Tổ chức lại sản xuất để bảo đảm năng lực cạnh tranh

QĐND Online- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7-11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Việc quản lý xuất xứ, chứng nhận xuất xứ của Việt Nam hay việc sản phẩm nông sản xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc là vấn đề được các đại biểu quan tâm, chất vấn.

Tổ chức lại sản xuất cho rau, quả, trái cây

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) lo lắng về thực tế các sản phẩm nông sản xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới diễn ra lặp đi lặp từ năm này đến năm khác, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm chính vụ thu hoạch. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay: Thời gian qua, rau, quả, trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và trên thực tế đã phát triển mạnh không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn ở một số thị trường quan trọng khác như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, phần lớn rau, quả, trái cây chỉ xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Như vậy còn vướng rất nhiều điều kiện để có thể xuất khẩu chính ngạch, bảo đảm sự ổn định thị trường.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với Trung Quốc, từ rất lâu, Việt Nam mới chỉ có 9 mặt hàng rau, quả, trái cây chính thức được cấp phép xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra, hàng loạt rau, quả, trái cây tiềm năng khác vẫn đang chờ đợi và chưa hoàn tất được khâu mở cửa thị trường. Để hoàn tất các khâu mở cửa thị trường này đòi hỏi phải vượt qua những hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm cũng như các điều khoản khác, nếu không sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc và hàng loạt các thị trường khác trên thế giới.

“Trung Quốc hiện cũng áp dụng những quy định chung của thương mại quốc tế và theo tập quán quốc tế. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc tổ chức lại sản xuất đối với rau, quả, trái cây nói riêng và nông nghiệp nói chung là rất quan trọng để bảo đảm năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ rõ, dù đã có xuất khẩu chính ngạch nhưng khâu tổ chức sản xuất để thực hiện các hoạt động thâm nhập thị trường vẫn là thủ công và làm đơn giản, tự phát và thông qua các thương lái người Việt Nam và Trung Quốc. ”Những yêu cầu cao, yêu cầu mới của phía Trung Quốc liên quan đến truy xuất nguồn gốc, liên quan đến đóng gói bao bì lại không bảo đảm nên dẫn đến tình trạng thông quan tại cửa khẩu luôn bị vướng và dẫn đến kéo dài thời gian. Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lạng Sơn để tổ chức điều phối để nâng cao năng lực thông quan tại địa bàn”, Bộ trưởng nêu rõ.

"Về cơ bản chúng tôi cho rằng, các cơ quan, các địa phương trong tổ chức sản xuất cần phải tiếp cận với thị trường theo đúng yêu cầu chung, tập quán quốc tế. Cách tiếp cận thị trường và tổ chức xuất khẩu sang thị trường cũng có sự tổ chức tốt hơn. Rất mong các địa phương chủ động trong tổ chức sản xuất, bảo đảm những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì và cả những yêu cầu khác liên quan đến giao thương hàng hóa với thị trường Trung Quốc để phát triển bền vững", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN.

Cũng theo Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh, một số dự án lớn về phát triển logistics tại vùng biên giới cũng như các hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho thương mại giao thương với Trung Quốc cũng đang được Bộ Công Thương triển khai khai theo chỉ đạo của Chính phủ.

Khải Silk, Asanzo là điển hình gian lận thương mại

Trả lời chất vấn của các đại biểu về quản lý xuất xứ, chứng nhận xuất xứ của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay chúng ta đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp quan trọng liên quan đến vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như thực thi trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đó là, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hải quan và các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa... Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp để phòng tránh ngăn chặn về hành vi chuyển tải hàng hóa và gian lận thương mại.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Đặc biệt, để chủ động hơn nữa trong bối cảnh mới khi chúng ta đang phải đối mặt nhiều nguy cơ gian lận hàng hóa của nước ngoài đối với xuất xứ của Việt Nam trong thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 824 ngày 4-7-2019 là Đề án để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ với mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu trong liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư của nước ngoài để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước".

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài các văn bản và Nghị định 31 hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương thì còn có Nghị định 43 để quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác cũng như các hàng hóa sản phẩm lưu thông trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, Nghị định 43 giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hóa cũng như xuất xứ hàng hóa và để phục vụ cho lưu thông trong nước, thị trường trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá đây là nguyên nhân khiến các vụ việc gian lận xuất xứ xảy ra nhiều năm qua: "Trong một thời gian dài, những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng, điển hình là vụ Khải Silk hay Asanzo. Chính vì vậy, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất việc xây dựng một văn bản pháp quy để hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước".

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Xác định đây là một việc khó nên Bộ Công Thương cũng đã báo cáo và xin ý kiến các bộ, ngành để tổ chức xây dựng Thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành về cơ sở pháp lý cũng như cả về nội dung điều chỉnh trong các chủ thể của hoạt động này. Sau gần 1 năm, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước và đang tổ chức lấy ý kiến đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông và lấy ý kiến phản biện của xã hội, của doanh nghiệp, của người dân, của các tổ chức. Đến nay, có thể nói, những ý kiến đóng góp khá đa dạng và đầy đủ". Tuy nhiên, cơ sở như thế nào để tạo ra giá trị gia tăng thực sự hữu ích và cần thiết để bảo đảm quá trình hội nhập và phát triển trong giai đoạn tới đây sẽ bền vững và đạt được yêu cầu vẫn còn đang được đặt ra với dự thảo Thông tư này.

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/to-chuc-lai-san-xuat-de-bao-dam-nang-luc-canh-tranh-599314