Tình trạng tranh nhái, tranh giả sắp hết cơ hội 'lộng hành'?

Sáng 6-12, Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã chính thức ra mắt. Với chức năng giám định và thẩm định các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật trên toàn quốc với kì vọng, thời gian tới đây, tình trạng tranh, ảnh mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc tế sẽ hết cơ hội lộng hành.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, vì không có đơn vị nào làm công việc này nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch buộc phải xắn tay vào làm. Trước khi thành lập Trung tâm này, Cục đã tìm hiểu thông lệ quốc tế và thấy rằng, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có một trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh do Nhà nước thành lập. Trong khi đó, các quốc gia khác, trung tâm giám định này đều do tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ thành lập. Nhưng Bộ vẫn quyết định cho thành lập bởi trước thực trạng mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Cũng vì lí do cần phải có đơn vị làm “trọng tài” trong việc giám định tác phẩm. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề nghị Bộ VH,TT&DL bổ sung thêm chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cho Trung tâm trực thuộc Cục.

Theo đó, quy trình thực hiện giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh gồm: tiếp nhận hồ sơ, trả lời hồ sơ (sau 7 ngày tiếp nhận), ký hợp đồng giám định, nhận tác phẩm cần giám định, trả lời kết quả giám định bằng văn bản sau 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận tác phẩm đề nghị giám định. Đối với vụ việc phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật của Viện khoa học hình sự - Bộ công an thì thời gian trả kết quả giám định sẽ được thỏa thuận giữa 2 bên theo hợp đồng giám định.

Các hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ gồm: Hội đồng giám định tác phẩm nhiếp ảnh sẽ do nhà nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh làm Chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm hội họa - đồ họa do họa sỹ Lương Xuân Đoàn làm Chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt sẽ do PGS.TS Vương Học Báu làm Chủ tịch. Nếu thành viên trong Hội đồng có tác phẩm thì sẽ không được tham gia công tác giám định. Ngoài ra, có những tác phẩm đặc biệt cần phải có hội đồng mở rộng để thẩm định, đánh giá chính xác thì Trung tâm sẽ mời cả thân nhân của tác giả tham gia vào Hội đồng thẩm định.

Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh

Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định 1 đến 3 tác phẩm là 35 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 4 đến 10 tác phẩm là 70 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 11 đến 20 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 21 đến 50 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ trên 50 tác phẩm là 281 triệu đồng.

Nếu tác phẩm giám định có thêm sự thẩm định của công nghệ với sự giúp sức của Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an), người yêu cầu được thẩm định sẽ phải trả thêm một khoản phí nữa, bên cạnh mức phí phải trả cho hội đồng nghệ thuật.

Quyết định cuối cùng về tranh giả, tranh thật cần đạt tới sự đồng thuận của 100% hội đồng. Bản giám định do Trung tâm Giám định và Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cung cấp, được áp dụng đối với các hoạt động kinh doanh, triển lãm và đấu giá tác phẩm. Còn đối với một vụ kiện tụng cụ thể, tòa án có thể yêu cầu thêm một bản giám định tư pháp, bên cạnh bản giám định chuyên môn do Trung tâm cung cấp.

Ai có nhu cầu thì làm hồ sơ xin giám định. Chủ tịch hội đồng nghệ thuật của chuyên ngành đó sẽ xem xét các chứng cứ để đi đến quyết định có chấp thuận hồ sơ giám định đó hay không.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-trang-tranh-nhai-tranh-gia-sap-het-co-hoi-long-hanh-129700.html