Tổ chức CAR: Mỹ cấp tên lửa Nga cho người Kurd

Theo Tổ chức Nghiên cứu vũ khí Xung đột (CAR), Mỹ vừa cáp thêm vũ khí cho người Kurd tại Syria, trong đó có nhiều tên lửa chống tăng gốc Nga.

Nguồn tin này cho biết, Mỹ vừa triển khai một đoàn xe quân sự tới căn cứ của lực lượng vũ trang người Kurd tại khu vực Tal Beidar, nằm giữa hai thị trấn Qamishli và Tal Tamr ở phía bắc tỉnh Hasakah.

Theo nguồn tin riêng của CAR có được, đoàn xe này bao gồm 10 xe tải hạng nặng mang vũ khí và đạn dược, trong đó có số lượng lớn tên lửa chống tăng Kornet súng máy do Nga sản xuất.

CAR nhận định, với cách cấp vũ khí này, Mỹ muốn che giấu sự trợ giúp quân sự dành cho người Kurd bởi vì ở Syria tràn lan số lượng lớn những vũ khí như vậy.

Tên lửa chống tăng tại Syria.

Báo cáo của CAR cho biết, việc Mỹ cung cấp vũ khí kiểu Liên Xô/Nga cho người Kurd tại Syria nằm trong khuôn khổ một chương trình lớn, được hoạch định từ rất lâu trước đây, với nguồn ngân sách lên tới hàng tỷ USD.

Chương trình này được tiến hành riêng rẽ với chương trình CIA đã đóng cửa về trang bị các cho phiến quân chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Báo cáo của CAR còn cho thấy, CIA và Lầu Năm Góc đã cung cấp 2,2 tỷ USD để mua vũ khí, đạn dược kiểu Liên Xô/Nga cho người Kurd.

Lầu Năm Góc đã thuê "cả một đội quân" các nhà thầu lớn và nhỏ; từ các tập đoàn công nghiệp quân sự giàu có đến các “công ty đen” có liên quan với các tổ chức tội phạm để trưng thu và vận chuyển vũ khí.

Theo báo cáo này, vì các công ty sản xuất vũ khí ở khu vực Balkan và các nước Đông Âu không thể đáp ứng đủ nhu cầu, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải nhờ đến các nhà cung cấp từ Kazakhstan, Gruzia và Ukraine; sau đó còn phải giảm yêu cầu về tiêu chuẩn sản xuất.

Các nhà báo đã dựng lại hệ thống phức tạp cung cấp vũ khí đến Syria trên cơ sở những tài liệu mua sắm, dữ liệu hệ thống theo dõi của các tàu biển, báo cáo chính thức, các e-mail bị tiết lộ và các cuộc phỏng vấn với nguồn tin riêng tay trong giấu tên.

Bản báo cáo cho thấy rằng Lầu Năm Góc mua vũ khí thông qua hai kênh: Thứ nhất là thông qua Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc biệt (SOCOM), cơ cấu chuyên giám sát các hoạt động đặc biệt trong tất cả các dịch vụ của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ và qua Picatinny Arsenal, một tổ chức nghiên cứu và sản xuất quân sự ít được biết đến ở New Jersey.

Các nhà báo đã kỳ công theo dõi được lộ trình chuyển giao hàng và xác định rằng: Các lô vũ khí đi từ các nhà máy ở Serbia, Bosnia, Cộng hòa Czech và Kazakhstan đến Đức, sau đó "món hàng tế nhị" được chuyển qua các hải cảng ở Romania và Bulgaria hoặc sân bay lớn Ramstein ở Đức.

Sau đó, thiết bị được vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không từ Châu Âu đến Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Saudi Arabia và Kuwait. Sau đó, trên máy bay hoặc xe tải, nó được chuyển tới các nhóm phiến quân đối lập được Mỹ hậu thuẫn, ở phía bắc và nam của Syria.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/to-chuc-car-my-cap-ten-lua-nga-cho-nguoi-kurd-3357663/