TỔ 7 THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ ÁN LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 11/11, Tổ 7 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lai Châu, Nghệ An, Trà Vinh đã tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với việc tách dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ làm 2 luật; đồng thời cho ý kiến về các nội dung: xây dựng công trình quảng cáo tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ; chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải; đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc, ưu tiên phần đường dành cho người đi bộ, người tàn tật và đi xe đạp...

Chú trọng đến việc đảm bảo phần đường dành cho người đi bộ và an toàn giao thông trên đường cao tốc

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nêu quan điểm: Việc tách dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ làm 2 luật cần đảm bảo hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Một số khái niệm cần rà soát lại sao cho hiệu quả. Ví dụ như đường đô thị là đường có vỉa hè và lòng đường. Tuy nhiên, một số đô thị không có vỉa hè, bước từ nhà ra là lòng đường nên cần làm rõ hơn về đường đô thị. Bên cạnh đó cần làm rõ khái niệm thế nào là quốc lộ, đường cao tốc. Ngoài ra, cần thêm một số chương, một số điều liên quan đến đường và danh giới đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

Hiện nay, các luật chủ yếu đề cập về xe cơ giới và phương tiện nhưng không nói đến việc dành đường cho người đi bộ. Ở các nước khác trong Luật Giao thông đường bộ đề cập rất rõ việc ưu tiên dành đường cho người đi bộ, vỉa hè phải được thiết kế như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông. Còn ở Việt Nam, phần đường dành cho người đi bộ không được đề cập trong luật mà chỉ chủ yếu là dành cho xe máy, ô tô, xe bus, xe taxi... Vì thế, trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần chú trọng đến việc đảm bảo phần đường dành cho người đi bộ trong khoảng 3km cũng như tiên phần đường dành cho người tàn tật, người đi xe đạp gắn với bảo vệ môi trường và cần có quy định về thời gian lưu thông trên đường. Việc làm này cũng góp phần giảm tải tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý về tiêu chuẩn đối với đường cao tốc và đảm bảo giao thông ở các đoạn đường này. Bởi thực tế hiện nay, ở một số đường cao tốc có nhiều đoạn người dân vẫn dừng, đón khách. Thậm chí, nhiều đoạn hiện nay chưa phải là đường cao tốc, chỉ có 2 làn, không có dải phân cách nên dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, vấn đề bảo vệ hành lang đường cao tốc cần được nói rõ hơn trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đưa ra một thực tế khác như hiện nay, ở một số đoạn đường cao tốc, người dân vẫn thả trâu bò, đi lại thường xuyên mà không thấy xử phạt; Có những vụ, người tham gia gia thông vẫn lùi xe trên đường cao tốc... Điều này cho thấy chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc còn chưa nghiêm khắc nên trong dự án Luật cần đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn để tạo nền nếp, kỷ cương về an toàn giao thông trên đường cao tốc cho người dân.

Cần có sự điều chỉnh đối với việc xây dựng công trình quảng cáo tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ

Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 về sử dụng hành lang an toàn đường bộ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định “việc xây dựng công trình quảng cáo tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận”, trước đây còn có thêm cụm từ bằng văn bản. Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng quy định này có một số nội dung chưa phù hợp. Đó là nguy cơ chồng chéo về thủ tục với các văn bản pháp luật khác. Theo quy định tại Điều 31 Luật Quảng cáo thì cơ quan có thẩm quyền về xây dựng sẽ cấp giấy phép xây dựng cho một số trường hợp xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập.

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 7.

Trong Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng cho xây dựng, không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất thì phải có “văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của UBND cấp huyện” (khoản 6 Điều 8 Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng). Như vậy, các quy định hiện hành kết hợp với quy định tại Dự thảo thì một công trình quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ có thể phải xin đến 03 giấy phép của ba cơ quan có thẩm quyền khác nhau cấp phép. Điều này có thể tạo ra sự chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan nhà nước và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện (chẳng hạn: doanh nghiệpcó giấy phép xây dựng cũng có thể không được phép xây dựng nếu không được cơ quan có thẩm quyền quản lý về đường bộ chấp thuận).

Bên cạnh đó, quy định như dự thảo Luật thiếu minh bạch. Dự thảo hiện không quy định về bất kỳ tiêu chí, căn cứ để cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận hoặc từ chối việc đặt công trình quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ.

Ngoài ra, Dự thảo cũng không đề cập cụ thể tới cơ quan quản lý đường bộ nào có thẩm quyền trong các trường hợp cụ thể (cơ quan có thẩm quyền theo địa giới hành chính hay theo loại đường giao thông liên quan).

Từ những bất cập nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định theo hướng: Thứ nhất, kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật quảng cáo về cấp giấy phép xây dựng của công trình quảng cáo theo hướng khi cấp loại giấy phép này cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải xin ý kiến của cơ quan quản lý đường bộ trong trường hợp công trình quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ. Thứ hai, điều chỉnh quy định tại khoản 4 Điều 16 Dự thảo theo hướng, cơ quan quản lý đường bộ sẽ cho ý kiến đối với việc xây dựng công trình quảng cáo trong trường hợp công trình quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đặt biển quảng cáo xin ý kiến. Thứ ba, đề nghị bổ sung các tiêu chí cụ thể để cơ quan quản lý đường bộ cho ý kiến (đồng ý hay không đồng ý) về việc đặt công trình biển quảng cáo trên đất hàng lang an toàn đường bộ khi được hỏi ý kiến.

Về xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 19), tại khoản 5 Điều 19 dự thảo Luật quy định “chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình hạ tầng quy định tại khoản 1 phải hoàn trả công trình đường bộ bị ảnh hưởng, tổ chức di dời công trình đường bọ bị ảnh hưởng khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, quy định này cần được xem xét ở các điểm sau: Việc xếp chung công trình thiết yếu và biển tuyên truyền, quảng cảo vào chung biện pháp xử lý là chưa phù hợp, bởi tính chất của các loại công trình này là khác khau. Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Dự thảo thì công trình hạ tầng thiết yếu là những công trình có thể được xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nếu không thể bố trí ngoài phạm vi này. Còn biển tuyên tuyền, quảng cáo không có tính chất như các công trình thiết yếu, chỉ được phép tạm thời sử dụng (theo khoản 1 Điều 16 Dự thảo).

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo tách công trình quảng cáo, biển tuyên tuyền ra khỏi các công trình thiết yếu và xử lý theo hướng: Đối với công trình là biển tuyên truyền, quảng cáo thì nên giữ phương án hiện tại (buộc phải di dời và không được yêu cầu bồi thường). Đối với các công trình thiết yếu: Cần sửa đổi quy định theo hướng chủ công trình buộc phải di dời nhưng được bồi thường và/hoặc bố trí xây dựng tại địa điểm khác.

Về tính minh bạch, quy định chủ công trình phải di dời công trình “khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là chưa rõ ràng về các trường hợp nhà nước sẽ yêu cầu di dời công trình. Việc thiếu rõ ràng trong quy định các trường hợp này có thể tạo ra sự tùy nghi của các cơ quan thực thi và nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của chủ công trình. Vì vaayh, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu di dời các công trình trên.

Đối với giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, tại Điều 36 Dự thảo quy định về việc cấp phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng: Một số quy định về vấn đề này chưa được quy định hợp lý, cụ thể: Về các trường hợp được phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Khoản 1 Điều 36 Dự thảo liệt kê các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác. Suy đoán là chỉ các trường hợp này mới được phép thi công trên đường bộ đang khai thác (chú ý: câu chữ tại khoản 1 chưa cho phép hiểu chặt chẽ thế này). Nếu cách hiểu này là đúng thì dường như phạm vi này là quá hẹp.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu quan điểm.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, trên thực tế, có rất nhiều các trường hợp thi công ảnh hưởng tới công trình giao thông đường bộ đang khai thác (đặc biệt là đường trong đô thị), ví dụ phổ biến là xây dựng công trình dân sự (nhà ở, khu thương mại hành chính….) ở mặt đường/phố mà ảnh hưởng tới vỉa hè cho người đi bộ (cũng là một bộ phận của đường bộ đang khai thác). Việc thi công các công trình này là nhu cầu chính đáng và không thể không cho thực hiện. Tuy nhiên, việc thi công các công trình này hiện khá tùy tiện, không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu nào về việc bảo đảm lối đi tối thiểu an toàn cho người đi bộ. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định này theo hướng: Mở rộng phạm vi các trường hợp được phép thi công đồng thời áp dụng các quy định quản lý tương ứng với các trường hợp này (trong các khoản khác của Điều này, ví dụ khoản 7-8 về các trường hợp được thi công mà không cần xin giấy phép). Quy định rõ chỉ các trường hợp được liệt kê mới được phép thi công.

Đối với chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải (Điều 61), khoản 2 Điều 61 Dự thảo Luật quy định để lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”. Đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành và cần được cân nhắc bởi các vấn đề. Thứ nhất, quy định sẽ làm tăng thủ tục xin-cho không cần thiết. Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đàotạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ. Thứ hai, trùng lặp về mục tiêu quản lý vì mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu). Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này. Nói cách khác, “giấy phép lái xe” đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Thứ ba, nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo. Mặc dù chưa được quy định chi tiết nhưng những nội dung đào tạo để cấp chứng chỉ có khả năng lớn là trùng lặp với đào tạo để cấp giấy phép lái xe (do mục tiêu quản lý là trùng lặp). Có thể với chứng chỉ, một số nội dung khác không liên quan đến kỹ năng lái xe mà về các nghiệp vụ kinh doanh sẽ được bổ sung. Tuy nhiên, nếu đúng thì thì việc đào tạo này là không cần thiết, vì mục tiêu quản lý cho các lái xe là hướng đến lái xe an toàn – kinh doanh là vấn đề của chủ doanh nghiệp, không phải của các lái xe. Do đó, yêu cầu người lái xe đã có giấy phép lái xe phải có thêm “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và hoặc doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép. Với những lý lẽ trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Quan tâm đến giao thông tĩnh ở đô thị và nên có quy định rõ hơn về bãi đỗ xe ở nơi công cộng

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, tán thành với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ với các phạm vi điều chỉnh và kết cấu giao thông đường bộ và phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý Nhà nước về đường bộ. Tuy nhiên, trong các loại hình giao thông đường bộ cần có quy định cụ thể, đặc thù về giao thông đô thị và cần trong dự án Luật cần có một chương nói rõ về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, hiện nay, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông còn chưa đạt quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2018 là từ 16-25%. Theo báo cáo của Ban soạn thảo Dự án Luật, hiện nay, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông chỉ dưới mức 9%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Do đó, cần có các quy định pháp luật về vấn đề này. Mặt khác, hiện nay, ở các đô thị còn tình trạng xe đỗ trên vỉa hè, dưới lòng đường gây nên ùn tắc giao thông. Vì thế, trong dự án Luật cần quan tâm đến giao thông tĩnh ở đô thị và nên có quy định rõ hơn về bãi đỗ xe ở nơi công cộng.

Cũng tại Phiên thảo luận, một số đại biểu còn cho ý kiến về chứng chỉ đối với lái xe, hành vi không được thực hiện khi tham gia giao thông... Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 16/11 tới./.

Bích Lan-Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=49797