Tổ chức Công đoàn đã và sẽ khẳng định vai trò không thể thiếu

Theo Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019, Quốc hội đã chính thức thông qua điều khoản cho phép người lao động (NLĐ) thành lập các tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, bằng thực tiễn sinh động của 91 năm hình thành và phát triển, tin tưởng rằng tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình như là tổ chức duy nhất của người lao động bất luận hoàn cảnh nào.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm công nhân môi trường đô thị Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm công nhân môi trường đô thị Hà Nội.

Từ truyền thống vẻ vang và những thành tích tự hào…

Ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội đã diễn ra sự kiện trọng đại của phong trào Công nhân và Công đoàn Việt Nam: Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng. Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam đã liên kết các Công hội Đỏ địa phương thành một tổ chức công hội thống nhất - Tổng Công hội Đỏ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.

Với mục tiêu và phương pháp hoạt động rõ ràng, khoa học, ngay từ khi mới ra đời, trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, lại liên tiếp bị các cuộc khủng bố trắng của chế độ thực dân, Công đoàn đã tập hợp công nhân, trong đó chủ yếu là công nhân đang lao động tại các hầm mỏ, đồn điền để đấu tranh chống phong kiến, thực dân, đòi quyền dân sinh, dân chủ và đã góp phần to lớn vào cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền về tay nhân dân và viết nên trang sử Quốc khánh mùng 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tổ chức Công đoàn đã động viên công nhân lao động vượt qua khó khăn, thiếu thốn, ra sức thi đua sản xuất, kháng chiến kiến quốc cùng dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, góp phần kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ và anh dũng của dân tộc ta.

Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, tổ chức Công đoàn đã vận động đoàn viên, công nhân lao động đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975).

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của giai cấp tiên phong và dân tộc anh hùng đã không ngừng đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất luôn đi đầu trong thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa bằng luật pháp, tổ chức Công đoàn ngày một khẳng định vị trí không thể thiếu và tiếp tục khẳng định là tổ chức duy nhất bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Nói về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, Điều 10 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Quốc hội cũng đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

Hòa chung vào sự lớn mạnh và những thành tựu to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam suốt chiều dài 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và sự phối kết với các cấp chính quyền, Công đoàn Thủ đô đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Thủ đô và đất nước. Trong những năm qua, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong các hoạt động công đoàn.

Nhiều phong trào đi tiên phong như phong trào sáng kiến- sáng tạo; an toàn vệ sinh lao động... Ở góc độ vì lợi ích đoàn viên, người lao động Hà Nội là địa phương đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nhà ở cho công nhân lao động gắn với các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp- chế xuất và hoạt động rất hiệu quả trong chương trình Mái ấm Công đoàn, hỗ trợ vốn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn để tham gia xóa nghèo. Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương tiên phong tổ chức đối thoại định kỳ một năm/lần giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động để kịp thời giải quyết những kiến nghị của đoàn viên, người lao động...

...Đến đổi mới để tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong

Thành tựu và truyền thống vẻ vang là vậy, song trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đang ở mức toàn diện, đặc biệt khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới cũng như việc Bộ Luật Lao động sửa đổi cho phép người lao động trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức độc lập…vấn đề đặt ra tổ chức Công đoàn phải làm gì để khẳng định vai trò không thể thiếu và duy nhất đối với người lao động.

Kiến thức chuyên môn, tay nghề của công nhân ngày càng được nâng cao để bắt kịp sự đổi mới của công nghệ đòi hỏi hoạt động Công đoàn cũng có những đổi mới để đáp ứng được tình hình mới (ảnh NLĐ)

Về vấn đề này, theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì việc đầu tiên là tổ chức Công đoàn phải tập hợp được sức mạnh của công nhân lao động. Điều lệ Đảng và Hiến pháp ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân”.

Tuy nhiên, thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với kinh tế tri thức và toàn cầu hóa ở mức rất cao, chúng ta không nên quan niệm giai cấp công nhân là những người mặc áo xanh. Những lao động làm việc trực tiếp mà còn là đội ngũ tri thức, bởi họ cũng là người lao động. Đây mới thực sự là lực lượng quan trọng để công đoàn tập hợp, phát huy sức mạnh của các mũi giáp công nhằm phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều thứ hai, theo ông Phạm Thế Duyệt là cán bộ Công đoàn phải bám sát cơ sở, hơi thở người lao động hơn nữa. Trước đây trong công cuộc giải phóng dân tộc, các đồng chí lãnh đạo đều hóa thân từ công nhân. Do đó, trong thời kỳ mới, trong công tác lãnh đạo cán bộ công đoàn cũng nên học tập kinh nghiệm của các bậc tiền bối đi trước, tích cực bám sát cơ sở, len sâu vào đời sống của giai cấp công nhân để lãnh đạo, chỉ đạo làm nên những thắng lợi mới.

Cạnh đó, tổ chức Công đoàn phải tham mưu với Đảng, Nhà nước để kịp thời có cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, Công đoàn phải tự thân vận động, không ngừng lớn mạnh để chứng minh vị trí, vai trò của mình. Đặc biệt, sao cho những công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấy được vai trò của mình, để nếu có tổ chức nghiệp đoàn khác hoạt động, họ cũng chỉ tin tưởng vào tổ chức Công đoàn mà thôi.

Trong bối cảnh hiện nay Công đoàn phải làm tốt chức năng vừa giám sát, vừa “thương thảo” để bảo vệ hài hòa các lợi ích. Nghĩa là, dù một bên là thành phần doanh nghiệp nào đi chăng nữa thì công nhân không được phép ở vị trí người làm thuê. Phải thể hiện được quan hệ người lao động và người sử dụng lao động một cách bình đẳng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Phải thể hiện bất luận thành phần kinh tế nào, loại hình doanh nghiệp nào Công đoàn vẫn là tổ chức không thể thiếu đối với người lao động.

Hà Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/to-chuc-cong-doan-da-va-se-khang-dinh-vai-tro-khong-the-thieu-110926.html