Tỉnh Yên Bái đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020

TCCS - Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, 'Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức', tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn đi trước trong việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có sự tương đồng, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, không phù hợp về quy mô, hiệu quả hoạt động thấp và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Lãnh đạo xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trao đổi về vấn đề sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Nguồn: baoyenbai.com.vn

Lãnh đạo xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trao đổi về vấn đề sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Nguồn: baoyenbai.com.vn

Yên Bái là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên gần 6.889km2; dân số trên 82 vạn người, với trên 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,24%; có 9 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong số các huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 80% số dân); có 180 xã, phường, thị trấn (157 xã, 10 thị trấn, 13 phường với 81 xã đặc biệt khó khăn). Trước khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố, toàn tỉnh có 2.279 thôn, bản, tổ dân phố; trong đó 100% số thôn, bản, tổ dân phố đã có chi bộ. Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc, 564 tổ chức cơ sở đảng (319 đảng bộ; 245 chi bộ, có 3.130 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và gần 54.000 đảng viên).

Tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, ngày 25-10-2017, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tiếp tục củng cố thêm căn cứ chính trị, pháp lý, cơ sở lý luận và yêu cầu khách quan, cấp bách của việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, của Hội nghị Trung ương 6; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền ban hành kế hoạch thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh; lấy kết quả lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những nội dung phải kiểm điểm định kỳ và là cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị hằng năm.

Cùng với đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương là một cuộc cách mạng về tư tưởng, nhận thức và hành động, được chuẩn bị công phu, khoa học, kỹ lưỡng, sáng tạo, gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn; quá trình thực hiện vừa quyết tâm, quyết liệt, vừa bảo đảm đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, vừa có tính kế thừa, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo. Coi trọng công tác quán triệt, tuyên truyền, sớm thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc ban chỉ đạo các cấp thực hiện do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban, đôn đốc, thẩm định các nội dung để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Thống nhất chủ trương để Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND, ngày 10-4-2018, “Về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng” và Nghị quyết số 09/NQ/2018/NQ-HĐND, ngày 02-8-2018, của Hội đồng nhân dân tỉnh, về “Một số chính sách thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp”; quy định số lượng chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh và khoán quỹ phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người làm việc.

Những kết quả quan trọng đạt được trong triển khai thực hiện

Với cách làm thận trọng, chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội; lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chủ yếu, sự thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân là mục tiêu, yêu cầu và sự ổn định, hiệu quả hoạt động của các cơ quan sau sắp xếp là kết quả cần đạt được, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện:

1- Giảm được 405 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, bằng 25,52% so với tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015, trong đó giảm 42 cơ quan, đơn vị khối Đảng, đoàn thể; 363 cơ quan, đơn vị khối Nhà nước. Các mô hình mới theo chỉ đạo của Trung ương đều chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, như mô hình Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Sắp xếp lại Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; thực hiện đồng bộ tại 9/9 huyện, thị, thành phố việc hợp nhất văn phòng hội đồng nhân dân, văn phòng ủy ban nhân dân với văn phòng cấp ủy huyện; phòng nội vụ với ban tổ chức, thanh tra với ủy ban kiểm tra và thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cơ bản các phòng, ban, đơn vị có sự tương đồng hoặc liên thông về chức năng, nhiệm vụ, hay chồng chéo về địa bàn hoạt động đã được tính toán hợp nhất, sáp nhập cho phù hợp(1); giải thể, chấm dứt hoạt động một số cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả, các ban quản lý dự án, tổ chức phối hợp liên ngành(2); sắp xếp, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước của một số tổ chức về cơ quan có thẩm quyền để thống nhất hoạt động của các đơn vị sự nghiệp(3).

Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 nhằm giảm cơ sở trường học ở cấp xã, điểm trường ở thôn, bản và số lớp ở các cấp học bậc cao, giảm bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; công tác quản lý, giảng dạy, chăm sóc, giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc bán trú được tăng cường, học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; số học sinh được học bán trú và hưởng chính sách tăng, tạo điều kiện tốt hơn cho các em đến trường, giúp các em được làm quen với môi trường tập thể, rèn luyện kỹ năng sống và các hoạt động khác.

2- Thực hiện chủ trương nhất thể hóa, kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Đến nay, đã có 7/9 huyện, thị xã, thành phố thực hiện mô hình trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, 2 địa phương còn lại sẽ thực hiện trong quý II-2019; có 2/9 huyện, thị xã, thành phố thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện; có 5/9 huyện, thị xã, thành phố và 129/180 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; có 5/180 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân. Huyện Văn Yên thực hiện thí điểm phó bí thư đảng ủy kiêm phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm chủ tịch hội nông dân xã tại một số xã trên địa bàn.

3- Triển khai sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, qua đó giảm được 985 thôn, bản, tổ dân phố, bằng 41,9% so với tổng số thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh trước khi sắp xếp; giảm được 1.607 cán bộ không chuyên trách cấp xã và 7.738 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố.

4- Thực hiện đồng bộ việc sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ dôi dư và kiện toàn số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo quy định. Sau hơn 3 năm, tỉnh Yên Bái đã giảm được 3.780 biên chế, trong đó giảm trực tiếp 2.270 biên chế, bằng 8,72% biên chế được giao năm 2015 (tinh giản 355 biên chế công chức, bằng 9,32% biên chế công chức được giao năm 2015; tinh giản 1.915 biên chế viên chức, bằng 8,61% biên chế viên chức được giao năm 2015) và cắt giảm 1.510 biên chế viên chức đã giao nhưng chưa thực hiện. Giảm 180 chỉ tiêu hợp đồng nhân viên thú y cấp xã, bố trí, sắp xếp đối với 1.203 cán bộ lãnh đạo, quản lý dôi dư (391 cấp trưởng, 812 cấp phó) các đơn vị cơ bản bảo đảm số lượng theo quy định. Hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công việc khác phù hợp đối với 1.653 viên chức sự nghiệp và các chức danh kế toán, lái xe, y tế học đường, bảo vệ, nhân viên kỹ thuật, nhân viên phục vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư sau sắp xếp.

5- Thực hiện nghiêm túc việc quản lý biên chế, bảo đảm chế độ, chính sách gắn với xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức được Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và chỉ đạo ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc mình quản lý. Công tác tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, công chức được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan và đúng quy trình, thủ tục. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” nhằm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đủ số lượng, có trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

6- Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Thực hiện phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định, trong đó phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm sự quản lý thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động từ ngày 8-6-2018(4), đồng thời bố trí biên chế chuyên trách tại cơ quan văn phòng cấp ủy - chính quyền cấp huyện sau sáp nhập và chuẩn bị tốt các điều kiện để đưa bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện tại 9/9 huyện, thị, thành phố đi vào hoạt động liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh từ ngày 1-4-2019 theo đúng tinh thần Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23-4-2018, của Chính phủ, về “Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”.

7- Đẩy mạnh thực hiện chế độ tự chủ, xã hội hóa đối với một số ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp nhà nước. Tập trung triển khai thực hiện cổ phần hóa 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, sắp xếp lại mô hình hoạt động công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kinh doanh, khai thác và quản lý Chợ Mường Lò. Ban hành Đề án “Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo hướng tự chủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Qua đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện bảo đảm tự chủ tài chính bình quân năm 2018 khoảng 70%; năm 2019 có 8/20 đơn vị tự chủ tài chính 100%. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế ở các cơ sở y tế công lập của tỉnh, như liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp triển khai xây dựng các trung tâm khám bệnh, điều trị chất lượng cao với tổng số vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 189 cơ sở y tế ngoài công lập, với tổng số vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tiếp tục nghiên cứu phương án và lộ trình phù hợp để chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non từ công lập ra ngoài công lập ở những địa bàn có khả năng xã hội hóa cao.

Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và cách làm khoa học, đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, nhân văn, không cầu toàn, nóng vội; “dễ làm trước, khó làm sau”, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm “hợp tình, hợp lý”, lấy quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên làm cơ sở; sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan đơn vị, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và tinh giản biên chế gắn với đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh Yên Bái đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước (khoảng 925 tỷ đồng trong 3 năm); phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra. Đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng hợp lý và toàn diện; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vượt 44% mục tiêu nghị quyết đề ra; thu hút đầu tư tạo được sự khởi sắc bước đầu cho phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ với gần 100 dự án lớn trên các lĩnh vực, với tổng vốn đầu tư gần 29.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cả giai đoạn 2010 - 2015, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho những năm tới. Thu ngân sách bình quân hằng năm tăng trên 20%, tạo nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển. Văn hóa - xã hội có tiến bộ mới, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm dần; nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giáo dục - đào tạo được sắp xếp, củng cố; chất lượng, hiệu quả giáo dục được nâng lên; kết cấu hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế được quan tâm đồng bộ, toàn diện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được khơi dậy, phát huy, tạo động lực tinh thần cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm ổn định cuộc sống cho nhân dân và môi trường cho phát triển kinh tế.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện

Năm 2019, tỉnh Yên Bái xác định là năm bứt phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Với phương châm hành động “Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả” và chủ đề của năm là “Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; cơ bản về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh”, trong đó phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo Kế hoạch và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, nhằm tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng “tinh gọn, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính” và củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, giảm tỷ trọng chi cho con người, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển, theo đó tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương và địa phương. Nâng cao ý thức chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Hai là, tiếp tục thực hiện kiên trì, nghiêm túc việc tinh giản biên chế công chức, viên chức theo kế hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; cân đối, bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND, ngày 10-4-2018, “Về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng”. Tiếp tục rà soát để cân đối, điều chỉnh, bổ sung biên chế đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, gắn với vị trí việc làm, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng tham mưu trong hoạt động, thực thi công vụ. Triển khai thực hiện phương án giảm số lượng cấp phó ở các cơ quan, đơn vị hợp nhất, sáp nhập theo đúng quy định; chấm dứt các hợp đồng lao động không đúng quy định trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh, huyện, xã trong những năm trước đây. Nghiên cứu thực hiện thí điểm việc hợp đồng viên chức có thời hạn trong các đơn vị sự nghiệp.

Ba là, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có chất lượng các khâu trong công tác cán bộ. Làm tốt công tác rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong hệ thống chính trị bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công tâm; sắp xếp, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn, đúng người, đúng việc, đúng vị trí, đúng quy trình, quy định. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng Đề án của Tỉnh ủy về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo các đề án, kế hoạch; khuyến khích cán bộ, đảng viên tự nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Tiếp tục thực hiện việc luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ để tăng cường cho cơ sở, đồng thời tạo nguồn quy hoạch cán bộ các cấp cho tỉnh. Thực hiện nghiêm túc và đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; lấy kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và để xác định đối tượng cần tinh giản biên chế một cách khoa học, chính xác, có tính thuyết phục.

Bốn là, trên cơ sở Nghị định của Chính phủ, tiếp tục nghiên cứu sắp xếp, hợp nhất một số cơ quan khối Đảng và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện tương đồng về chức năng, nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thành lập bộ phận giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn. Tiếp tục thực hiện, nhân rộng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Rà soát, tiếp tục sắp xếp một số cơ quan, tổ chức bên trong của các sở, ngành cấp tỉnh. Hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị, cơ bản hoàn thành bố trí trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện ở những địa phương chưa thực hiện, tạo sự thống nhất về mô hình tổ chức, bộ máy và thực hiện nhiệm vụ trong toàn tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu việc thí điểm một số mô hình mới về tinh gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thành việc sáp nhập 14 xã của một số huyện không bảo đảm quy mô theo quy định; điều chỉnh, sáp nhập 6 xã, 1 thị trấn của huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ, thành lập thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.

Năm là, thực hiện cơ chế khoán chi, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả công việc và đời sống cho công chức, viên chức. Tiếp tục cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ công để quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả đồng vốn và tài sản của Nhà nước, giảm chi thường xuyên cho ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của công chức, viên chức, phát huy rõ vai trò người đứng đầu các cấp, các ngành, “Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”. Phát huy mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, tiến tới đưa bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đi vào hoạt động; triển khai xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý nhà nước tại địa phương./.

------------------------------------

(1) Hợp nhất Bệnh viện đa khoa với Trung tâm y tế, sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề vào Trường Trung cấp nghề, sáp nhập Văn phòng Đăng ký đất đai với Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện; sáp nhập trạm y tế với phòng khám đa khoa khu vực tại các xã có điều kiện...
(2) Giải thể công đoàn các ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, giao thông vận tải và 9 công đoàn giáo dục cấp huyện; giải thể theo lộ trình Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; giải thể Trung tâm giám định y khoa tỉnh; chấm dứt hoạt động các ban quản lý dự án giảm nghèo...
(3) Chuyển Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý; hợp nhất 3 đơn vị thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng kinh tế (cấp thành phố, thị xã) về phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (cấp huyện)
(4) Sau hơn một năm đi vào hoạt động, tỷ lệ người giao dịch rất hài lòng đạt 98,11%; tỷ lệ hài lòng đạt 1,87%

Phạm Thị Thanh TraÙỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2019/55299/tinh-yen-bai-day-manh-sap-xep-to-chuc-bo-may-he.aspx