Tình yêu của người mẹ kế

Mọi người đều bảo mẹ con chúng tôi tình sâu nghĩa nặng, nhưng tôi biết bà là mẹ kế của tôi và tôi cũng chưa quên những chuyện không hay trước đây giữa tôi và bà.

Năm tôi 10 tuổi, bà lén làm kẹo cho tôi ăn, nhiều hơn hẳn các con đẻ của bà. Năm tôi học cấp 2, bà thường đi bộ hơn chục cây số mang cơm cho tôi. Năm 16 tuổi khi tôi bắt đầu vào học cấp 3, hễ gặp ai là bà lại khoe tôi thông minh, học giỏi. Năm 22 tuổi, tôi lấy chồng. Bất chấp sự phản đối của các con bà, bà đã chuẩn bị của hồi môn cho tôi khá tươm tất. Năm 34 tuổi tôi bị chồng bỏ, bà cũng từng cầm dao liều mạng, nói lý với chồng tôi. Đến khi tôi ngoài 40 tuổi, bà dường như biến thành một đứa trẻ, lúc nào cũng quấn lấy tôi không muốn rời…

Mọi người đều bảo mẹ con chúng tôi tình sâu nghĩa nặng, nhưng tôi biết bà là mẹ kế của tôi và tôi cũng chưa quên những chuyện không hay trước đây giữa tôi và bà.

Ngày lấy bố tôi bà mang theo 4 đứa con. Các con bà cũng không hơn kém tuổi tôi là mấy. Bà gọi tôi là út ba. Tôi phải giặt quần áo, nấu cơm cho các anh các chị, chải đầu chải tóc cho các em trai, em gái, vậy mà bà vẫn chưa vừa ý, thường chống tay vào nạnh mắng chửi tôi rất lâu. Bà là người nóng nảy, hiếu thắng, cả đời không biết nói năng nhẹ nhàng cũng không chịu nhịn bất kỳ ai. Một người cứng rắn như vậy ấy thế mà năm ngoái vào lúc lâm bệnh nặng bà đã kéo tay tôi vào lòng, nước mắt lã chã nhắc lại chuyện quả trứng gà năm xưa. Bà tưởng tôi hồi đó còn nhỏ nên giờ không nhớ nữa. Hôm đó là lần đầu tiên bà gắp trứng cho tôi, lần đầu tiên bà ôm tôi vào lòng, là khởi đầu tình yêu của một người dành cho một người khác. Một chuyện quan trọng như vậy làm sao tôi quên được?

“Vì sao tình cảm giữa chúng tôi lại sâu đậm hơn cả quan hệ mẹ con ruột thịt?” - Ảnh minh họa

30 năm trước trứng gà vẫn còn hiếm lắm, vậy mà lần đó bố đã mang về một lúc 5 quả rất to. Trên bàn ăn, bà cẩn thận bóc từng tí vỏ một, bóc xong quả nào là bà lại đưa lên mũi hít thật sâu và nói: “Thơm quá!”, sau đó chia cho 4 đứa con của bà mỗi người một quả, vừa hạnh phúc nhìn chúng ăn ngấu ăn nghiến bà vừa mắng yêu: “Ăn từ từ thôi không lại chết nghẹn bây giờ”. Cuối cùng, bà quẳng nốt quả còn lại trước mặt tôi. Tôi cẩn thận bóc vỏ, đang định cho tuột vào mồm thì chợt nhớ đến người mẹ quá cố của tôi, rồi nghĩ đến ánh mắt đắm đuối, thèm thuồng khi ngửi quả trứng của bà, tôi nén nước bọt chia một nửa quả cho bà. Bà ngạc nhiên một lúc rồi lớn tiếng quát tôi là đã để rơi ít lòng đỏ xuống đất. Tôi sợ hãi vội vàng cúi xuống nhặt thì bị bà chặn lại lau nước mắt, nước mũi đang ướt nhèm khắp khuôn mặt tôi.

Kể từ đó về sau, ánh mắt bà nhìn tôi dịu dàng hơn nhiều, thậm chí bà còn hôn tôi ngay trước mặt các con bà và bảo tôi là đứa mà bà yêu thương nhất. Một thời gian dài, cả bố tôi và tôi đều không thể nào quen với sự thay đổi bất ngờ đó của bà. Ấy thế mà không biết từ khi nào tôi đã yêu quý bà đến vậy. Tôi thương bà, thường xuyên rửa chân, bóp lưng cho bà, vì bà tôi chăm chỉ học hành… Còn bà, dường như cũng đã tập trung tình yêu của cả 5 đứa con dồn hết lên một mình tôi. Mặc dù chúng tôi không chung huyết thống nhưng suốt 40 năm chung sống, chúng tôi đã hòa quện thành một. Cả 5 anh chị em tôi đều đã có công ăn việc làm. So với 4 người con của bà, tôi có phần kém hơn một chút. Thế nhưng bà vẫn nhất quyết ở cùng tôi trong căn nhà chưa đầy 30 mét vuông. Bà giúp tôi nuôi dạy con, lo toan việc nội trợ, thậm chí lấy tiền các con bà biếu hàng tháng để đóng tiền học phí cho cháu ngoại.

Sau khi bà mất, lúc nào tôi cũng nghĩ: “Vì sao tình cảm giữa chúng tôi lại sâu đậm hơn cả quan hệ mẹ con ruột thịt?”. Phải rất lâu sau đó tôi mới hiểu: Chúng ta luôn cho rằng tình yêu của mẹ là vô tư và yên tâm tận hưởng nó mà không hề nghĩ rằng tình yêu của mẹ cũng có nhiệt độ. Nếu bạn dùng trái tim lạnh lùng chạm vào nó thì nó sẽ lạnh và ngược lại. Tình cảm là sự sưởi ấm lẫn nhau của cả hai trái tim chứ không phải dùng một trái tim để sưởi ấm trái tim còn lại.

Video Chiều Xuân và Đỗ Hồng Quân song ca trong đám cưới con

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tinh-yeu-cua-nguoi-me-ke-d124311.html