Tổ chức, cá nhân cần chung tay để ứng xử văn minh trong du lịch

Hiện tượng ứng xử thiếu văn minh, lịch sự về thái độ phục vụ, giá của một số cơ sở dịch vụ ẩm thực, hành vi thiếu ý thức của du khách gây ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Hóa đơn tính tiền của nhà hàng bị tố là chặt chém. (Nguồn: VOV)

Hóa đơn tính tiền của nhà hàng bị tố là chặt chém. (Nguồn: VOV)

Từ đầu năm 2022 đến nay, du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh chóng đối với thị trường khách trong nước.

Nhiều điểm đến thu hút lượng khách kỷ lục cùng mức doanh thu vượt bậc so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 7 tháng năm 2022, cả nước đã đón và phục vụ trên 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong cả năm. Mặc dù chưa đạt như mong muốn, song con số 950.000 lượt khách quốc tế của 7 tháng năm 2022, gấp khoảng 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 cũng phần nào cho thấy sự phục hồi rất đáng kể của du lịch Việt Nam.

Bên cạnh những tín hiệu vui trong giai đoạn phục hồi du lịch, đặc biệt là mùa cao điểm du lịch Hè, câu chuyện dù không mới và chỉ là hiện tượng cá biệt, hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh” vẫn xảy ra ở một số địa phương, điểm đến. Đó là hiện tượng ứng xử thiếu văn minh, lịch sự liên quan đến thái độ phục vụ, giá của một số cơ sở cung cấp dịch vụ ẩm thực, cá nhân làm dịch vụ vận tải hoặc hành vi thiếu ý thức của một số du khách.

Chẳng hạn, tại một trung tâm du lịch lớn của cả nước đã xảy ra trường hợp lái xe taxi tự ý nâng giá cước “khủng” đối với khách nước ngoài khiến thanh tra Sở Du lịch, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phải vào cuộc xác minh và xử phạt lái xe vi phạm. Hoặc có nhà hàng hải sản một thành phố biển cố tình không niêm yết giá bán rõ ràng cho từng món ăn, sau đó tính tiền giá cao cho khách. Nhà hàng này cũng chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hay sự việc “cò du lịch” có hành vi chèo kéo du khách đến một số điểm mua sắm, tham quan để hưởng “hoa hồng” xảy ra ở một thành phố cao nguyên, khiến nhiều du khách bức xúc.

Từ phía du khách, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc dù chỉ là cá biệt song không những làm ảnh hưởng đến chuyến đi của chính mình mà còn gây rắc rối, thậm chí nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng hoặc lan truyền thông tin không đúng, ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến du lịch.

Tại một sân bay, khi chiếc xe bus chở khách từ nhà ga hàng không ra máy bay vừa mở cửa, nữ hành khách đã rời khỏi xe bus để chạy ra tạo dáng quay clip, đưa lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem. Với hành vi này, vị khách bị cấm bay trong 6 tháng trên tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam.

Hoặc có trường hợp dù không trực tiếp đi tham quan và thưởng thức đặc sản tại một nhà hàng ở khu du lịch, chỉ nghe người nhà kể lại, không kiểm chứng đã vội đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook cho rằng nhà hàng “chặt, chém” du khách. Sau đó, cơ quan chức năng ở địa phương đã kiểm tra, xác minh và kết luận đây là thông tin sai sự thật, người đăng tải thông tin này đã bị phạt vi phạm hành chính.

Cảnh báo về những “hạt sạn”, hiện tượng xấu dù chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” song nếu không được ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch, ngày 8/8, tại diễn đàn “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định với những dịch vụ có biểu hiện lộn xộn sẽ chỉ được vài lần, không thể bền vững. Không du khách nào chấp nhận chuyện “chặt chém” hay dịch vụ tạm bợ.

Thực tế, từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch với những quy định cụ thể, phù hợp từng đối tượng. Trong đó, với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, thông điệp được đưa ra là chuyên nghiệp, thương hiệu và chất lượng.

Đảo Ti Tốp, một trong những điểm đến trong hành trình tham quan vịnh Hạ Long. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Các quy tắc ứng xử đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cũng được đề cập rõ như, tuân thủ pháp luật, quy định của địa phương trong kinh doanh du lịch, niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ, ứng xử đúng mực, thân thiện, trách nhiệm, tôn trọng khách hàng, không chèo kéo, đeo bám, nài ép khách du lịch, không có hành vi, thái độ phân biệt đối xử với khách du lịch...

Còn với du khách, Bộ Quy tắc nêu thông điệp là văn minh, tự trọng và trách nhiệm, với những yêu cầu như du khách tuân thủ nội quy, bảng chỉ dẫn khi đi du lịch, xếp hàng theo thứ tự; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và cộng đồng địa phương; ứng xử văn minh, thân thiện, vui chơi lành mạnh; không cố tình quay phim, chụp ảnh ở những nơi không được phép...

Bộ Quy tắc đã nêu rõ ràng, chi tiết những điều cần làm đối với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Song, Bộ Quy tắc sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu như cùng với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan là tinh thần tự giác, chung tay thực hiện từ mỗi cơ sở kinh doanh, cung ứng dịch vụ du lịch, ẩm thực, mua sắm cũng như mỗi du khách và cộng đồng dân cư tại điểm đến.

Mùa cao điểm du lịch Hè 2022 sắp kết thúc nhưng kỳ nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày tiếp tục được kỳ vọng sẽ đón lượng lớn du khách đến các điểm du lịch trong cả nước. Ngoài ra, trong những tháng cuối năm, du lịch Việt Nam nỗ lực, tăng cường thu hút khách quốc tế. Vì vậy, việc ứng xử văn minh, thân thiện trong du lịch rất cần được đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch, cung ứng các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận tải, ẩm thực, mua sắm cũng như du khách chung tay, tự giác thực hiện để du lịch Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện. Mỗi du khách từ việc ứng xử văn minh, tự trọng và trách nhiệm cũng sẽ góp phần tạo nên chuyến du lịch hoàn hảo cho chính mình./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/to-chuc-ca-nhan-can-chung-tay-de-ung-xu-van-minh-trong-du-lich/811945.vnp