Tình yêu kỳ lạ

Bằng sự hiểu biết và cảm nhận của mình, tôi có thể nói rằng, có lẽ trên thế giới không có một Câu lạc bộ (CLB) thứ hai nào như thế. Một CLB của người nước ngoài mà các thành viên cùng nhau đến đó chỉ hát các bài hát Nga, bằng tiếng Nga và tiếng bản địa. Bạch Dương chính là tên CLB 'kỳ lạ' đó.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên CLB Bạch Dương cùng bà Natalia Valerievna, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Trưởng cơ quan Đại diện Cơ quan hợp tác LB Rossotrudnichestvo tại Việt Nam.

Tọa lạc tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, số 501 Kim Mã, Hà Nội, cứ chiều thứ Tư hàng tuần, trong CLB lại vang lên những ca khúc Nga, lúc sôi nổi, hào hùng, khi sâu lắng, du dương. Những giai điệu mang âm hưởng dân ca Nga về chiến tranh và hòa bình, về vẻ đẹp thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga và tính cách Nga cứ thế vang lên. Ra đời cách đây gần một chục năm, CLB Bạch Dương là nơi quy tụ những người yêu âm nhạc Nga, yêu ca khúc Nga và biết tiếng Nga. Những người đầy tâm huyết, có công gây dựng CLB đầu tiên là nhà giáo Phan Văn Bích, nhà thơ Lê Văn Nhân, dịch giả Thúy Toàn, dịch giả Lê Đức Mẫn...

Đến với CLB, các hội viên được hướng dẫn kỹ thuật thanh nhac, tập hát những "bài ca đi cùng năm tháng" của Nga: Chiều Maxcơva, Đôi bờ, Kachiusa, Chiều hải cảng, Tuổi thanh niên sôi nổi, Cây thùy dương... và những tác phẩm kinh điển dựa trên nền thơ của các thi hào Nga Puskin, Lecmontop, Exênhin... như: Tôi yêu em, Anh nhớ mãi phút giây kỳ diệu, Tôi không tiếc không than không khóc,... Các bài dân ca Nga được đặc biệt yêu thích. Đến nay đã có hàng trăm hội viên lần lượt tham gia CLB.

Ngoài tập luyện, CLB còn tham gia trình diễn các ca khúc Nga tại các lễ kỷ niệm các sự kiện trọng đại văn hóa Nga - Việt do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức như: Kỷ niệm Ngày chiến thắng, Mừng năm mới, Kỷ niệm ngày sinh Puskin và Ngày Văn học Nga, Kỷ niệm chuyến bay vào vũ trụ Phạm Tuân - Gorbátco... Các tiết mục của CLB đều được các cơ quan đại diện Nga ở Hà Nội và khán thính giả hai nước hoan nghênh và đánh giá cao.

Từ hơn 2 năm nay, hoạt động của CLB Bạch Dương được thổi thêm luồng sinh khí mới với sự tham gia huấn luyện của cặp nghệ sĩ Tôn Thất Triêm - Xuân Thanh. Nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đã từng bốn lần đoạt giải "Nghệ sĩ Piano hòa tấu xuất sắc nhất" tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế tổ chức tại Nga và Liên Xô đầu thập niên 90. Người bạn đời của ông là nghệ sĩ Xuân Thanh là một giọng ca opera nổi tiếng của Việt Nam tại Nhạc viện danh giá Trai-cốp-xki. Nghệ sĩ Tôn Thất Triêm là một người có tâm hồn nồng nàn yêu nước Nga, văn hóa Nga, ngưỡng mộ nền âm nhạc Nga. Ngón đàn piano điêu luyện đầy cảm xúc của ông, những mẩu chuyện ngắn ông kể về những nhà soạn nhạc, những nghệ sĩ hàng đầu Nga đã giúp học viên nhận biết sâu sắc hơn nền âm nhạc Nga. Tiếng đàn của thầy kết hợp hoàn hảo với giọng ca đầy nội lực, cảm xúc tinh tế và kỹ thuật thanh nhạc cao của cô Xuân Thanh đã giúp học viên nâng cao trình độ kỹ thuật thanh nhạc, biến mỗi buổi tập thành một buổi hòa nhạc đầy hứng khởi và cuốn hút.

Lý giải vì sao người Việt Nam lại có một tình yêu lạ kỳ với âm nhạc Nga, thầy Triêm chia sẻ: "Ngoài những lý do lịch sử, chính trị, quan hệ gắn bó tốt đẹp giữa hai nước Việt - Nga, thì yếu tố tầm cỡ thế giới của âm nhạc, ca khúc Nga là rất quan trọng. Văn hóa Nga bao gồm cả văn học, nghệ thuật, âm nhạc từ lâu đã được thế giới công nhận và hết lòng ngưỡng mộ. Cái tài của các nhà soạn nhạc và nhạc sĩ Nga là đã biết đem tâm hồn Nga, tài nghệ và trí tuệ tuyệt vời của mình, cùng với lao động nghệ thuật miệt mài, dựa vào âm nhạc truyền thống Nga, tinh túy của âm nhạc nhân loại, kết hợp với nền thơ ca đầy tính triết lý, để chắt lọc và làm nên những khúc ca bất hủ sống mãi với thời gian. Những giai điệu đẹp và êm đềm đến nao lòng như "Chiều Maxcơva" có sức mạnh kêu gọi hòa bình hơn mọi loại tuyên truyền khác".

Thanh Liêm (thành viên CLB Bạch Dương)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tinh-yeu-ky-la-302012.html