Tình yêu cuộc sống

Những âm thanh như không dừng được. Người thanh niên vẫn mải mê lướt trên phím đàn. Bên ngoài gió vẫn thổi mạnh. Căn phòng như rộng thêm ra. Củi trong lò sưởi như cháy nhiều hơn.

“… Trời trở tối đã lâu, gió lạnh thổi từng cơn, một người thanh niên kéo cao cổ áo choàng bước nhanh trên con đường vắng. Chợt anh bước chậm chân và dừng lại – có tiếng khóc phát ra từ ngôi nhà nhỏ mái thấp ven đường. Một ngôi nhà được xây theo kiểu cổ, ánh đèn yếu ớt hắt ra từ khung cửa sổ vòm đầy tuyết. Một chút suy nghĩ, người thanh niên gõ vào cánh cửa cũ kỹ. Sau tiếng cọt kẹt nặng nề, một cô gái nhỏ với chiếc áo lạnh dài quá khổ xuất hiện nơi bậc cửa, nét mặt lộ rõ vẻ tuyệt vọng đau thương:

- Ông ơi! Xin hãy cứu giúp! Ông cháu sắp chết rồi! Từ chập tối ông cháu đã kêu cháu ra đường tìm bất cứ ai để ông cháu trăng trối và làm dấu thánh cho ông. Trời tối, đường vắng, không có ai đi qua cả. Xin ông hãy bước vào trong.

Người thanh niên bước vào. Ánh lửa từ lò sưởi cùng ngọn nến trên bàn vừa đủ nhìn rõ căn nhà. Trên chiếc giường gỗ một người đàn ông, đúng hơn là một ông già mắt nhắm nghiền đắp tấm chăn cũ nằm im. Căn nhà bé nhỏ hầu như không có đồ đạc gì ngoại trừ một cây đàn piano cũ kỹ bạc màu đặt ở góc nhà:

- Thưa ông! Tôi có thể làm được gì cho ông?

Cụ già mở mắt, vẫn nhìn thẳng lên trần nhà thở gấp:

- Tất cả đều quá trễ rồi, tôi sắp đi, tôi biết. Anh không thể giúp gì được đâu. Tôi rất mừng và cảm ơn anh đã đến. Anh hãy ngồi xuống đi. Tôi có đôi điều muốn nói. Tôi ra đi mà lòng không thanh thản.

- Ông cháu không thể nhìn thấy được, ông cháu bị mù – cô gái nói nhỏ với người thanh niên.

- Vâng! Xin ông cứ nói hết những điều ông đang nghĩ.

- Đã lâu lắm rồi tôi không còn nhìn được. Không hiểu sao những ngày gần đây tôi hay nhớ lại những gì đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi – Cụ già nói một cách khó khăn – Tôi nhớ lại buổi sáng lần đầu tiên gặp vợ tôi bên bờ suối, tiếng chim hót, tiếng suối chảy, gương mặt vợ tôi lung linh trong ánh nắng, nàng đến bên tôi, lời nói dịu dàng… Ôi, tất cả đã xa lắm rồi, xa lắm rồi… Tôi biết, tôi đã nghĩ quẩn rồi – cuộc đời sao trôi nhanh quá – bao khổ cực – bao mất mát – những dằn vặt về một điều gì đó… Ngừng một lát, ông nói tiếp – Tôi ra đi không biết đứa cháu nhỏ của tôi sẽ ra sao. Anh có thể bảo bọc nó giúp tôi được không? Khi đến cuối đời con người ta lại muốn nhớ, muốn nhìn lại được tất cả những gì đã trải qua, muốn gặp lại những người thân, muốn chuộc lại những lỗi lầm, muốn sống lại những giờ phút đẹp… Ước gì tôi có thể nhìn thấy được, gặp lại được vợ tôi… Tiếng ông ngắt quãng – không thể được nữa rồi, tôi biết… ước gì… ôi…

Người thanh niên đứng dậy, nắm lấy bàn tay gầy yếu của cụ già:

- Xin ông hãy an lòng và thanh thản – Tôi xin hứa sẽ chăm sóc cô bé này.

Người thanh niên quay lại và chợt bước nhanh đến góc phòng, ngồi xuống ghế mở nắp đàn. Cây đàn cũ đã lâu lắm rồi không có người chơi chợt vang lên những âm thanh đầu tiên. Bỗng chốc cả phòng tràn ngập tiếng đàn. Tiếng đàn lúc dịu dàng, lúc réo rắt, lúc sâu lắng mãnh liệt như dòng suối nhạc tuôn trào dưới đôi tay điêu luyện. Căn phòng như ấm lại. Cụ già mắt vẫn mở to nhìn lên trần nhà như đang nhìn một vật gì rất xa, vẻ mặt lúc một rạng rỡ hơn. Thời gian như dừng lại trong những khoảnh khắc của âm thanh tuyệt vời. Dáng cao gầy của người thanh niên rung theo những tiếng đàn. Chợt cụ già kêu lên, những ngón tay nắm chặt vào thành giường, người như nhổm dậy:

- Tôi thấy rồi! Tôi thấy rồi! Kỳ diệu thay! Tôi đã nhìn thấy cô ấy – vâng, tôi thấy vợ tôi đang cười. Cô ấy đang bước đến bên tôi. Tôi đã nhìn thấy ánh nắng lung linh bên dòng suối và nghe tiếng chim hót trên cao… Tôi đã nhìn thấy khu vườn nhỏ với những bông hoa đỏ thắm rung rinh trong gió. Tôi đã nhìn thấy con đường tôi đang chạy nhảy… Tôi đang nhìn thấy…

Những âm thanh như không dừng được. Người thanh niên vẫn mải mê lướt trên phím đàn. Bên ngoài gió vẫn thổi mạnh. Căn phòng như rộng thêm ra. Củi trong lò sưởi như cháy nhiều hơn.

Sau cùng, cây đàn như rung lên với những âm thanh trải rộng, dồn dập, nhịp nhàng rồi dừng lại. Yên lặng. Người thanh niên ngồi bất động, những ngón tay vẫn đặt trên phím đàn.

- Thật tuyệt vời! Cụ già thở gấp gáp – Cám ơn anh. Tôi thật mãn nguyện. Anh có thể cho tôi biết quý danh?

- Tôi tên là Mozart.

Mắt cụ già từ từ khép lại, tay buông lỏng, trên môi như đang nở một nụ cười.”

Có ai đó nói rằng âm nhạc là một điều kỳ diệu. Cũng có ai đó xem âm nhạc như một niềm vui, một nguồn giải trí…

Có lẽ tất cả đều đúng. Đối với tôi, dù dòng đời bận rộn vẫn tin rằng tình yêu âm nhạc vẫn mãi đẹp và xúc động như câu chuyện mà tôi đã từng được đọc hơn mười năm trước. Câu chuyện được viết lại dựa theo trí nhớ, một đôi chỗ có thể khác so với bản gốc - nhưng tôi cố gắng viết lại như muốn chia sẻ cùng các bạn.

Nguyễn Văn Phước

Từ tờ Thế Giới Âm Nhạc Fns 1998

Âm nhạc vốn là một món quà tặng tuyệt vời của tạo hóa. Từ khi còn trong bụng mẹ, chúng ta đã có thể lắng nghe và cảm nhận nó. Âm nhạc không chỉ là những nốt trầm bổng, những lời ca tiếng hát, mà nó còn là nội tâm, là thế giới quan của mỗi người. Vì lẽ đó mà ông lão đã nhìn thấy vợ mình, nhìn thấy ánh nắng, thấy khu vườn,… khi nghe được tiếng đàn tuyệt đẹp của một nghệ sỹ thực thụ như Mozart, bất chấp đôi mắt bị mù.

Như Hảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/hat-giong-tam-hon-c-176/tinh-yeu-cuoc-song-97452.html