Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn phức tạp

Ngày 26-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với 21 điểm tại Sở NN-PTNT và 167 đầu cầu UBND cấp huyện của 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ và hộ đê.

Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị ngày 26-6.

Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị ngày 26-6.

NDĐT - Ngày 26-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với 21 điểm tại Sở NN-PTNT và 167 đầu cầu UBND cấp huyện của 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ và hộ đê.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai, cho biết hệ thống đê điều nước ta có quy mô lớn với tổng số 9.078 km đê, trong đó có hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Qua đánh giá hiện trạng công trình đê điều, các địa phương đã xác định trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 399 km đê thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt còn nhỏ; 160 km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 kè hỏng, xung yếu và 230 trọng điểm đê điều xung yếu.

Ông Thành đánh giá, nếu các trận mưa cực đoan như trận mưa lớn năm 2008 gây lụt Thủ đô Hà Nội, trận mưa lũ lịch sử năm 2017 tại miền trung... xảy ra khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du thì khả năng xảy ra lũ lớn, uy hiếp an toàn đê điều.

Trong khi đó, tình hình vi phạm pháp luật về đê diều vẫn diễn ra hết sức phức tạp nhưng việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế.

"Đáng chú ý là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ", ông Thành nói.

Từ năm 2011 đến tháng 5-2020, cả nước đã xảy ra 10.068 vụ vi phạm đê điều, nhưng mới giải quyết được hơn 3.000 vụ, vẫn còn hơn 7.000 vụ còn tồn đọng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, hiện nay chúng ta ngày càng phải đối mặt thiên tai và thời tiết cực đoan. Bình quân một năm thiên tai trên thế giới gây thiệt hại khoảng 300 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Chúng ta chứng kiến nhiều cơn bão, lũ lớn trên thế giới.

Thiên tai ở Việt Nam năm 2019 giảm hơn 2018. Tuy nhiên, bình quân trong 5 năm, thiên tai ở Việt Nam vẫn gây thiệt hại 1,5% GPD và gần 300 người thiệt mạng. Mặc dù thiên tai 2019 giảm, nhưng với điều kiện khí hậu cực đoan và biến đổi khía hậu bất thường như hiện nay, chúng ta không lường trước được những vấn đề gì sẽ xảy ra.

"Trong thời gian gần đây, các loại hình thiên tai đã ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, trong đó có bão, lũ quét, sạt lở đất… càng ngày càng lớn. Đặc biệt, đối với 21 tỉnh, thành phố có đê, chúng ta khá lâu rồi chưa chứng kiến lũ lớn, nhưng mưa lớn gây sạt lở, uy hiếp đã diễn ra ở các địa phương", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT và số liệu thống kê thực tế, sau hạn hán kỷ lục thường có nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, mất an toàn cho hệ thống đê điều trên diện rộng. Do đó, cần sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai bất thường, cực đoan.

Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đã cung cấp những thông tin mới nhất về Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9; các vấn đề liên quan trực tiếp đến các Chủ tịch UBND huyện liên quan đến công tác quản lý đê điều.

Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm mà Chủ tịch UBND cấp huyện cần tập trung quan tâm, chỉ đạo như: Các hoạt động kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, phân công, phân nhiệm cho các thành viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn các công trình phòng, chống thiên tai và cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn trước thiên tai.

Nhất là đảm bảo an toàn cho 2.726 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt với 230 trọng điểm đê điều xung yếu; xử lý vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng và ngăn chặn tình trạng tái diễn, vi phạm mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7-10-2019.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện cũng chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả bảo đảm sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44994302-tinh-trang-vi-pham-phap-luat-ve-de-dieu-van-phuc-tap.html