Tình yêu mãnh liệt của diễn viên trẻ dành cho sân khấu

NSND Trần Minh Ngọc cho biết, qua cuộc thi 'Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2020' ông thấy được tình yêu của các diễn viên trẻ dành cho sân khấu luôn hết mình.

Tối 18/12, cuộc thi "Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2020" đã kết thúc sau 12 buổi thi của các đơn vị nghệ thuật tham gia tranh tài. 9 huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc được trao cho các thí sinh trong cuộc thi.

Cuộc thi "Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2020" đã quy tụ 63 thí sinh đến từ 15 đơn vị: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Kịch Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội,..

PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi, Thứ trường điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn trao huy chương Vàng cho các thí sinh.

PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi, Thứ trường điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn trao huy chương Vàng cho các thí sinh.

Với 50 trích đoạn tham dự cuộc thi của các đơn vị sân khấu kịch khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, vừa là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, vừa là các đơn vị nghệ thuật tư nhân mô hình xã hội hóa nên đã đem đến nhiều phong cách sân khấu mới mẻ, năng động, hiện đại, đa dạng về chất liệu đề tài. Sân khấu cuộc thi giống với "sân khấu phẳng" khi có sự hội tụ những tinh hoa đặc sắc của nghệ thuật kịch nói phương Tây kết hợp với phương Đông, đan xen giữa truyền thống với hiện đại.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và NSND Hoàng Dũng, thành viên Hội đồng Giám khảo trao huy chương Bạc cho các thí sinh.

Nhiều trích đoạn trong các vở kịch kinh điển lừng danh của thế giới được các diễn viên trẻ thể hiện như vở Othenlo, Macbet, Romeo & Juliet của đại văn hào lỗi lạc William Shakespeare: Tartuffe, Lão hà tiện của nhà soạn kịch vĩ đại Molìere;… hay vở Tên cớm và bản thánh ca của O’Henry, Mê đê của Euripide,... cùng một số trích đoạn trong những vở kịch tiêu biểu của sân khấu kịch Việt Nam như: Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Lôi Vũ của Tào Ngu…

Một số trích đoạn của các vở kịch hiện đại như: Người đàn bà không tên của Doãn Hoàng Giang, Ngôi nhà quỷ ám của Nguyễn Quang Lập, Ngược chiều gió của Huệ Ninh, Đêm máu của Quốc Toàn,... tất cả đã đem đến một hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú, đầy đủ các sắc màu hiện thực của kim, cổ, đông, tây của con người, xã hội Việt Nam và thế giới.

Ông Lê Minh Tuấn Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi và NSND Lan Hương, thành viên Hội đồng giám khảo trao huy chương Bạc cho các thí sinh.

NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã phát biểu: "Với tư cách là khán giả, chúng tôi đã thấy rất rõ niềm đam mê được sống với nhân vật trên sàn diễn, thấy được tình yêu mãnh liệt mà các bạn trẻ dành cho nghệ thuật biểu diễn, thấy được những cảm xúc với nhiều cung bậc được nghệ sĩ sân khấu thể hiện hết mình, "cháy hết mình" như các bạn thường nói".

PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi khẳng định: "Cuộc thi được coi như một ngày hội để các nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi bạn bè đồng nghiệp. Cuộc thi cũng cho thấy lòng say mê nghề nghiệp của các nghệ sĩ trẻ thật đáng trân trọng, giúp chúng ta có thêm niềm tin vào lớp nghệ sĩ kế cận cũng như những giá trị của nghệ thuật sân khấu Kịch nói trong đời sống xã hội hôm nay".

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/tinh-yeu-manh-liet-cua-dien-vien-tre-danh-cho-san-khau-698663.html