Tổ chức và hoạt động của Quốc hội: Tránh xu hướng hành chính hóa

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (QH), nhiều đại biểu QH cho rằng, cần tránh xu hướng hành chính hóa tổ chức và hoạt động của QH bằng việc quy định nhiều tầng nấc trong tổ chức các cơ quan của QH và các đại biểu QH; coi đại biểu QH là hạt nhân trung tâm của QH để xác định đúng nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu và có cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị do Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH phối hợp với Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.

Quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với ĐBQH

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH và thảo luận tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ (UBVT) QH cho thấy, một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên từ 37 tới 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa. Do đó, UBTV QH tiếp tục nêu hai phương án để thảo luận, xin ý kiến.

Phương án 1 đề xuất quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH, trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của QH.

Phương án 2 đề nghị giữ quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như trong Luật Tổ chức QH hiện hành.

Về tiêu chuẩn ĐBQH, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, ví dụ như cần có tiêu chuẩn đối với người ứng cử ĐBQH, người tái cử làm ĐBQH để xem xét khi giới thiệu ứng cử, bầu cử; tiêu chuẩn đối với ĐBQH, ĐBQH hoạt động chuyên trách để phục vụ công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ ĐBQH.

Về Đoàn ĐBQH, nhiều ý kiến ĐBQH, nhất là các ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các địa phương, đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, vai trò của Đoàn ĐBQH trong hệ thống chính trị ở địa phương. Một số ý kiến cho rằng, nếu xác định Đoàn ĐBQH là của địa phương thì rất khó thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực tại địa phương.

Tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách là có cơ sở

Tại hội nghị, góp ý cụ thể vào các điều khoản của dự án Luật, nhiều đại biểu thống nhất bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, trong đó có quy định ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Đề nghị luật hóa vấn đề đánh giá, phân loại đối với ĐBQH chuyên trách ở địa phương; nghiên cứu đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH sao cho gắn gọn, phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo phạm vi hoạt động của Ủy ban phụ trách.

Các đại biểu cũng đề nghị tập trung xác định vị trí đặc biệt quan trọng của QH trong bộ máy nhà nước; tránh xu hướng hành chính hóa tổ chức và hoạt động của QH bằng việc quy định nhiều tầng nấc trong tổ chức các cơ quan của QH và các đại biểu QH; coi đại biểu QH là hạt nhân trung tâm của QH để xác định đúng nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu và có cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh Luật cần phải tiếp tục đề cao vị trí vai trò của đại biểu QH, các đại biểu QH là bình đẳng với nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu; đồng thời đề nghị quy định các điều kiện bảo đảm cho đại biểu thực hiện quyền của mình.

Kết luận hội nghị, tán thành với đa số ý kiến của các đại biểu tại hội nghị về việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, ĐBQH là trung tâm của QH. ĐBQH quyết định chất lượng của QH khóa đó. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo cơ cấu, chất lượng ĐBQH thì việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40% theo đề xuất là có cơ sở thực hiện.

Về Đoàn ĐBQH tại các địa phương, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng không nên coi Đoàn ĐBQH là cơ quan của QH. Đây là tổ chức để tạo điều kiện cho ĐBQH ở địa phương hoạt động, kết nối giữa ĐBQH với các cơ quan của QH.

Nếu coi là cơ quan QH thì 63 Đoàn ĐBQH sẽ thành 63 cơ quan. Và với quy định hiện hành, các Đoàn ĐBQH đã và đang phát huy được vai trò đồng thời đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Do đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị giữ nguyên như hiện tại.

Về các đề án chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH thành cơ quan chuyên môn thuộc QH, Phó Chủ tịch QH đề nghị cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, đây là vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần xin ý kiến Bộ Chính trí trước khi đưa ra QH quyết định.

Thanh Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/to-chuc-va-hoat-dong-cua-quoc-hoi-tranh-xu-huong-hanh-chinh-hoa-498391.html