Tổ chức lực lượng chống tập kích đường không chiến lược

Đến tháng 10-1972, cục diện chiến trường miền Nam đã có thay đổi lớn, nhiều thuận lợi cho ta. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 bằng không quân và hải quân Mỹ đã và đang bị đánh bại, mặc dù địch thay đổi nhiều thủ đoạn và phương pháp đánh phá vô cùng xảo quyệt. Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Cùng với sự lật lọng về chính trị ở Hội nghị Paris, Mỹ chủ trương dùng sức mạnh quân sự để ép ta ký Hiệp định Paris theo điều kiện có lợi cho chúng. Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn thông qua kế hoạch tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc bắt đầu từ ngày 17-12 (ngày 18-12 theo giờ Hà Nội). Triển khai kế hoạch này, Mỹ điều thêm hai tàu sân bay đến vịnh Bắc Bộ; trinh sát chiến trường bằng không quân; thành lập bộ chỉ huy không quân chiến lược lâm thời và tăng cường lực lượng máy bay ném bom chiến lược B-52, máy bay tiếp dầu và máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật... Tính đến ngày 17-12-1972, lực lượng không quân Mỹ triển khai ở Đông Nam Á là 1.192 máy bay, trong đó có 193 máy bay B-52.

Trước âm mưu và hành động quân sự mới của địch, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho các đơn vị, địa phương tăng cường sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đề phòng địch ném bom, bắn phá trở lại từ vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn, đề phòng chúng dùng máy bay chiến lược đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, đầu mối giao thông, vùng đông dân cư, dùng pháo hạm bắn phá các mục tiêu ven biển... Các lực lượng vũ trang phải hết sức đề cao cảnh giác kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác SSCĐ, kế hoạch tác chiến và phòng tránh. Bộ đội phòng không, không quân có nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu cách đánh, tìm biện pháp chống nhiễu, đẩy mạnh công tác huấn luyện bộ đội, sẵn sàng và chủ động đối phó với những cuộc tập kích đường không quy mô lớn của địch.

Cơ động tiếp tên lửa cho các trận địa Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn Tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361) kịp thời chiến đấu, bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ. Ảnh tư liệu.

Ngày 17-12-1972, Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân chiến lược mang tên chiến dịch "Linebacker II". Vào lúc 19 giờ 40 phút ngày 18-12-1972, tốp máy bay B-52 thứ nhất bắt đầu giội bom xuống Hà Nội. Từ lúc đó, liên tục trong 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động đến mức cao nhất sức mạnh của không quân chiến lược và không quân chiến thuật, không quân hải quân, tiến hành cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận. Máy bay địch rải thảm bom xuống các mục tiêu quân sự, trường học, bệnh viện, khu phố đông dân, gây nhiều tội ác dã man với nhân dân ta.

Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động 633 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật. Quân và dân ta đã kiên cường đánh trả, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay F-111A (cánh cụp cánh xòe). Bị thất bại nặng nề, 7 giờ 30 phút ngày 30-12-1972, Tổng thống Ních-xơn tuyên bố "ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra”, kết thúc chiến dịch.

Đây là lần đầu tiên ta tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh thắng cuộc tập kích chiến lược của không quân chiến lược Mỹ, gây bất ngờ và kinh hoàng lớn cho cả Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, làm phong phú thêm nghệ thuật chiến dịch nói riêng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung.

Ta đã phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân để tổ chức, sử dụng lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy lực lượng phòng không quốc gia làm nòng cốt. Phòng không ba thứ quân có bề dày kinh nghiệm và thành tích chiến đấu cao; được triển khai thế trận rộng khắp, sử dụng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại, đánh được các loại máy bay địch ở các tầng độ cao khác nhau, đánh liên tục dài ngày, cả ban ngày và ban đêm. Sử dụng lực lượng tên lửa, không quân là lực lượng chủ yếu để đánh B-52 (trong đó tên lửa là lực lượng chủ yếu nhất).

Từ ý định kế hoạch chiến dịch, ta đã sử dụng lực lượng phòng không cấp sư đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên, kết hợp việc tăng cường lực lượng vào từng thời điểm trên từng hướng để đánh những trận lớn quyết định (ngày 20 và 26-12), giành quyền chủ động trên vùng trời. Phòng không quốc gia đã phát huy cao độ khả năng tác chiến của mình. Xác định phương pháp bắn linh hoạt, đúng đối tượng, tạo mật độ hỏa lực nhiều tầng, nhiều hướng, xen kẽ đánh ban ngày và đánh ban đêm, chi viện bảo vệ lẫn nhau có hiệu quả. Tiêu biểu nhất là cách đánh của bộ đội tên lửa diệt máy bay B-52; cách đánh táo bạo, bất ngờ của không quân tiêm kích ban đêm bắn rơi B-52, cách đánh của pháo phòng không bảo vệ mục tiêu, các trận địa tên lửa, cách đánh của dân quân tự vệ với máy bay địch bay thấp. Các đơn vị đã coi trọng tác chiến hiệp đồng, đánh tập trung, nhưng đồng thời cũng đánh độc lập tích cực, hiệu quả.

Đại tá VŨ HỒNG KHANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/to-chuc-luc-luong-chong-tap-kich-duong-khong-chien-luoc-558794