Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoạt động kiểu 'công ty đầu tư mạo hiểm'

Ngay cả khi những thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị triệt phá ở Iraq và Syria, đội quân này vẫn đang cố gắng duy trì sự hiện diện ở ít nhất 20 quốc gia. Sự lan tỏa toàn cầu của IS gần đây đã khiến các chuyên gia chống khủng bố hàng đầu nhìn nhận nó giống như một 'công ty đầu tư mạo hiểm'.

“Bóng ma” IS vẫn là nỗi ám ảnh toàn cầu, nhất là khi các chi nhánh mới đang hoạt động mạnh ở châu Phi

“Bóng ma” IS vẫn là nỗi ám ảnh toàn cầu, nhất là khi các chi nhánh mới đang hoạt động mạnh ở châu Phi

“Khả năng đột phá” ở châu Phi

IS giống như một “công ty đầu tư mạo hiểm” bởi nó là nhà đầu tư cung cấp các nguồn lực cần thiết cho các chi nhánh có tiềm năng tốt nhất để sau đó thu về thành công hoặc động lực từ các công ty “khởi nghiệp” mới của mình. Về phần mình, các nhóm vũ trang được IS trung ương bảo trợ sẽ gặt hái được những lợi ích về khả năng hoạt động và tổ chức bao gồm tài chính, đào tạo, vũ khí, hỗ trợ tuyên truyền và định hướng chiến lược.

Theo giới chuyên gia chống khủng bố quốc tế, cách tiếp cận đầu tư mạo hiểm kiểu này thành công hơn cả là vùng cận Sahara châu Phi. Một báo cáo của Liên hợp quốc từ năm 2020 đã xác định, chi nhánh của đội quân IS ở Somalia là trung tâm chỉ huy của bộ ba tổ chức thánh chiến ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Mozambique, qua đó liên kết các hoạt động của tổ chức này ở Đông, Nam và Trung Phi. Khu vực này có đặc điểm là lực lượng an ninh yếu, biên giới mềm và lượng vũ khí hạng nhẹ và vũ khí nhỏ sẵn có cao nên việc cải thiện năng lực của các nhóm vũ trang tương đối dễ dàng.

Vùng cận Sahara châu Phi từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các nhóm thánh chiến toàn cầu. Trong khi các khu vực khác trên thế giới nhận được sự quan tâm lớn từ các lực lượng chống khủng bố phương Tây, cả al-Qaeda và IS đã tận dụng cơ hội để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực châu Phi vốn tự do hơn. Trong số 10 quốc gia có sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố đáng kể nhất vào năm ngoái, 7 quốc gia ở khu vực cận Sahara, trong đó có Mozambique, Mali và Congo, nơi các chi nhánh của cả al-Qaeda và IS vẫn hoạt động.

Jacob Zenn, một học giả về các nhóm thánh chiến châu Phi, đã cảnh báo vùng cận Sahara là nơi mà IS có thể đạt được “khả năng đột phá”. Đội quân IS ở đây có tiềm năng chinh phục và nắm giữ lãnh thổ tương tự như những gì IS đã có thể đạt được ở Iraq và Syria trong thời kỳ đỉnh cao của nó. Việc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xung chuyển sự chú ý sang vùng cận Sahara nên được coi là một phần của chiến lược có chủ ý ở một khu vực mà các hoạt động xuyên biên giới dễ dàng hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.

Cảnh giác với các chi nhánh mới

Một số nhóm thánh chiến châu Phi đã thay đổi đáng kể cách thức chiến đấu sau khi trở thành chi nhánh của IS, cả về chiến thuật lẫn chiến lược. Đơn cử, tỉnh Trung Phi của IS hay ISCAP, còn có nhiều tên gọi khác theo người dân địa phương là Ahlu Sunna Wa-Jama, hay Ansar al-Sunna và al-Shabab đã thay đổi đáng kể kể từ khi được IS chính thức công nhận vào tháng 4-2019. Khoảng đầu năm 2020, quân nổi dậy ở Mozambique bắt đầu hoạt động trong các đơn vị lớn hơn và tổ chức các cuộc tấn công tinh vi hơn. Một số bằng chứng gần đây cho thấy, ISCAP hiện đang tập trung nhiều hơn vào việc giành được sự ủng hộ người dân địa phương ở miền Bắc Mozambique. Một loạt vụ tấn công khủng bố vào tháng 3-2020 cho thấy, quân nổi dậy cố tình tránh thương vong cho dân thường và phân phát chiến lợi phẩm - lương thực, thuốc men và nhiên liệu bị đánh cắp cho cư dân địa phương.

Khi sức mạnh của ISCAP ở Mozambique ngày càng tăng, các tay súng của nhóm đã chiếm giữ thành phố cảng chiến lược Mocimboa de Praia vào tháng 8-2020. Hai tháng sau, các chiến binh ISCAP tấn công xuyên biên giới từ miền Bắc Mozambique đến miền Nam Tanzania. Cuộc tấn công tàn khốc vào thị trấn Palma hồi tháng 3 khiến hàng chục người thiệt mạng có một số dấu hiệu của các cuộc tấn công kinh điển của IS, bao gồm chặt đầu người nước ngoài và nhắm vào các lợi ích kinh tế phương Tây. Sự cố đã khiến Mozambique buộc phải đình chỉ dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng trị giá 20 tỷ USD của tập đoàn dầu khí khổng lồ Pháp Total và các hoạt động thăm dò ngoài khơi liên quan gần Palma.

Theo một bài báo gần đây trên The Wall Street Journal, các tình nguyện viên IS đã đào tạo và tài trợ cho ISCAP và được đưa vào các đơn vị ở cả Mozambique và Congo. Thật vậy, các sự kiện trong 2 năm qua cho thấy, nòng cốt của IS hiện giờ phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các hoạt động quân sự của các chi nhánh trên lục địa châu Phi.

Với kho dự trữ có thể lên tới 100 triệu USD, IS sẽ duy trì khả năng liên tục gieo mầm các chi nhánh mới và củng cố chi nhánh cũ. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần phải chú ý xem IS đang tài trợ cho các chi nhánh mới ở đâu và nơi nào đang có triển vọng lớn mạnh để giữ cho cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” tồn tại”.

Tiến sĩ Colin P. Clarke (Giám đốc chính sách và nghiên cứu tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh và tình báo toàn cầu có trụ sở chính tại New York, Mỹ)

(Theo Business Insider)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao-is-tu-xung-dang-hoat-dong-kieu-cong-ty-dau-tu-mao-hiem-post466116.antd