Tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Báo Quân đội nhân dân: Một số kinh nghiệm và kiến nghị

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025, Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã trình bày tham luận với chủ đề: Tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Báo QĐND: Một số kinh nghiệm và kiến nghị.

Dưới đây là toàn văn tham luận:

Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Kính thưa Đoàn chủ tịch

Kính thưa Đại hội

Được sự cho phép của Đoàn chủ tịch Đại hội, thay mặt Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND, tôi xin phép được trình bày tham luận với tiêu đề: TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN BÁO QĐND: MỘT SỐ KINH NGHIỆM VÀ KIẾN NGHỊ

Kính thưa Đại hội

1. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thực tiễn sau nhiều năm tổ chức tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Ban Biên tập Báo QĐND đã quyết định thành lập Tổ 35, bao gồm những cây bút chính luận trong tòa soạn, do Tổng biên tập làm tổ trưởng.

Tổ 35 của tòa soạn có các nhiệm vụ chủ yếu: Họp định kỳ hằng tháng và đột xuất khi có tình huống nhằm đánh giá tình hình hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam; các hiện tượng vi phạm phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức bài/tuyến bài đấu tranh phản bác; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên hoặc tổ chức thành nhóm trong khai thác thông tin, thực hiện viết bài phản bác.

Mỗi thành viên trong tổ là “cầu nối” giữa tòa soạn với đội ngũ cộng tác viên là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thông tin, lý luận; các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, công an trong lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng; đồng thời là người tổ chức đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên ở cơ sở để hình thành nên các tuyến, “hòa âm phối khí”, “đồng thanh, cộng hưởng” với tòa soạn tạo ra “thế trận nhân dân” trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.

Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo QĐND trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Phú Sơn

Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo QĐND trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Phú Sơn

Đặc biệt, ngày 26-4-2021, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, Báo QĐND đã tổ chức phát động cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới"; trở thành cơ quan báo chí đầu tiên tổ chức cuộc thi viết trên lĩnh vực này. Đến nay, trung bình mỗi tháng Báo QĐND đăng tải từ 10 đến 15 bài viết về cuộc thi này; tạo nên chiến dịch truyền thông hiệu quả; thu hút sự tham gia của rất nhiều đối tượng, nhất là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, giảng viên các trường đại học, cán bộ các viện nghiên cứu... Các bài viết còn được chuyển hóa trên nền tảng số.

2. Trong thực tiễn tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Báo QĐND đã thu được một số kết quả nhất định, được bạn đọc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Kết quả đó là do nhiều nguyên nhân, có thể kể ra một số nguyên nhân cơ bản, sau:

Một là: Phấn đấu không để xảy ra “vùng cấm” và “khoảng trống” thông tin. Trước đây, đã có thời kỳ tình trạng trên báo chí nước ngoài và mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhưng báo chí trong nước nói chung, Báo QĐND nói riêng không lên tiếng vì chưa nhận được sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Bởi có không ít vấn đề được xem là nhạy cảm.

Tuy nhiên, Ban Biên tập Báo QĐND đã chủ động kiến nghị, đề xuất với cấp trên và cơ quan chức năng để tiếp cận vấn đề, thu thập tài liệu, viết bài phân tích cặn kẽ từng vấn đề, vụ việc tạo sự chủ động trong thông tin vừa bảo đảm tính định hướng dư luận, vừa phản bác, vạch trần âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, mang tính thời sự cao. Với cách làm đó, Báo QĐND đã khắc phục tình trạng “im lặng đáng sợ”, định hướng cho bạn đọc góc nhìn đúng đắn, đầy đủ, khách quan về từng vụ việc, từng vấn đề.

Hai là: Hệ thống bài, loạt bài đấu tranh phản bác đã tranh thủ được nguồn thông tin tin cậy từ các nhà lãnh đạo, quản lý, thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền; tranh thủ trí tuệ của các chuyên gia và nhà khoa học; khắc phục tình trạng lên gân, lên cốt; đưa ra cái nhìn toàn cảnh và đa chiều để có sức thuyết phục bạn đọc. Các chuyên mục như “Làm thất bại Chiến lược DBHB”; “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đa dạng về cách thể hiện, có bản sắc riêng, nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, giữ vững tính Đảng, tính nguyên tắc và bảo đảm tính đại chúng.

Về mặt thể loại, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy thế mạnh của thể tài chính luận, các chuyên mục đã mở rộng sang các thể tài khác như phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, ghi chép... qua đó mở ra một “mặt trận” rộng rãi hơn, có cả tiếng nói của người dân từ cơ sở. Nhờ đó, thu hút lượng bạn đọc đông đảo hơn.

Ba là: Chiến thuật đấu tranh tư tưởng linh hoạt, đa dạng, ứng biến nhanh hơn. Đặc biệt là thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” đã được sử dụng nhuần nhuyễn. Thực chất của thủ pháp này là dùng chính những triết lý, thông tin của các thế lực phản động, thù địch và lý lẽ, vấn đề của những người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để phản bác các luận điệu của họ.

Để làm được điều đó, đòi hỏi người viết phải nắm chắc tình hình, hiểu rõ các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Cùng với đó, Tòa soạn luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các cơ quan có thẩm quyền để có đủ dữ liệu thông tin, nắm rõ bản chất vấn đề khi phản bác. Bởi đây là vấn đề khó, nhất là trong điều kiện nước ta chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đối tượng và đối tác luôn đan xen.

3. Từ thực tế, Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND kiến nghị 4 vấn đề sau:

Một là, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch “đặt hàng” cụ thể với từng cơ quan báo chí để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống báo chí toàn quốc. Có như vậy mới tạo được thế trận “đấu tranh nhân dân” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó cũng là cách để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Đây là vấn đề mới cần được quan tâm đúng mức và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Hai là, đấu tranh trên mặt trận mới này, cần áp dụng phương thức trong hoạt động quân sự “hỏa lực tập trung, hỏa khí phân tán”. Nghĩa là cùng một vấn đề, cùng một vụ việc cần nhiều cơ quan báo chí đồng loạt lên tiếng đấu tranh, phản bác mới mang lại hiệu quả thiết thực. Điều này đặt ra vai trò chỉ đạo, điều hành, định hướng hết sức quan trọng của các cơ quan chức năng.

Ba là, các cơ quan chức năng, các cơ quan nghiên cứu, nhất là Hội đồng Lý luận Trung ương, các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu, các học viện, viện nghiên cứu cần xác định việc cộng tác với các cơ quan báo chí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chính trị, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chính trị của từng tập thể, cá nhân. Đây thực chất là cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản trong tình hình mới.

Bốn là, có chính sách xây dựng các cây viết chủ lực ở từng cơ quan báo chí, tăng cường quản lý, rèn luyện năng lực và đạo đức các cây viết chủ lực đi đôi với chăm lo đời sống của đội ngũ nòng cốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.

Kính thưa Đại hội, trên đây là ý kiến tham luận của Liên chi hội Nhà bảo Báo QĐND.

Trân trọng cảm ơn Đại hội đã chú ý lắng nghe.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!

VIỆT CHUNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/to-chuc-tuyen-truyen-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-tren-bao-quan-doi-nhan-dan-mot-so-kinh-nghiem-va-kien-nghi-682087