Tình yêu thương ở nơi có những học trò 'đặc biệt'

So với các đồng nghiệp ở các trường thuộc hệ thống giáo dục cơ bản, những giáo viên ở Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An, thuộc hệ thống giáo dục chuyên biệt thực sự gặp nhiều vất vả. Chính sự đặc biệt của đối tượng dạy học đã tạo nên những thầy, cô giáo đặc biệt. Và nơi đây, chỉ có tình yêu thương thật sự mới giúp thầy cô vượt qua những khó khăn.

Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An hiện có hơn 300 học sinh bị khuyết tật về cơ thể và trí tuệ. Những giáo viên trong môi trường chuyên biệt này ngoài việc dạy chữ, dạy nghề còn có nhiệm vụ trang bị kỹ năng sống cho các em học sinh. Vì thế, tình cảm thầy trò nơi đây có rất nhiều điểm đặc biệt, trên tất cả vẫn là niềm yêu thương và gắn bó như những người chung một mái ấm.

Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An hiện có hơn 300 học sinh bị khuyết tật về cơ thể và trí tuệ. Những giáo viên trong môi trường chuyên biệt này ngoài việc dạy chữ, dạy nghề còn có nhiệm vụ trang bị kỹ năng sống cho các em học sinh. Vì thế, tình cảm thầy trò nơi đây có rất nhiều điểm đặc biệt, trên tất cả vẫn là niềm yêu thương và gắn bó như những người chung một mái ấm.

Với học trò khiếm thính, mối liên hệ giữa người dạy và người học chủ yếu thông qua hành động, cử chỉ và ánh mắt. Để xây dựng thành công mối liên hệ này, người giáo viên phải kiên trì, tâm huyết, luôn gần gũi, thân thiện để hướng dẫn từng em học sinh diễn tả suy nghĩ, tâm tư, tình cảm và "kết nối" được với người dạy và "kết nối" với những người cùng cảnh ngộ.

Trong giờ dạy của mình, cô giáo Phan Thị Huyền luôn dẫn dắt học trò nắm bắt ý nghĩa, nội dung bài học thông qua các cử chỉ. Từ đó, mối liên hệ, tình cảm giữa cô và trò, giữa học trò với nhau càng thêm gắn bó.

Với học sinh khuyết tật về trí tuệ, việc dạy học càng khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Bởi lẽ, mỗi em một tính cách, khả năng tiếp nhận cũng khác xa nhau nên giáo viên phải hiểu rõ đặc điểm cụ thể của từng em để có phương pháp giáo dục phù hợp. Nghĩa là, không chỉ cần nghiêm túc mà có lúc còn phải yêu thương, dỗ dành.

Trong giờ học, một em học sinh đứng lên bàn, leo lên cửa sổ rồi hò hét khiến cả lớp náo động, cô giáo Cao Hoài Thu phải tạm dừng công việc, đến bên cạnh vỗ về, động viên em ngồi lại ngay ngắn. Theo lời cô Thu, tình huống này diễn ra thường xuyên, gần như buổi học nào cũng diễn ra ở lớp học khuyết tật về trí tuệ

Ở đây, các em không chỉ được dạy kỹ năng sống mà còn được các thầy cô tận tụy hướng dẫn nghề may, nghề điện và hàn để ra đời có một công việc phù hợp nuôi sống bản thân. Gần 30 năm trong nghề, cô giáo Ngô Thị Phương đã dạy dỗ hàng trăm học sinh khuyết tật thành thạo nghề may và ra đời kiếm sống.

Trên lớp miệt mài với từng tiết dạy, đến bữa ăn, các thầy, cô giáo còn dành thời gian quan tâm, chăm sóc học trò, nhất là những em gặp khó khăn trong sinh hoạt và đi lại.

Thời gian đầu mới tiếp cận công việc, hầu hết thầy, cô bỡ ngỡ, hết sức lo lắng, thậm chí có người định chùn bước. Nhưng qua thời gian, công việc quen dần, tình yêu thương ngày càng lớn lên, luôn quan tâm lo lắng, dành thời gian chăm sóc và xem học trò như con của mình.

Cô giáo Cao Hoài Thu tâm sự về công việc hàng ngày ở Trung tâm. Clip: Đức Anh

Ảnh: Đức Anh; Nội dung: Công Kiên

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/tinh-yeu-thuong-o-noi-co-nhung-hoc-tro-dac-biet-257577.html