Tổ chức kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV bảo đảm an toàn, hiệu quả

Ngày 16-5, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 45, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngày 16-5, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 45, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chỉ còn ba ngày là khai mạc kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV. Tại kỳ họp này, QH sẽ có hình thức họp đặc biệt hơn so với thông lệ, đó là họp trực tuyến kết hợp họp tập trung. Ðể kỳ họp diễn ra thông suốt, đạt hiệu quả cao, các cơ quan, các đoàn đại biểu QH và từng đại biểu QH cần theo dõi chương trình, nắm rõ các hướng dẫn và chủ động triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ. Văn phòng QH tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị về mọi mặt điều kiện cơ sở kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh… bảo đảm sẵn sàng phục vụ kỳ họp an toàn, hiệu quả.

Buổi sáng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù phát triển TP Ðà Nẵng.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Ðà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương ở thành phố (gồm HÐND và UBND) và cấp hành chính ở quận, phường (không tổ chức HÐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường).

Thảo luận nội dung này, các ý kiến cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh, TP Ðà Nẵng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội của miền trung, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở đây mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, do vậy, để bảo đảm mô hình vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả cao, thì các thiết chế mới cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp. Trong đó, lưu ý việc phân cấp, phân quyền cần gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường vai trò giám sát của HÐND thành phố tại quận, phường và quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để giám sát các hoạt động của quận, phường khi không tổ chức HÐND. Ðối với huyện Hòa Vang, nhiều ý kiến đề nghị vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HÐND và UBND) để bảo đảm phù hợp thực tiễn tại cơ sở.

Về một số chính sách đặc thù, việc dự thảo Nghị quyết giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát hiệu quả, có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đề ra. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị, để cụ thể hóa chủ trương thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu về vấn đề quản lý quy hoạch, cần chỉnh lý dự thảo theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ chỉ phân cấp cho chính quyền địa phương TP Ðà Nẵng trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị gắn với những điều kiện nhất định, nhằm đề cao được vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của địa phương mà vẫn gắn với thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, kiểm soát của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là chủ thể phân cấp.

Tiếp đó, Ủy ban TVHQ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV. Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của QH là 19 ngày, trong đó, đợt 1 họp theo hình thức trực tuyến trong chín ngày (từ ngày 20 đến 29-5) tại các điểm cầu ở 63 địa phương; đợt 2 là 10 ngày (từ ngày 8 đến 18-6) tại Nhà QH. Tại kỳ họp này, QH tiến hành thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng và bổ sung một số nội dung cấp thiết để thảo luận, như: Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông; các báo cáo của Chính phủ về: Tài chính nhà nước năm 2018; tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia (như dự án Sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ…); tổng kết Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4-10-2018 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Ðoàn đại biểu QH, Văn phòng HÐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh… Ðến nay, công tác thông tin tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, phòng, chống dịch bệnh... đã hoàn tất để phục vụ kỳ họp. Ủy ban Thường vụ QH cơ bản nhất trí về công tác chuẩn bị và dự kiến chương trình kỳ họp, đồng thời cho biết, dự kiến sau phiên họp thứ 45, sẽ tổ chức phiên họp 45B để Ủy ban TVQH tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề sẽ đưa ra QH tại kỳ họp thứ chín.

Sáng cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến về báo cáo tài chính nhà nước năm 2018; các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban TVQH về: Sửa đổi, bổ sung một số điều và một số biểu mẫu trong phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước CHXHCN Việt Nam; cho ý kiến về công tác chuẩn bị nhân sự trình QH.

Buổi chiều, sau khi nghe Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban TVQH tiến hành thảo luận nội dung này. Các ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo với những kết quả tích cực trong thực hiện nghị quyết, nhất là việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và việc xã hội hóa biên soạn SGK. Tuy nhiên, Bộ chưa bao quát và dự đoán hết tình hình thực tế và cũng chưa báo cáo kịp thời với QH để bảo đảm việc triển khai, thực hiện nghị quyết một cách tốt nhất. Các ý kiến đề nghị, Bộ tiếp tục phát huy vai trò Hội đồng Thẩm định quốc gia SGK, làm tốt công tác thẩm định, bảo đảm định hướng chính trị, các nội dung liên quan lịch sử, văn hóa, nhân cách con người Việt Nam. Tiếp tục lắng nghe tiếp thu ý kiến của cha, mẹ học sinh, ý kiến người dân để ủng hộ cho việc hoàn thiện SGK. Ðề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, kiểm tra, hướng dẫn lựa chọn các bộ SGK đúng theo yêu cầu, phù hợp lịch sử, văn hóa, xã hội từng địa phương, vùng, miền. Xây dựng chính sách hỗ trợ để học sinh vùng dân tộc thiểu số có bộ sách thống nhất, đạt tiêu chuẩn…

Tại phiên họp này, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban TVQH quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm phù hợp Luật Ðầu tư công hiện hành và khắc phục hạn chế của hoạt động đầu tư công giai đoạn trước. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo theo hướng tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động đầu tư, gắn việc đầu tư công với tình hình mới hiện nay như: Vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững…

Cũng trong buổi chiều, Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến về việc: Chuyển đổi hình thức đầu tư tám dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ nguồn ngân sách nhà nước.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44498302-to-chuc-ky-hop-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xiv-bao-dam-an-toan-hieu-qua.html