Tổ chức trung gian: Tạo sức bật cho thị trường khoa học - công nghệ

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) bước đầu đã phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là cần xây dựng được những chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian.

Vai trò của tổ chức trung gian

Tại Hội thảo Giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN Việt Nam, tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) - cho biết, sau 5 năm thực hiện, Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075) đã giúp môi trường pháp lý về thị trường KH&CN dần hoàn thiện, thích ứng hơn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

 Tạo thêm động lực phát triển thị trường khoa học - công nghệ

Tạo thêm động lực phát triển thị trường khoa học - công nghệ

Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ trung gian của thị trường KH&CN được thúc đẩy, có xu hướng gia tăng; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được đẩy mạnh; nhận thức của xã hội về thương mại hóa kết quả nghiên cứu được nâng cao. Đặc biệt, đã có hơn 25 sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (giai đoạn 2016 - 2020); hơn 1.200 hợp đồng được ký kết, với giá trị gần 1.000 tỷ đồng (giai đoạn 2015 - 2018); tổ chức 1.000 phiên kết nối cung - cầu, kết nối đầu tư cho hơn 5.000 tổ chức (giai đoạn 2016 - 2018)…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển thị trường KH&CN vẫn còn gặp những khó khăn. Đó là mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, nhà khoa học với DN còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian chưa đủ mạnh, cũng như thể hiện được chức năng kết nối cung - cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hoạt động sáng tạo…

Cần chính sách phù hợp

Tổ chức trung gian có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường KH&CN, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thông tư 16/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, đã chỉ ra 6 loại hình tổ chức trung gian gồm: Sàn giao dịch công nghệ; trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

TS. Tạ Bá Hưng - Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình 2075 - chia sẻ, các chính sách phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN chưa tạo ra động lực thúc đẩy những bên liên quan tham gia phát triển thị trường KH&CN. Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN hơn nữa, các tổ chức trung gian không chỉ do nhà nước tạo ra, mà cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức khác và phải có chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển của tổ chức trung gian.

Theo PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học (Đại học Kinh tế quốc dân) - cần thiết phải thực thi hiệu quả, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách để thúc đẩy các tổ chức trung gian phát triển, qua đó hình thành mạng lưới những tổ chức đủ năng lực kết nối các chủ thể trên thị trường KH&CN. Đặc biệt, hỗ trợ hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nhà nước cần hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia công nghệ, dữ liệu các tổ chức trung gian chuyên nghiệp trên thị trường KH&CN, để có thể tư vấn về công nghệ, pháp lý, hỗ trợ kết nối cung - cầu, hỗ trợ gọi vốn để hoàn thiện công nghệ, hỗ trợ đánh giá, định giá, giám định công nghệ, tư vấn sở hữu trí tuệ, dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đào tạo và các dịch vụ sau giao dịch công nghệ…

Tổ chức trung gian ở thị trường KH&CN là tổ chức cung cấp dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ theo quy định pháp luật dân sự, thương mại, đầu tư, doanh nghiệp, KH&CN.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/to-chuc-trung-gian-tao-suc-bat-cho-thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe-144965.html