TKV: Sẽ nộp tiền cấp quyền khai thác chừng nào mỏ sắt Thạch Khê tái khởi động

Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hoãn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ sắt Thạch Khê năm 2017 và 2018.

Mỏ sắt Thạch Khê (Nguồn: TKV)

Mỏ sắt Thạch Khê (Nguồn: TKV)

Cụ thể, TKV cho biết với vai trò là đơn vị chính – chủ trì thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê, TKV đã góp đủ phần vốn góp theo quy định và đã chỉ đạo Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) nghiêm túc thực hiện đầy đủ, hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các năm 2014, 2015 với số tiền 235,147 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do dự án vẫn chưa được tái khởi động nên TKV đã có công văn số 5599/TKV-KSH ngày 25/11/2016 báo cáo Thủ tướng xin giãn nộp tiền cấp quyền khai thác năm 2017 và 2018.

TKV cho biết ngày 30/12/2016, Tổng cục Địa chất & Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn 3726/ĐCKS-KTĐCKS về việc đề nghị ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2017.

Cùng ngày, Bộ Tài chính có công văn số 19051/BTC-TCT gửi Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Ngày 14/2/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 552/BTNMT-ĐCKS về việc đề nghị triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, trong đó đồng ý đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nêu trên đến năm 2018.

Hiện nay, dự án vẫn đang được các bộ và Chính phủ xem xét nên TIC chưa hoạt động trở lại và chưa có nguồn thu. Năm 2016, Chính phủ đã cho phép TIC hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác năm 2016 tại văn bản số 761/TTg-KTN ngày 9/5/2016.

"TKV báo cáo Thủ tướng xem xét cho phép tạm hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho đến khi dự án được phép tái khởi động trở lại. TKV cam kết sau khi dư án được triển khai bằng năng lực của Tập đoàn sẽ chỉ đạo TIC nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác mỏ sắt Thạch Khê theo đúng các quy định hiện hành", văn bản viết.

Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960 với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009.

Dự án có quy mô lên tới 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 6.777 tỷ, giai đoạn II là 7.739 tỷ đồng. Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.

Hồi tháng 10/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5739 gửi lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị cho phép Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Ngay sau văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TKV đã lên tiếng phản hồi, cho rằng kiến nghị của Bộ là "chưa thấu đáo, chưa khách quan, không phản ánh đầy đủ và không đúng với kết quả TIC đã thực hiện".

Theo TKV, với khoản vốn đầu tư đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng, việc dừng dự án có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là vốn nhà nước, do vậy cần tiếp tục thực hiện.

Bộ Công Thương sau đó cũng đã có văn bản cho rằng đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Cổ đông tư nhân duy nhất của TIC - Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, cũng đăng đàn bày tỏ: nếu dừng dự án, quyền lợi của nhà đầu tư cần được giải quyết theo hai phương án. Một là phải bồi thường cho nhà đầu tư ít nhất là toàn bộ vốn đã góp; hai là cấp thẩm quyền phải đóng dấu chứng nhận Công ty Thăng Long đã nộp đủ số tiền tương đương 12,5% vốn góp vào dự án (243 tỷ đồng, cộng với lãi suất ngân hàng 10 năm qua đã lên đến gần 300 tỷ đồng).

Về phía tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh này đã có 2 lần xin dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh việc triển khai dự án có rất nhiều khó khăn, hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, tác động lớn đến lớn đến đời sống của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Được biết hiện nay, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã giải phóng mặt bằng 827 ha, bốc xúc 12,7 triệu m3, nộp ngân sách nhà nước 253 tỷ đồng, xây dựng các công trình thuộc đề án 946 (hỗ trợ địa phương). Tổng chi phí cho các việc đã làm là 2.000 tỷ đồng (toàn bộ là tiền góp vốn của các cổ đông, chưa vay ngân hàng).

Vĩnh Chi

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/tkv-se-nop-tien-cap-quyen-khai-thac-chung-nao-mo-sat-thach-khe-tai-khoi-dong-20171210215731103.htm