Tổ chức chính quyền đô thị phải phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý đô thị

Tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị phải phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý đô thị, với quá trình hình thành và phát triển đô thị ở Việt Nam, bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tổ chức chính quyền đô thị cần có sự phân biệt với chính quyền nông thôn

Thực trạng tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn. Việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 cần nghiên cứu tiếp cận theo một số nội dung cơ bản.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương trên cơ sở phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và phương thức hoạt động khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở theo nguyên tắc Nhà nước đơn nhất, quyền lực Nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền các cấp.

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phải phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính; phân công phân cấp rõ ràng, rành mạch giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan Nhà nước cấp trên và của Trung ương.

Tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị phải phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý đô thị, với quá trình hình thành và phát triển đô thị ở Việt Nam, bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đổi mới tổ chức của chính quyền đô thị phải gắn với chiến lược cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới đồng bộ hệ thống chính trị, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cấp chính quyền địa phương.

Hiện nay, thực hiện nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, Quốc hội đã ban hành 03 Nghị quyết. Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2019 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Trong đó, thành phố Hà Nội không tổ chức HĐND ở phường, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở quận, phường. Tại các đơn vị hành chính không tổ chức HĐND thì Chính quyền địa phương là UBND, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Các Nghị quyết của Quốc hội đã mở đường cho sự đổi mới tổ chức chính quyền đô thị trong thời gian tới; đồng bộ với đó, cần có những văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như cơ cấu tổ chức riêng cho chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn để tạo điều kiện phát triển thuận lợi, phù hợp cho cả hai địa bàn này.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND ở các đô thị

Đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương các cấp gắn với tinh gọn, cải cách tổ chức bộ máy là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính địa phương. Đối với các cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì xu hướng cải cách theo hướng tinh gọn đầu mối các cơ quan trực thuộc của UBND đã thể hiện trong chủ trương của Chính phủ khi ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã , thành phố thuộc tỉnh (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 108/2020/NĐ-CP). Các nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh, cấp huyện quản lý đối với các ngành, lĩnh vực quản lý. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo những hướng cơ bản như sau:

Điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số Sở, cơ quan ngang Sở, phòng và tương đương để khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan và phù hợp với chức năng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở Trung ương. Trên cơ sở đó, nghiên cứu quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Chính phủ quy định khung các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện; căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí quy định khung của Chính phủ, địa phương có thể lập (hoặc không lập) cơ quan, tổ chức đặc thù sau khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nguyên tắc tổ chức cơ quan chuyên môn; nhiệm vụ, quyền hạn; chế độ làm việc của cơ quan chuyên môn và trách nhiệm của Giám đốc Sở, Trưởng phòng chuyên môn cấp huyện; thẩm quyền của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

PV

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/to-chuc-chinh-quyen-do-thi-phai-phu-hop-voi-dac-diem-va-yeu-cau-quan-ly-do-thi-248066.html