạt động nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống như công bố pháp luật, phổ biến tuyên truyền pháp luật, ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, thực hiện các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật và theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc THPL.

Liên quan tới vấn đề này, GS.TS Phan Trung Lý nêu rõ, Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có trách nhiệm “Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, nghị quyết của Chủ tịch nước” (khoản 1 Điều 96) và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là thành viên Chính phủ có nhiệm vụ “tổ chức thi hành và theo dõi việc THPL liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc” (khoản 1 Điều 99). Như vậy, chủ thể tổ chức THPL không chỉ riêng Chính phủ, mà còn có cơ quan khác như Quốc hội, chính quyền địa phương, tòa án… nhưng cơ quan chính chịu trách nhiệm tổ chức THPL phải là Chính phủ.

Khái niệm mới trong khoa học pháp lý

Về khái niệm theo dõi THPL, do đây là khái niệm mới trong khoa học pháp lý nên đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính thức. Thông qua theo dõi THPL giúp nhận biết những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức THPL và đề xuất các kiến nghị, các biện pháp bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh, thống nhất.

Theo nhận định của GS.TS Lê Hồng Hạnh, cơ chế tổ chức theo dõi THPL là sự tương tác giữa các chủ thể, gắn kết chặt chẽ với nhau, cùng vận hành và bảo đảm cho hoạt động tổ chức và theo dõi THPL một cách hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cơ chế tổ chức theo dõi THPL được hiểu là cách thức để quá trình theo dõi THPL được vận hành, hoạt động, là công cụ hữu hiệu để xem xét, đánh giá đúng thực trạng THPL, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Do còn nhiều cách hiểu khác nhau về nội hàm khái niệm nên GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở việc cần hiểu khái niệm THPL theo nghĩa nào để phù hợp với nhiệm vụ, chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, từ đó mới xác định đúng nghĩa về tổ chức THPL, chủ thể THPL, theo dõi THPL…

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị Viện Khoa học pháp lý và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL cần tập trung nghiên cứu để giải mã các thuật ngữ, trong đó lưu ý làm rõ các thành tố mục đích; phạm vi; chủ thể, khách thể và phương thức thực hiện. Do còn nhiều cách hiểu khác nhau nên Thứ trưởng cho rằng cần dựa trên nền tảng các quy định của Hiến pháp và đặt trong bối cảnh thực tế hiện nay để lý giải các khái niệm cho phù hợp với hoạt động, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.

Lê Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/to-chuc-va-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-can-phu-hop-voi-chuc-nang-nhiem-vu-cua-bo-tu-phap-382468.html