Tình yêu bên dòng sông Pô Kô huyền thoại

Là chiến sĩ mới nhập ngũ, bởi vậy tết này Binh nhì Lò Quang Dũng (Đồn Biên phòng Dục Nông, BĐBP Kon Tum) không có điều kiện để sum họp cùng gia đình ở quê nhà. Thế nhưng, niềm vui của người chiến sĩ biên phòng này lại trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết khi 'hậu phương' đã hẹn năm nay cùng anh đón mùa xuân biên giới.

Binh nhì Lò Quang Dũng, chiến sĩ của Đội Tổng hợp-đảm bảo, Đồn Biên phòng Dục Nông gây ấn tượng với chúng tôi ngay lần đầu gặp mặt bởi tác phong nhanh nhẹn cộng với lối nói chuyện lễ phép không kém phần dễ thương. Dũng kể, hơn 20 năm trước, bố mẹ anh rời huyện Bá Thước (Thanh Hóa) vào Kon Tum xây dựng kinh tế mới. Tại mảnh đất Tây Nguyên này, Lò Quang Dũng đã chào đời, lớn lên trên rẫy cà phê và bên ruộng lúa nước do bố mẹ khai hoang. Thương chàng trai người Thái chất phác, thật thà, cô gái Ngô Thị Ngọc (thị trấn Đắk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã đem lòng yêu thương. Đôi bạn trẻ về chung một nhà trong sự vui mừng của bố mẹ, họ hàng đôi bên.

Mùa xuân năm trước, khi cây cà phê trên rẫy nở những bông trắng muốt, gọi đàn ong rừng về hút mật thì Lò Quang Dũng có giấy gọi nhập ngũ vào BĐBP Kon Tum. Ngày tiễn chồng vào Đồn Biên phòng Dục Nông, cách nhà cả trăm cây số, vợ Dũng khi ấy đang mang thai đứa con đầu lòng. Dù rất buồn vì xa phải cách nhưng Ngọc vẫn động viên chồng yên tâm công tác. Dường như, những người phụ nữ lấy chồng bộ đội luôn bản lĩnh đến bất ngờ. Con trai Lò Quang Khải chào đời, Ngọc cũng vượt cạn mà không có chồng ở bên. Bù lại, Dũng luôn biết cách để động viên vợ khi xa nhà. Những cánh thư tay của chồng từ biên giới đã tiếp thêm sức mạnh cho Ngọc. Thương vợ, nhớ con, Binh nhì Lò Quang Dũng luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình thật tốt và mong đến ngày phép để được về thăm gia đình nhỏ của mình. Biết hoàn cảnh của Dũng, chỉ huy đơn vị vì thế mà càng thương, tạo điều kiện cho gọi điện về nhà thăm hỏi cha mẹ, vợ con.

 Những lúc rảnh rỗi, Binh nhì Lò Văn Dũng viết thư tay động viên vợ ở quê nhà. Ảnh: Phạm Đại.

Những lúc rảnh rỗi, Binh nhì Lò Văn Dũng viết thư tay động viên vợ ở quê nhà. Ảnh: Phạm Đại.

Đồn Biên phòng Dục Nông quản lý 2 xã Đăk Dục và Đắk Nông với 14km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Lò Quang Dũng bảo, nếu không nhập ngũ thì không biết biên giới quốc gia là gì. Đến đây, khi đi tuần tra, đứng trước cột mốc mới thấy giá trị của 2 từ Tổ quốc, nó thiêng liêng đến lạ lùng. Đồng bào các dân tộc ở đây cuộc sống còn khó khăn, sống phụ thuộc vào nương rẫy. Nhìn những người lớn tuổi lại nhớ tới bố mẹ, những người phụ nữ bồng những đứa trẻ lại nhớ đến vợ con nơi quê nhà. Có lẽ ai cũng chung một suy nghĩ như vậy mà luôn có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ đồng bào. Ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông còn tích cực giúp đỡ nhân dân về mọi mặt nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Dũng thấy thật tự hào khi được cùng đồng đội làm nhà giúp ông A Nhưng (thôn Đăk Ba, xã Đăk Dục), và ông Blong Tro Thin (thôn Kả Nhảy, xã Đắk Nông) nguyên là lính biên phòng. Bê vác gạch đá, trộn hồ giữa cái nắng bỏng rát nhưng Dũng cũng như mọi người thấy rất vui vì công việc ý nghĩa mình đang làm. Dũng cũng tham gia cùng mọi người làm hơn 10km đường giao thông nông thôn ở thôn Dục Nhầy 1, Dục Nhầy 3, Đăk Ba, Nông Kon nằm dọc theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Chương trình “Nâng bước em đến trường” do đơn vị đang triển khai khiến Lò Quang Dũng thêm yêu màu áo lính biên phòng. Những năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông nhận đỡ đầu 3 học sinh A Khuê (thôn Chả Nhầy), Y Tiết (thôn Dục Nhầy) và A Duy (thôn Nông Kon) theo chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”. Theo đó, mỗi em sẽ được nhận 500.000 đồng và quà vào những dịp khai giảng, lễ tết. Với nhiều người, số tiền đó không nhiều nhưng với các em thì đây là “cứu cánh” để các em tiếp tục thực hiện giấc mơ con chữ bởi gia đình quá khó khăn. Mỗi tháng, Dũng cũng như tất cả cán bộ, chiến sĩ khác đều trích lại 1 phần phụ cấp để đóng góp vào quỹ hỗ trợ cho các em. Tất cả những câu chuyện ấy, Lò Văn Dũng đều kể cho vợ trong mỗi cánh thư gửi về nhà. Cũng chính những câu chuyện kể của chồng mà chị Ngọc rất muốn được một lần đến thăm chồng, để tận mắt chứng kiến những việc chồng và đồng đội đã làm và hơn cả là được ngắm bầu trời biên giới…

Tăng gia sản xuất ở Đồn Biên phòng Đăk Dục. Ảnh: Phạm Đại.

Đến Tây Nguyên, không thể không nhắc đến dòng sông Pô Kô đã đi vào thơ ca. Và khúc đoạn biên giới này, con sông huyền thoại là ranh giới tự nhiên phân chia 2 xã Đăk Dục và Đắk Nông. Nhìn con sông hùng vĩ giữa đất trời Tây Nguyên, tôi nhâm nhẩm lời hát “Hỡi Pô Kô ơi! Dòng sông mênh mông. Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm. Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết, bóng dáng người lái đò A Sanh”. Nghe vậy, Dũng được dịp thể hiện sự hiểu biết của mình. Dòng Pô Kô bắt nguồn từ vùng núi huyện Đắk Glei, chảy qua huyện Ngọc Hồi rồi từ đây về huyện Đắk Tô. Con sông này trở thành ranh giới tự nhiên giữa huyện Đắk Tô với huyện Đắk Hà, giữa huyện Sa Thầy với Đắk Hà, giữa Sa Thầy với thành phố Kon Tum rồi đổ vào sông Đăk Bla. Bắt đầu từ đây, sông Pô Kô có tên gọi là Sê San. “Như vậy, sông Pô Kô là dòng sông nối liền nơi em công tác với hậu phương của mình. Cứ như thể anh ở đầu sông em cuối sông chị nhỉ?”- Chàng binh nhì tủm tỉm cười hỏi mà không cần đến câu trả lời.

Tây Nguyên đã bước vào mùa khô. Cỏ cây trơ trụi trong cháy nắng chờ những cơn mưa để có thể bật chồi non bắt đầu một mùa sinh sôi mới. Bầu trời trong xanh, cao rộng hơn trên cao nguyên nắng gió. Năm đầu tiên trong quân ngũ nên mùa xuân này Dũng không thể về cùng sum vầy với gia đình. Hôm trước, Dũng đã nói vợ điều ấy. Sau phút suy nghĩ, Ngọc bảo sẽ nói với ông bà cùng 2 mẹ con vào Đồn Biên phòng Dục Nông thăm bố để gia đình được sum vầy, đoàn tụ để ngày Tết dù ở hoàn cảnh nào thì cũng là Ngày đoàn viên.

THANH TRÚC - PHẠM ĐẠI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tinh-yeu-ben-dong-song-po-ko-huyen-thoai-608538