Tỉnh ủy Bình Dương lại nói về vụ bán 43ha đất công

Giá chuyển nhượng khu đất 43ha chưa bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, làm thất thoát tiền của ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Đó là phát biểu của đại diện Tỉnh ủy Bình Dương về những sai phạm tại Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) trong việc bán rẻ khu đất công có 43ha cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú, thuộc Kim Oanh Group) để thực hiện dự án Khu Đô thị thương mại và Dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú).

Trên báo Dân Việt, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, TCT Bình Dương là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy quản lý và được UBND tỉnh Bình Dương giao hơn 43ha đất để xây dựng Khu đô thị Tân Phú nằm trong khu đất dịch vụ Khu liên hợp Bình Dương có diện tích 563,24ha.

Nguồn vốn chủ yếu để thực hiện hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng khu đất 43ha này là từ nguồn vốn lưu động và nguồn vốn tự chủ trong kinh doanh của đơn vị, mà tại thời điểm này, công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, sau đó được cấp thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật (năm 2012).

Như vậy, quyền sử dụng khu đất 43ha là tài sản của TCT Bình Dương, trong khi đó Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu TCT Bình Dương, do đó tài sản của TCT Bình Dương cũng chính là tài sản của Nhà nước.

Về việc TCT Bình Dương với Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú), Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định việc thành lập công ty liên doanh và kinh doanh dự án của TCT Bình Dương có một số thiếu sót và không đúng với chủ trương của Tỉnh ủy.

Có nhiều sai phạm trong vụ chuyển nhượng 43ha đất công ở Bình Dương

Có nhiều sai phạm trong vụ chuyển nhượng 43ha đất công ở Bình Dương

Cụ thể, về vấn đề thực hiện ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh: Ngày 1/7/2010, TCT Bình Dương đã thực hiện ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh trước ngày HĐQT của TCT Bình Dương họp và ngày 8/7/2010 ra nghị quyết trước khi có chủ trương của đơn vị chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương (ngày 17/8/2010).

Đối với hợp đồng thỏa thuận liên doanh ký ngày 1/7/2010, trong đó hợp đồng có bao hàm các nội dung thỏa thuận việc xác định giá đất và chuyển giao quyền sử dụng khu đất 43ha sang Công ty Tân Phú là chưa đúng với chủ trương, tinh thần hợp tác, góp vốn của Tỉnh ủy Bình Dương (tại Công văn số 1830-CV/ TU ngày 17/8/2010 là góp vốn bằng tiền).

Ngoài ra, TCT Bình Dương đã báo cáo không đầy đủ thông tin với Thường trực Tỉnh ủy và chọn Công ty Bất động sản Âu Lạc là doanh nghiệp đối tác chưa bảo đảm đủ các yếu tố năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm theo quy định của pháp luật (tại thời điểm này, Công ty Âu Lạc mới được thành lập trước ngày ký hợp đồng thỏa thuận là 9 ngày; vốn điều lệ của công ty chỉ có 60 tỷ đồng, chỉ bằng 42% vốn cam kết phải góp và theo báo cáo của công ty thì trụ sở tại TP.HCM là trụ sở thuê và đơn vị chưa triển khai hoặc tham gia thực hiện dự án bất động sản nào).

TCT Bình Dương cũng đã báo cáo không đầy đủ và rõ ràng cho chủ sở hữu và cấp thẩm quyền về vấn đề tổng số vốn đã đầu tư ra ngoài khi xin thành lập liên doanh mới. Việc đầu tư 60 tỷ đồng góp vốn thành lập Công ty Tân Phú là không bảo đảm phù hợp với các quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, tiến độ góp vốn của các công ty là không bảo đảm đúng như cam kết thỏa thuận liên doanh. Việc thực hiện góp vốn có gián đoạn khoảng thời gian gần 6 năm (từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2017 mới thực hiện xong). Thực tế cho thấy các công ty góp vốn vào Công ty Tân Phú không phải để triển khai đầu tư dự án khu nhà ở trên khu đất 43ha như chủ trương của Tỉnh ủy cho phép và cam kết của các công ty, mà dùng toàn bộ số vốn góp được để trả tiền bồi thường, đền bù đất đai cho TCT Bình Dương.

Cũng theo đại diện Tỉnh ủy Bình Dương, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 8/12/2016 khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú đã không tuân thủ theo trình tự, thủ tục về xác định giá trị đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, việc chuyển nhượng khu đất 43ha tại thời điểm tháng 12/2016 nhưng lại định giá theo thời điểm ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh năm 2010 là 570.000 đồng/m2, tổng số tiền chuyển nhượng là 250,110 tỷ đồng, thấp hơn giá đất UBND tỉnh ban hành năm 2016 là 125,195 tỷ đồng. Như vậy, về giá chuyển nhượng khu đất 43ha này thực hiện chưa bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, qua đó đã làm thất thoát tiền của ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cũng có nhiều dấu hiệu làm trái. Cụ thể, theo quy định thì “việc chuyển nhượng vốn Nhà nước có liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai”. TCT Bình Dương đã thuê các đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp (trong đó có giá trị đất 43ha), tuy nhiên kết quả xác định giá trị này chưa được Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh xem xét, thẩm định và trình UBND tỉnh quyết định theo Luật Đất đai năm 2013.

Tỉnh ủy đã yêu cầu TCT Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá trị tăng thêm của phần góp vốn 30%.

Theo báo cáo TCT Bình Dương lên Thường trực Tỉnh ủy, việc chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú liên doanh là để thực hiện dự án, nhưng chỉ sau 3 tháng (ngày 13/3/2017) TCT Bình Dương có Công văn số 39/TCTY gửi Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp của TCT BD cho Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc theo phương thức thỏa thuận dựa trên cơ sở giá thẩm định của các đơn vị thẩm định giá có chức năng.

Như vậy, TCT Bình Dương xin góp góp vốn thành lập liên doanh để thực hiện dự án, nhưng thực tế đã không triển khai dự án theo đúng chủ trương của tỉnh mà đã chuyển nhượng đất và chuyển nhượng vốn góp vào liên doanh để thu lợi nhuận. Việc thực hiện này là không đúng với mục đích chủ trương tại Công văn số 1830-CV/TU ngày 17/8/2010 cũng như Công văn số 477- CV/TU ngày 29/8/2016 của Thường trực Tỉnh ủy về việc cho chủ trương tiếp tục thực hiện liên doanh góp vốn.

Liên quan đến vụ việc này, cuối tháng 10/2018, trong giải trình của mình, TCT Bình Dương cho rằng tiền đền bù khu đất hình thành từ vốn vay, liên doanh liên kết chứ không phải từ Ngân sách nên việc được bán 43 ha đất là đúng chủ trương. TCT Bình Dương chỉ có…khuyết điểm là làm các thủ tục giao đất, chuyển giao cho công ty liên doanh chậm do tình hình bất động sản chưa thuận lợi.

Cuối năm 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho hay, sau thời gian thanh tra tỉnh thanh tra ra nhiều sai phạm, Tỉnh ủy Bình Dương quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an để điều tra làm rõ vụ TCT Bình Dương chuyển nhượng khu đất 43 ha hiện đang là dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú.

Cũng vào cuối năm 2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án vụ chuyển nhượng 43 ha đất công nói trên.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/tinh-uy-binh-duong-lai-noi-ve-vu-ban-43ha-dat-cong-3398012/